'Quên cách yêu' thành công vì nắm rõ thị trường

17/01/2014 08:31 GMT+7 | Âm nhạc



(Thethaovanhoa.vn) - Ca khúc Quên cách yêu vừa gây “choáng” bởi kỷ lục thu phí bản quyền tác giả lên tới 164 triệu đồng/năm, trong lúc nó cũng chỉ là ca khúc “tầm tầm”, nhàn nhạt. Tại sao nó lại đạt được thành công về yếu tố kinh doanh như thế?

1. Thực ra trong 1.001 chuyện về âm nhạc có lẽ chỉ Việt Nam là có cách nghe nhạc lạ lùng nhất. Với diện tích không lớn lắm, số dân chưa tới 100 triệu cùng một nền văn hóa và giáo dục thống nhất nhưng mặt bằng thẩm mỹ nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng lại rất khác nhau. Chẳng hạn đã “đóng đinh” trong suy nghĩ của nhiều người rằng cứ nói đến nhạc trữ tình mang hơi hướng hàn lâm một chút sẽ nghĩ ngay tới công chúng phía Bắc, kể cả có hơi “sến” đi nữa thì ở phía Bắc cũng phải là những ca khúc trữ tình, tiền chiến. Trong khi dòng ca khúc này đối với công chúng phía Nam đã được liệt vào hàng sang, còn đại chúng nghe nhạc gắn liền với dòng bolero vẫn được gọi với cái tên “sến”.



Hình trong clip “Quên cách yêu” (sáng tác Khánh Đơn; ca sĩ Lương Bích Hữu)

Đấy là từ cả nửa thế kỷ trước. Giờ đây cách nghe nhạc đã khác nhiều nhưng trong suy nghĩ mọi người, địa hình địa lý vẫn là một vấn đề liên quan đến “gu” nhạc của người Việt. Ngoài ra, gần hai thập niên lại đây còn xuất hiện thêm cái gọi là dòng nhạc thị trường. Có lẽ sự phân chia giữa nhạc thị trường và nhạc (tạm gọi) nghệ thuật chỉ là cách gọi đối phó khi dòng nhạc nghệ thuật mất dần thị phần kể từ lúc nhạc thị trường xuất hiện. Với thế giới, ở lĩnh vực âm nhạc đại chúng làm gì có sự tách biệt thị trường và nghệ thuật, hai yếu tố đương nhiên phải quyện vào nhau. Một ca sĩ, nhóm nhạc hay một bài hát nào đó mà trở nên “hot” thu được bộn tiền cũng đồng nghĩa với tài năng của người nghệ sĩ cùng với chất lượng nghệ thuật của tác phẩm. Việc phân chia thành hai thái cực thể hiện một điều rằng chúng ta chưa giải quyết được mối quan hệ giữa nghệ thuật và thị trường.

2. Ca khúc Quên cách yêu của nhạc sĩ Khánh Đơn do ca sĩ Lương Bích Hữu hát được liệt vào dòng nhạc thị trường. Có lẽ chính vì thế nó mới gây sự ngạc nhiên, thậm chí “sốc” cho không ít người khi tiếp nhận thông tin này. Tại sao một ca khúc lại có thể thu được tới hơn 160 triệu đồng trong khi nhiều ca khúc khác được cho là rất hay lại chẳng thu được đồng nào? Chắc chắn hàng bao nhiêu người đã rút ví để rồi tích thành số tiền lớn kia là bấy nhiêu người hài lòng với những gì họ muốn được nhận. Suy cho cùng âm nhạc nếu nói hoa mỹ thì được sinh ra để gắn với sứ mệnh đáp ứng nhu cầu con người, nói đơn giản thì tác phẩm âm nhạc cũng là một sản phẩm hàng hóa đặc biệt, tất nhiên vẫn để phục vụ con người. Quên cách yêu đã làm được điều cần làm nhất đối với thị trường âm nhạc thì tạm miễn bàn chuyện hay dở, hãy xem đó như một điển hình để nhìn vào và xem xét mô hình.

Các cụ vẫn có câu “nhập gia tùy tục”, ở ta khi việc nghe nhạc bị chia lẻ thành nhiều phân khúc thì khi ở khúc nào cần phải hiểu rõ khúc ấy mới tìm được hướng đi. Cùng là nhạc trẻ nhưng không thể ôm đồm mà cần phải nhắm tới một đối tượng cụ thể. Chính Khánh Đơn khi còn là trưởng nhóm nhạc Huyền Thoại đã từng chia sẻ: Ngay từ lúc đầu cần phải xác định nhóm sẽ hoạt động ở địa bàn nào, nhắm vào nhóm đối tượng nào? Từ đó đưa ra những sản phẩm âm nhạc, hình ảnh phù hợp. Nếu nhắm vào tuổi teen thì luôn cần ca sĩ trẻ, đẹp kiểu hot boy, hot girl. Nhưng teen khu vực miền Tây thì ca từ cần phải dễ hiểu, dễ nhớ, gần như văn nói còn teen miền Bắc phải bóng bẩy, ví von như những hoàng tử, công chúa với những câu chuyện tình yêu lung linh. Đây cũng là yếu tố khiến cho nhiều ca sĩ thị trường thành công.

Rõ ràng, tất cả những điều đó đã ít nhiều thể hiện tính chuyên nghiệp và gần với thị trường âm nhạc đúng nghĩa. Nhưng đó là chuyện của năm bảy năm trở về trước. Gần đây, khi không ít các nhạc sĩ, ca sĩ… đang kêu gào về sự vi phạm bản quyền, thậm chí nhiều người nản không muốn thực hiện những sản phẩm thu âm, thu hình mới, thế nhưng một vài tác giả trẻ vẫn lạc quan bởi họ đã tìm ra chìa khóa để có thể “sống chung với lũ”. Trường hợp Khánh Đơn là một điển hình. Trước đây, hằng năm Khánh Đơn phát hành tới vài đầu đĩa nhưng mấy năm nay nhạc sĩ này đã chuyển hoàn toàn sang hướng khai thác qua mạng và tin nhắn điện thoại... Ở góc độ khác, nhận thấy cách nghe nhạc của khán giả đã ít nhiều khác trước, nên trong sáng tác Khánh Đơn cũng hướng nhiều hơn tới tính trữ tình. Ngoài ra, nhạc sĩ này đã thành công khi vực dậy được cái tên Lương Bích Hữu tưởng chừng sẽ biến mất cùng hình ảnh cô gái Trung Hoa trẻ trung nhí nhảnh với hình ảnh mới - “người lớn hơn”. Sẽ “sốc” hơn nếu biết đây có lẽ chưa hẳn đã là ca khúc thu được nhiều tiền bản quyền nhất của “cặp đôi âm nhạc” này mà chỉ là thu được nhiều nhất trong một năm. 

3. Vấn đề lớn nhất của âm nhạc Việt Nam hiện nay là cần giải được bài toán về mối quan hệ giữa thị trường và nghệ thuật. Chỉ có một con đường duy nhất có thể quay ngược chiều mâu thuẫn này thành hòa quyện vào nhau là việc nâng cao đời sống thẩm mỹ văn hóa - nghệ thuật, tạo mặt bằng chung, trang bị kiến thức “nền” cho công chúng. Điều này thậm chí còn vượt quá sức của các nhà hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp và cần phải có một kế hoạch dài hơi mang tính chiến lược.

Nguyễn Quang Long
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm