Phim khai mạc LHP Busan: Câu chuyện bất tận về tình yêu và sự dâng hiến

05/10/2013 11:01 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Các nhà tổ chức LHP Quốc tế Busan lần thứ 18 đã chọn phim Vara: A Blessing của nhà sư Bhutan Khyentse Norbu mở màn LHP năm nay, trong nỗ lực nhằm tôn vinh sự đa dạng các tài năng điện ảnh khu vực.

Vara: A Blessing là bộ phim thứ 3 của nhà sư Khyentse Norbu, được ông dàn dựng theo truyện ngắn Rakta Aar Kanna (tạm dịch: Máu và nước mắt)  của nhà văn nổi tiếng Ấn Độ Sunil Gangopadhyay.  

Mô tả sinh động điệu múa Bharatanatyam

Phim xoáy quanh điệu múa truyền thống Bharatanatyam, sử dụng những hình ảnh đẹp để kể câu chuyện về một cặp tình nhân, sự hy sinh của họ và ý chí của người phụ nữ trong hoàn cảnh không may.

Trong một ngôi làng nhỏ ở Ấn Độ, Lila học múa từ người mẹ của mình, Devadasi, một vũ công Bharatanatyam đã nguyện hiến đời cho một vị thần Hindu. Lila yêu Shyam, một chàng trai thuộc tầng lớp thấp, mơ ước được trở thành một nhà điêu khắc.


Nhà sư Bhutan Khyentse Norbu

Shyam mời Lila làm người mẫu cho mình khi anh muốn tạc tượng một nữ thần. Trong quá trình ấy, 2 người trở nên thân thiết, mặc dù họ biết rằng nếu bị phát hiện, cả hai sẽ gặp nguy hiểm. Lila bắt đầu tưởng tượng Shyam chính là Krishna, vị thần mà cô phải hiến trọn đời mình.

Không lâu sau đó, ông trưởng làng Subha phát hiện ra mối quan hệ của hai người và Lila quyết định hy sinh hạnh phúc vì mẹ và vì Shyam. Trong phim, điệu múa Bharatanatyam được thể hiện rất sinh động. Shyam tạc tượng vị thần cũng đang múa Baratanatyam. Còn Lila hình dung gặp được thần Krishna khi cô đang múa Bharatanatyam.

Vượt qua giai cấp xã hội, điệu múa Bharatanatyam dành cho tất cả mọi người, nó chứa đựng cả vẻ đẹp và tính thiêng liêng. Từ trước tới nay, điệu múa Bharatanatyam chưa bao giờ được miêu tả một cách sáng tạo đến vậy trên màn bạc. Phim Vara hòa quyện một cách sinh động cõi thần tiên của các vị thần Hindu với điệu múa Bharatanatyam truyền thống và âm nhạc. Đây là câu chuyện bất tận về tình yêu và sự dâng hiến.  

Làm phim không phải để truyền bá đạo Phật

Lạt ma Dzongsar Khyentse Rinpoche sinh năm 1961 ở Bhutan. Năm lên 7 tuổi, người ta nhận ra ông là hiện thân của nhà sư Jamyang Khyentse Wangpo (1820-1892), người đóng vai trò quan trọng trong cuộc tái sinh và bảo tồn đạo Phật ở Tây Tạng trong thế kỷ 19. Trong thế giới điện ảnh, ông được biết đến với tên Khyentse Norbu.

Khi đang học ở Anh trong những năm 1990, Norbu tư vấn cho nhà làm phim Italia Bernardo Bertolucci khi ông thực hiện bộ phim Little Buddha (Tiểu Phật; 1994). Sau một thời gian ngắn học tại một trường điện ảnh, Norbu đã bắt đầu viết kịch bản và làm phim.


Cảnh trong phim Vara: A Blessing

Trước khi làm phim Vara, ông đã gây tiếng vang với The Cup (1999), phim kể về 2 nhà sư Tây Tạng mới đi tu, cố gắng có được một chiếc tivi để theo dõi World Cup và Travelers And Musicians (2003), bộ phim giàu hình ảnh tưởng tượng về một chàng thanh niên cố gắng thoát ra khỏi Bhutan.

Tuy đam mê làm phim, song Norbu chưa bao giờ xao nhãng nhiệm vụ của một vị lạt ma Bhutan. Ông đang trụ trì 4 ngôi đền ở Tây Tạng và Ấn Độ.

Nhà sư Norbu cho biết, ông làm phim không phải để truyền bá đạo Phật. Với ông, Vara là một câu chuyện tình lãng mạn và ông làm bộ phim này là bởi: “Tôi là một con người, cũng quan tâm tới tình yêu. Khi thất bại trong tình yêu, bạn có thể làm được một bộ phim lãng mạn hay. Tôi cũng đã nhiều lần thất bại trong tình yêu”.

Buổi công chiếu phim Vara tại lễ khai mạc LHP Busan, nhà sư Norbu không có mặt, bởi ông đang trong giai đoạn ẩn mình trên núi để tu tập. Tuy nhiên, trước đó ông đã tới Hàn Quốc 3 lần. Ông đã xem nhiều phim Hàn Quốc và đặc biệt có ấn tượng với phim gay cấn bí ẩn Oldboy của đạo diễn Park Chan Wook. Ông còn xem cả nhạc phẩm ăn khách toàn cầu Gangnam Style của siêu sao Psy trên YouTube.

Bharatanatyam - Vũ điệu của lửa

Bharatanatyam là một vũ điệu truyền thống cổ xưa có nguồn gốc từ Ấn Độ và được biết đến như là Kinh Veda thứ năm. Ngày nay, Bharatanatyam được biểu diễn rộng rãi nhất trên thế giới và thường đi kèm với nền nhạc cổ truyền thống.

Đúng như ý nghĩa theo tên gọi bằng tiếng Tamil, Bharatanatyam là một sự kết hợp của âm nhạc, động tác biểu diễn và giai điệu. Vũ điệu này được biết đến với vẻ duyên dáng, tư thế đẹp như tượng và dứt khoát ở từng động tác múa. Ở nhiều nơi trên thế giới, vũ điệu Bharatanatyam được ví như là vũ điệu của lửa. Đó là sự thể hiện thần bí của phần lửa trong cơ thể con người.


VIỆT LÂM (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm