Phim 'Mariam': Đặt mạng sống cận kề cái chết để làm nghệ thuật

24/10/2013 08:21 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) -Mariam, bộ phim của đạo diễn Syria Basil al-Khatib vừa gây chú ý khi đoạt một loạt giải thưởng điện ảnh tại LHP Cairo (Ai Cập); LHP Oran (Algeria) và LHP Dakhla (Maroc).

Đáng nói là để hoàn thành được tác phẩm điện ảnh này, ê-kíp làm phim đã phải vượt qua nhiều rủi ro trong cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria. “Một số cảnh trong phim được quay ở những địa điểm rất nguy hiểm,  khi những cuộc chiến dữ dội diễn ra gần đó. Chúng tôi phải đi quay phim với tâm trạng không biết buổi tối mình có còn sống để trở về nhà hay không” - đạo diễn Khatib chia sẻ. Tuy nhiên, Khatib muốn bộ phim phải thể hiện được rõ tính nhân văn qua các cuộc xung đột ở Syria.

Tôn vinh phụ nữ Syria

Phim mô tả sự khốc liệt của chiến tranh và tác động của nó tới 3 người phụ nữ. Nhưng không ai trong số họ mất đi tình yêu và sự hy sinh của mình. “Phim tôn vinh phụ nữ Syria” - đạo diễn Khatib cho biết.

Phim kể lại 100 năm lịch sử của Syria thông qua 3 câu chuyện của 3 người phụ nữ sống trong 3 kỷ nguyên khác nhau. Họ đều mang tên Mariam. Họ sống qua 3 cuộc xung đột khác nhau ở Syria, song qua tình yêu, họ đã vượt qua được những điều khủng khiếp của chiến tranh.

Đạo diễn Syria Basil Al-Khatib

Câu chuyện của Mariam đầu tiên diễn ra vào khoảng năm 1918, khi kỷ nguyên Ottoman khép lại. Người phụ nữ trẻ này có giọng hát rất hay, song cô phải hét lên đau đớn khi mất đi kỷ vật cuối cùng của người yêu. Cái chết của cô hết sức bí ẩn, nhưng là phép ẩn dụ cho thấy một vận mệnh không chắc chắn mà đất nước Syria đang phải đối diện trong thời điểm ấy.

“Đây là kỷ nguyên chủ chốt trong lịch sử của Syria. Thời điểm đó, tương lai của Syria còn rất mù mịt khi đế chế Ottoman sụp đổ và các cường quốc đồng minh nhảy vào” - Khatib nói.

Câu chuyện của Mariam thứ 2 diễn ra vào năm 1967, đặc biệt là vào những ngày cuối tháng 6, trong cuộc chiến với Israel. Đây là một phụ nữ Công giáo góa bụa ngoài 30 tuổi.   

Trong chiến tranh, Mariam, mẹ chồng cô và cô con gái 6 tuổi phải lánh nạn trong một nhà thờ ở Quneitra. Nhưng sau đó, mẹ chồng Mariam bị giết, cô và con gái bị thương. Lính Israel chiếm nhà thờ, nhưng Mariam đã khéo léo tìm cách thoát được khỏi hiểm nguy, dù sau đó cô vẫn chết vì bị giam cầm. Trong phim, người phụ nữ này nói: “Cuộc chiến đã không chỉ phá hủy tổ ấm của chúng ta, mà còn hủy hoại cả tâm hồn”.

Mariam thứ 3 là một phụ nữ trẻ đương đại, đang phải đối diện với sự xung đột vô cùng tồi tệ trong chính ngôi nhà của mình, qua đó mô tả tình trạng đầy hỗn loạn hiện nay của Syria.

Cô có quan hệ máu mủ với Mariam đầu tiên, vậy nên chẳng có gì ngạc nhiên khi cô cũng có một giọng ca rất hay. Cô đã cố gắng ngăn cha mẹ không đưa ông bà mình vào một nhà dưỡng lão, tuy nhiên mọi nỗ lực của cô đều vô ích.

Sau khi cha quyết tâm bỏ mặc mẹ đẻ của ông ở nhà dưỡng lão, Mariam đã nói: “Khi người con trai từ bỏ mẹ mình, tức là anh ta đang từ bỏ ký ức của mình, đất nước mình”.

Cảnh trong phim Mariam
Tình yêu chiến thắng tất cả

Phim được mở đầu với một câu thơ của cha đạo diễn Khatib: “Chúng ta đã mất mọi thứ, nhưng chúng ta vẫn có tình yêu”. Và một nhân vật trong phim nói: “Chiến tranh đã gây nên những điều tồi tệ nhất cho con người, nhưng nó cũng khiến con người ta mang đến cho nhau những điều tốt đẹp nhất”.

“Qua bộ phim này, tôi muốn chứng tỏ rằng tình yêu, hòa bình và sự tha thứ đã chiến thắng hết tất cả. Chúng tôi vượt qua mọi sự khó khăn để sống” - đạo diễn Khatib nói.

Trong gần 3 năm qua, ở Syria đã có hơn 115.000 người bị giết hại và hàng chục triệu người đã phải sống tha hương do cuộc nội chiến tàn khốc.

Đạo diễn Khatib cho rằng, phim đã chinh phục được khán giả và ban giám khảo các liên hoan phim bởi nó xoáy đến yếu tố nhân văn trong cuộc xung đột ở Syria. 

Basil Al-Khatib là đạo diễn điện ảnh và truyền hình Syria, có dòng máu Palestine. Ông sinh năm 1962 ở Hilversum, Hà Lan, nhưng từ năm 1963 đã cùng gia đình chuyển tới sống ở Damascus, Syria. Cha ông là nhà thơ Palestine Yousif Al-Khatib.

Khatib từng theo học tại khoa Đạo diễn Điện ảnh và Truyền hình thuộc Viện Điện ảnh Moskva (VGIK). Ông đã có một số loạt phim truyền hình gây tiếng vang.

VIỆT LÂM (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm