Phục hưng nhạc cụ truyền thống bằng... Iphone

23/03/2013 06:32 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Công nghệ phát triển kéo theo những trào lưu âm nhạc “ăn xổi”. Từ đó, khán giả dần kém mặn mà với nhạc cụ truyền thống. Nhưng Võ Vân Ánh nghĩ khác. Chị muốn dùng chính những chiếc smartphone đời mới nhất để các sinh viên nhạc viện sáng tác và phục hưng những cây đàn, cây sáo cổ truyền của dân tộc.

Vừa qua, tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, nghệ sĩ Võ Vân Ánh cùng cộng sự đã công bố dự án Music Bridge - Under 25.

“Giải cứu” nhạc cụ truyền thống

“Mấy chục năm nay, các sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia vẫn học đi, học lại những tác phẩm kinh điển của các thầy cô. Ở khoa sáng tác, các sinh viên viết cho nhạc cụ truyền thống cũng không thật nhiều và không thật “chất”. Còn các sinh viên nhạc cụ cổ truyền không sáng tác và không có thói quen sáng tác cho cây đàn, cây sáo mà mình hiểu rất rõ. Các em vẫn mặc định công việc ấy là của người khác”- nghệ sĩ Võ Vân Ánh trao đổi với TT&VH.

Trong khi đó, tác phẩm là “thức ăn” cho nhạc cụ truyền thống. Nếu không có tác phẩm mới, nhạc cụ truyền thống sẽ mai một dần (và hiện tại đang như vậy). “Vẫn biết, Bèo dạt mây trôi, Cây trúc xinh... rất hay. Song khán giả nghe nhiều cũng nhàm. Và nghệ sĩ cứ chơi mãi một vài bài sẽ mòn dần tay nghề và khả năng sáng tạo” - thầy Triệu Tiến Vượng, giảng viên khoa sáo trúc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam nói.

Nghệ sĩ Võ Vân Ánh

Với mục tiêu “giải cứu” nhạc cụ truyền thống, Võ Vân Ánh đã quyết định hiện thực hóa dự án Music Bridge- Under 25. Dự án sẽ hỗ trợ tiền cho những người sáng tác (đặc biệt khuyến khích những nhạc công sáng tác riêng cho nhạc cụ của mình). Cụ thể, mỗi thí sinh chỉ cần tham gia dự án Music Bridge- Under 25 sẽ nhận được 400.000 đồng tiền hỗ trợ sáng tác. Hết một năm, dự án sẽ có cuộc trao giải thưởng cho tác phẩm những tác phẩm xuất sắc. 

Để xác lập thương hiệu ngay từ khi mới ra mắt, dự án đã huy động những nghệ sĩ hàng đầu trong nước và thế giới làm ban cố vấn cho dự án: nghệ sĩ Vân Ánh, nghệ sĩ Nguyên Lê (một trong 14 cây guitar nhạc Jazz số 1 thế giới), Lê Toàn (Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Phạm Ngọc Khôi (Giám đốc Dàn nhạc dân tộc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam)...   

Đừng coi công nghệ là kẻ thù của nhạc cổ truyền

“Hầu hết chúng ta ở đây đều có Iphone hay các máy smartphone khác. Đừng nghĩ công nghệ là kẻ thù với nhạc cổ truyền. Nếu biết tận dụng, nó sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều. Ví như khi có một giai điệu bật lên trong đầu, lập tức các bạn có thể ghi lại bằng tính năng ghi âm của smartphone (ở bất cứ nơi nào và bất cứ đâu). Sau về nhà ta sẽ viết ra khuôn nhạc và chải chuốt, phát triển thành tác phẩm hoàn chỉnh.”- Võ Vân Ánh chia sẻ kinh nghiệm sáng tác trong thời đại mới với các sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Cũng Võ Vân Ánh, sáng tác bằng thiết bị gì, chủ đề gì không phải vấn đề chính. Thậm chí, chuyển thể các tác phẩm nước ngoài cho nhạc cụ truyền thống Việt Nam cũng là những sáng tạo nghệ thuật rất đáng quý và trân trọng. Và ban tổ chức chấp nhận cả những sáng tác dạng chuyển thể tham gia dự án. 

Về mục tiêu của dự án, Võ Vân Ánh chia sẻ: “Mình không kỳ vọng nhiều. Nhưng thiết nghĩ nếu các bạn sinh viên viết được 100-200 bản nhạc thì dứt khoát cũng phải có được 1-2 bản nhạc hay. Những bản nhạc này sẽ sống mãi”.

Music Bridge- Under 25 dự định sẽ kéo dài ba năm. Ba năm, khoảng thời gian đủ để Iphone thay vài đời máy. Nhưng có lẽ để chấn hưng một dòng nhạc bị bỏ bê tới mấy chục năm, con số này chẳng thấm thoát là bao.

Võ Vân Ánh (tên biểu diễn tại Mỹ: Vanessa Vo), hiện định cư tại Mỹ. Chị có thể chơi nhiều loại đàn dân tộc như đàn tranh, đàn tam thập lục, đàn bầu, t'rưng, k'lông pút, trống dân tộc... Bên cạnh đó, chị còn sáng tác rất nhiều tác phẩm mang âm hưởng hiện đại trên những cây đàn truyền thống.

Với những sáng tạo đột phá từ những nhạc cụ cổ truyền Việt Nam, Võ Vân Ánh giành giải thưởng Grand Jury Prize của Sundance Film Festival 2002, sáng tác nhạc cho phim Daughter from Danang được đề cử giải Oscar 2003, đoạt giải Emmy Awards với soundtrack cho phim Bolinao 52 (năm 2009)….

Khi đến Việt Nam và được hỏi từng biết tới nghệ sĩ nào của Việt Nam, nhạc trưởng nổi tiếng người Nhật Bản Joji Hattori nói rằng, ông biết và đã từng xem Võ Vân Ánh biểu diễn ở châu Âu.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm