Phim 'Đường đua': Đáng xem và đáng cổ vũ

24/07/2013 19:28 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Có thể nói Đường đua đã mở ra cánh cửa về thể loại phim bạo lực cho điện ảnh Việt. Đây lại là phim điện ảnh đầu tay của Nguyễn Khắc Huy (sinh 1985), nên càng đáng trông chờ một “đường đua” dài từ đạo diễn này.

Viết về Đường đua lúc này thật là khó, khi mà, ngập tràn trên các mạng là lời khen, lời động viên, lời chia sẻ và cả những phân tích nhằm giúp cho đạo diễn làm tốt hơn trong các phim sau. Cứ để ý mà xem, chê một phim thì chê hoài cũng không hết, mà khen hoài thì rất khó, bởi cái hay thường ít hơn cái dở, nên khen cái hay cũng khó hơn, vì dễ lặp lại.

Logic của hư cấu

Đầu tiên, phải khẳng định ngay rằng, dù đã bị yêu cầu cắt xén, chỉnh sửa rất nhiều, nhưng Đường đua vẫn là phim bạo lực trực diện. Thậm chí, nhìn từ góc độ phân tâm học (nói nôm na: nền tảng của bạo lực), Đường đua còn khốc liệt hơn Bụi đời Chợ Lớn (nếu so với bản nháp rỏ rì trên mạng).

Câu chuyện bắt đầu lôi cuốn từ khi Lộc (Phạm Anh Khoa) định cướp tiệm vàng để trả nợ thì bị Lâm (Quý Bình) bắt làm con tin, dẫn đến vụ bắn chết hai cảnh sát giao thông ngay sau đó. Suốt thời lượng còn lại của phim là vô số cái chết của giới giang hồ, của thường dân và cuối cùng là của cả đội cảnh sát cơ động.

Phải nói là hiếm khi nào thấy một phim Việt mà nhân vật bắn chết cảnh sát, rồi “ung dung” tẩu thoát. Lâu nay, phim Việt thường “thi vị hóa”, “điển hình hóa”… cuộc chiến đấu giữa công an và tội phạm. Trong Đường đua, phía điều tra rất chuyên nghiệp, có mặt tức thì, hiệu quả, nhưng phải chậm hơn một bước, thậm chí chịu hi sinh...

Thế nhưng, việc thay đổi hình ảnh của phía điều tra dễ được chấp thuận bởi tính logic của hư cấu. Đầu tiên, phim cho thấy đây là câu chuyện giống như thực, nhưng lại phi thực, nên chấp nhận các hư cấu, dù quá tay. Thứ hai, tiết tấu phim nhanh, gọn nên tạo được sự cuốn hút, dễ làm cho người xem tạm quên những thắc mắc thường gặp ngoài đời thực. Thứ ba, cách bố cục các cảnh bạo lực cũng hợp lý, kín đáo, dù trực diện nhưng không phơi bày, không tô vẽ thái quá. Có lẽ điều này giúp phim lấy được điểm của hội đồng duyệt?

Nói cách khác, kịch bản phim bạo lực là một giả định, càng phi thực càng tốt, đoàn phim phải nỗ lực để biến giả định đó thành hiện thực… trong phim. Đây cũng là cốt lõi của các phim hư cấu, đặc biệt là phim bạo lực.


Phạm Anh Khoa và Nhan Phúc Vinh khá xuất sắc trong Đường đua.

Diễn xuất đồng đều

Lâu rồi mới có một phim Việt mà sự diễn xuất đồng đều như Đường đua, đặc biệt với các vai phụ, phần lớn đều tỏ lộ được thân phận, tâm lý của mình.

Trường đoạn đối đầu giữa Trung Dân (một nghệ sĩ nhiều kinh nghiệm) với diễn viên trẻ Nhan Phúc Vinh thuộc loại đáng nhớ nhất của phim. Chỉ vài phút thôi mà Trung Dân đã thể hiện được hầu hết các cung bậc của một ông bố từng trải, có khí khái, biết mỉa mai khi đang đối đầu với nỗi sợ, với nỗi đau mất con và cái chết.

Kịch bản phim bạo lực là một giả định càng phi thực càng tốt, nó buộc đoàn phim phải nỗ lực để biến giả định đó thành hiện thực… trong phim. Đường đua căn bản đã làm được điều này, nên nó đạt được tính logic của hư cấu.

Sau diễn xuất khá ổn về những dằn vặt về cướp hay không cướp, phần còn lại, Phạm Anh Khoa đã thể hiện xuất sắc việc chạy đua trước cuộc rượt đuổi của các băng nhóm và của cơ quan điều tra. Nếu không có năng lực thực thụ về thể thao (ở đây là chạy), chắc chắn việc đảm trách vai Lộc là rất khó khăn. Vì đo ni đóng giày về cả thể lực và diện mạo, nên Phạm Anh Khoa đã nhanh chóng gia tăng được tính bạo lực bề nổi cho phim. So với vai diễn đầy gượng ép trong Mỹ nhân kế, thì Lộc là một bước tiến xa, phát lộ được tố chất điện ảnh của Phạm Anh Khoa.

Vai Hải của Nhan Phúc Vinh là một trường hợp đáng lưu ý khác, khi nó vẽ nên được tính bạo lực về tâm lý. Hải đúng như cha của Lộc (Trung Dân) nhận xét trước khi ông bị giết: bóng, lẹo cái, biến thái, lạc loài… Vượt qua cái vẻ hào hoa, nam tính của một mafia kiểu phim Hàn Quốc, Hải còn chịu ảnh hưởng chất bạo lực bệnh hoạn (chủ yếu về tâm lý) trong các phim bạo lực của châu Âu, Nhật Bản và cả của Trần Anh Hùng. Cuộc đối đầu của Lộc và Hải đã là motif kinh điển của dòng phim bạo lực, nhưng lại mới mẻ trong điện ảnh Việt Nam.

Cuộc đối đầu buộc phải phi thực để hấp dẫn này được phủ lên bởi những vấn đề rất hiện thực, như buôn bán nội tạng, giết người, trộm cướp, mại dâm, cờ bạc, vũ khí hóa học, ma túy… Cách lồng ghép uyển chuyển và tự nhiên đã làm cho người xem một lần nữa thấy những hư cấu, đôi khi phí lý, thành có lý và có thể tin được. Và chính các thông điệp này có lẽ cũng nhận thêm được sự đồng cảm của hội đồng kiểm duyệt?

Một điểm nổi bật nữa là phim có sự kết hợp hài hòa giữa việc thiết kế âm thanh của Franck Desmoulins, Arthur Beja và phần âm nhạc của Nguyễn Mạnh Duy Linh. Tổng thể âm thanh và âm nhạc đã tôn tạo được không khí bạo lực, tạo tâm lý lôi cuốn, hồi hộp. Xét đến lúc này, một mùa Hè chỉ toàn phim Việt dở và thảm họa, sự nổi trội của Đường đua càng đáng để cổ vũ nhiều hơn.

VĂN BẢY
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm