Phim 'Hit: Hoàng tử & Lọ lem' câu khách bất thành

20/07/2013 10:45 GMT+7 | Phim


(Thethaovanhoa.vn) - Từ ngày 19/7, phim Hit: Hoàng tử & Lọ lem của Ngô Quang Hải ra rạp trên toàn quốc, một phim chọn “tông màu” trẻ trung, hướng trọn vẹn đến giới trẻ. Phim cũng đánh dấu nỗ lực của đạo diễn trong dòng phim giải trí, nơi các yếu tố câu khách được tận dụng tối đa. Thế nhưng, xét về tổng thể, sự câu khách này chưa thành công, vì một vài lý do có thể cắt nghĩa được.

Phim là câu chuyện nhẹ nhàng, trẻ trung và vui vẻ của Bảo Hân (Midu thủ vai) - một cô gái mê ca hát - và Bình/Bino(YanBi) - một MC kiêm nhạc sĩ nghiệp dư. Bên cạnh đó là cô tình địch Nga (Andrea) và anh chàng bội tình Tất Khanh (Trương Nam Thành). Có một bối cảnh và khởi đầu khá tốt, nhưng rất tiếc, càng về sau phim càng rối, càng đuối, nơi chuyện tình tay ba đi một đường và cuộc thi âm nhạc underground đi một nẻo.

Làm vội vàng

Phim Việt năm 2012, Hit: Hoàng tử & Lọ lem là một bất ngờ về sản xuất, khi mà sau Mùa Hè lạnh vừa đóng máy ít lâu, đã nghe tin Ngô Quang Hải bắt tay làm phim này.

Vì muốn làm cho kịp chiếu Tết Quý Tỵ, nên Thông cáo báo chí của phim này đã viết:  “Việc ghi hình trong thời gian hạn chế là một bất cập, vì để đảm bảo tiến độ và xác định khoảng thời gian phim ra mắt nên bộ phận sản xuất lên kế hoạch sản xuất phim trong thời gian ngắn, đồng nghĩa với việc có những bộ phận phải làm việc với cường độ 24/24 hoặc chia ra các ê-kíp làm việc luân phiên”.

Hai vai chính trong phim
Thế rồi, phim đã không chiếu dịp Tết, vì nhiều lý do, trong đó có việc Mùa Hè lạnh bị chê tơi tả, khiến phía sản xuất phải cân nhắc. Họ quyết định dời ngày chiếu đến dịp 30/4, rồi rục rịch trong tháng 6, nghĩa là 2-3 lần “delay” nếu tính đến bây giờ.

Vì phim liên quan đến sân khấu ca nhạc, nên bộ phận ánh sáng phải làm việc rất cực, nhiều lúc bị quá tải do bị hối thúc tiến độ. Dù bản cuối cùng gần như vắng bóng cảnh đẹp Đà Lạt, thế nhưng khi sản xuất, những cảnh ở đây cũng ngốn của đoàn phim nhiều ngày, khiến cho tiến độ càng căng thẳng. Nhiều cảnh quay, hoặc bị mất nét, hoặc làm hiệu ứng sai màu, lỗi kỹ thuật... đã không khắc phục kịp.

Chính vì làm vội vàng như thế nên đoàn phim đã không quán xuyến được hết các khâu, dẫn đến nhiều sai sót sơ đẳng, trong đó có vài lỗi thiếu thống nhất logic hình ảnh không đáng có. Ví dụ như cảnh Bảo Hân đi trên cầu, khi trời đang mưa, vậy mà áo của cô khô rang... Cũng chính vì vội vàng, nên phim thiếu nhiều cảnh dẫn chuyện hoặc cảnh đệm, trong khi thừa quá nhiều cảnh cổ động viên sân khấu, khiến cho mạch phim lỏng lẻo. Nó cũng làm cho lời kể chuyện của Bảo Hân đôi chỗ bị gượng gạo, triết lý ngớ ngẩn, biến cảnh cần suy tư thành cảnh gây cười ngoài ý muốn.

Chưa thật underground

Trục chính của phim là cuộc thi chung kết của các ca sĩ và nhóm nhạc underground, mà ở đó Bảo Hân phải ganh đua từng phiếu bầu với tình địch của mình. “Hiểu một cách đơn giản underground là dòng nhạc không chính thống, tách biệt với những thể loại âm nhạc đại chúng”.

“Ưu điểm vượt trội của dòng nhạc underground chính là sự tự do, phá cách, hoàn toàn phù hợp với cá tính của giới trẻ ngày nay. Những vấn đề mà nhạc underground nhắc đến vô cùng gần gũi, dễ hiểu và thiết thực theo một tiết tấu và giai điệu vô cùng mới mẻ”, dẫn theo Thông cáo báo chí. Phim này đã làm được vế thứ hai, còn vế đầu tiên thì chưa, dường như nó “lầm” việc tổ chức một giải âm nhạc underground cũng giống như các giải âm nhạc đại chúng khác, nên hơi rình rang với việc dựng áp- phích ngoài đường... Trong khi nhạc underground ở đâu cũng chọn lối hẹp, thuộc nhóm khán giả số ít, nên cuộc thi thường theo lề lối hơi “bí mật”.

Việt Nam có những cái tên từng thuộc dòng nhạc underground như Kimese, Suboi, Thanh Hằng Bingboong, YanBi, Trang Pháp, Mr.Siro, Young Uno, Lynk Lee, Toàn Thắng, Lê Cát Trọng Lý, Thùy Chi... Phim này phần nào diễn tả lại không khí underground đó, nơi Justa Tee, Emily, Soobin, Kimese... đã hát hết mình, ra chất nhạc. Thế nhưng phim vẫn bị mất trục, khi mà câu chuyện của Bảo Hân và Bình chưa thực sự gắn vào bối cảnh nhạc underground. Nếu mâu thuẫn, cao trào mà thực sự nằm trong hay thuộc về dòng nhạc underground thì phim này đã thành công.

Tham câu khách

Trên poster và nhiều nơi khác đều có giới thiệu tên của Ngọc Trinh và Hà Anh, nhằm thu hút người xem. Thế nhưng, trong phim Ngọc Trinh chỉ xuất hiện chừng 10 giây, là một cô gái vô danh tắm dưới hồ, chẳng có thân phận nhân vật, vậy làm sao lại có tên trên poster. Vai của siêu mẫu Hà Anh (tên nhân vật cũng là Hà Anh) đến cuối phim mới xuất hiện, trong vai trò giám khảo, chỉ nói một hai câu thoại, mà ai đóng cũng được.

Hai vai này còn xếp sau nhiều nhân vật quần chúng có một vài câu thoại, mà cắt bỏ đi, cũng chẳng ảnh hưởng gì, thế nhưng đạo diễn vẫn giữ, trong khi sẵn sàng cắt bỏ vai của Tam Triều Dâng và các cảnh ở Đà Lạt.

Cảnh câu khách với Ngọc Trinh mặc bikini trắng bơi giữa những đàn ông da màu (chẳng biết ở đâu ra) là một ví dụ sinh động cho việc tham câu khách mà thành ra dễ dãi, rẻ tiền.

Ở trên có nói đến việc mất trục chính, một phần cũng vì tham nhiều yếu tố không cần thiết này (trong đó có cảnh đua siêu xe, cảnh đại ca đồ điện tử chế, cảnh 7 chú lùn, cảnh lớp học tình thương...) nên làm người xem rối.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm