Phim thảm, liên hoan phim cũng… thảm ?

18/10/2013 09:12 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Dự kiến diễn ra trong 5 ngày, từ 11-15/10/2013, nhưng sau đó rút gọn từ 14-16/10/2013, Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 18 (tổ chức tại Quảng Ninh) có lẽ là LHP ngắn nhất và… lặng lẽ nhất trong lịch sử LHP Việt Nam!

Năm 2013 chưa kết thúc nhưng có thể sớm tổng kết về một năm thảm bại nơi phòng vé nhìn từ góc độ doanh thu và thảm bại cả trên các trang phê bình điện ảnh với số nhiều là “phim thảm họa” của phim điện ảnh quốc nội. Tuy vậy, LHP năm nay lại có số lượng phim dự thi rất đông: 139 tác phẩm, trong đó có 23 tác phẩm phim truyện điện ảnh, 6 phim truyện video, 10 phim tài liệu nhựa, 62 phim tài liệu video, 12 phim khoa học và 26 phim hoạt hình. Đặc biệt trong số 23 phim điện ảnh có tới 19 bộ phim do các hãng tư nhân sản xuất, áp đảo so với 4 phim nhà nước - đây cũng là năm mà phim tư nhân chiếm tỷ lệ cao nhất.



Tuy nhiên, số lượng phim và cả số lượng các nghệ sĩ tham dự lễ khai mạc khá đông đảo, sự hiện diện của nhiều ngôi sao trên thảm đỏ cũng không khỏa lấp được không khí buồn tẻ tại LHP Việt Nam năm nay. LHP VN lần thứ 18 trùng với kỷ niệm 60 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam, gặp bất lợi cả 3 yếu tố: thiên thời (do trùng vào quốc tang, không chỉ thời gian diễn ra LHP phải rút ngắn mà tâm lý người tới tham dự LHP cũng chùng lại, các hoạt động tuyên tuyền, cổ động sự kiện đều trở nên lặng lẽ); địa lợi (vẫn thực hiện phong cách tổ chức di dời địa điểm sau mỗi lần tổ chức, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh không phải một trung tâm điện ảnh hay trung tâm chiếu bóng của cả nước); nhân hòa mà ở đây chính là dấu hỏi với chất lượng nghệ thuật của các tác phẩm dự thi. Dù chiếu miễn phí trong suốt thời gian LHP song số lượng khán giả Quảng Ninh tới rạp khá khiêm tốn. Lễ khai mạc LHP bị nhiều người chê là nhạt nhẽo và giống lễ khai mạc lễ hội… múa hơn là lễ hội của ngành điện ảnh.

Với ước mong nâng LHP Việt Nam lên tầm khu vực về chất lượng tác phẩm và tổ chức, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Trưởng ban Tổ chức LHP, TS Ngô Phương Lan đề cập tới cái khó của Ban tổ chức: “LHP quốc gia không giống LHP quốc tế, nơi mà sự chọn lựa của Ban tổ chức rất gay gắt. Các nước tổ chức LHP quốc gia thường kỳ như Việt Nam cũng không nhiều, và các kỳ LHP trước Ban tổ chức để các nhà sản xuất lựa chọn. Từ LHP lần thứ 19, có thể sẽ có những tiêu chí, quy định mới để lựa chọn phim chặt chẽ hơn, chất lượng phim đồng đều hơn và nâng cao chất lượng phim dự LHP quốc gia lên cao hơn”. Biết là vậy, nhưng thực tế cho thấy mong muốn “chuẩn hóa” LHP còn phụ thuộc rất nhiều vào tình hình sản xuất phim trong nước. Nếu số lượng phim điện ảnh nội - xương sống của một nền điện ảnh chuyên nghiệp, sản xuất hàng năm chỉ đếm được trên đầu ngón tay thì việc tuyển chọn chất lượng sẽ là bài toán khó cho Ban tổ chức LHP.

PV
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm