07/09/2013 06:56 GMT+7 | Phim
Phim Người sói (The Wolverine) ra rạp mới đây ở Việt Nam với doanh thu rất cao, có rất nhiều cảnh liên quan đến rượu mạnh, nhưng chẳng thấy ai lên tiếng phản bác. Lửa Phật thì ế khách, nhưng có cảnh uống rượu, thì thành chuyện ồn ào. Lưu ý hai loại rượu mạnh xuất hiện trong hai phim này đều có thể tìm mua dễ dàng tại Việt Nam.
Từ lập lờ
Trong các phim bắn giết trên khắp thế giới, chiếu tại rạp Việt Nam khá nhiều, việc nhân vật chính bị dính đạn phải nhờ tới rượu mạnh để quên đi nỗi đau, để sát trùng vết thương, để rửa dao gắp viên đạn ra khỏi cơ thể… thì nhiều vô số kể. Rượu mạnh ở đây đã được quảng cáo tinh vi, ở tầm mức cao hơn bình thường: đó là rượu mạnh có ích trong việc cứu người.
Trong phim về điệp viên 007, chỉ phiên bản gần đây nhất mới đổi sang bia, còn các phiên bản trước là rượu mạnh, với một câu thoại có nhãn hiệu rượu đã thành kinh điển, ra rạp tại Việt Nam vẫn còn nguyên. Việc đổi sang bia (dù đoàn phim kiếm được bộn tiền) đã bị nhiều fan hâm mộ rượu lên án kịch liệt trên mạng xã hội, vì trong mắt họ 007 hợp với rượu hơn.
Thành Long trong các phim về võ túy quyền trước đây cũng không xa lạ với rượu, thức uống tạo cảm hứng cho tuyệt kỹ công phu; phim này cũng được chiếu rộng rãi ở Việt Nam.
Mỹ gần như cấm tuyệt đối quảng cáo thuốc lá trên phim, nhưng rượu thì để các hãng phim tự điều chỉnh, nghĩa là lập lờ được phép. Mà ngày nay phim của Hollywood thì chiếu rộng rãi và áp đảo ở nhiều nước cấm quảng cáo rượu nên thật khó cắt gọt cảnh có rượu ra khỏi phim. Nhất là với các kịch bản cài cắm rượu vào những câu thoại, những cảnh diễn thắt nút, mở nút…
Kết quả nghiên cứu hồi cuối tháng 5/2013 được tờ Time trích cho thấy quảng cáo thuốc lá trong phim giảm nhưng quảng cáo rượu lại tăng đáng kể, đặc biệt là phim dành cho thanh thiếu niên. Một xu hướng đáng lo ngại bởi có thể làm gia tăng việc thanh thiếu niên uống rượu. Phạm vi khảo sát là 1.400 phim trong Top 100 doanh thu phòng vé Bắc Mỹ từ năm 1996 đến 2009.
Người sói ung dung “nốc rượu”
Một kết quả nghiên cứu khác, dựa vào 408 bộ phim có doanh thu phòng vé cuối tuần cao kể từ năm 2001, thì bia hit phòng vé hơn nước ngọt, xe hơi, đồ ăn nhanh, đồ điện tử, máy tính, điện thoại...
Lúc trước tại nhiều nước bia được quảng cáo công khai (giống như Việt Nam hiện nay), nhưng rồi họ nhận thấy rằng với cách đo nồng độ cồn mới của ngành giao thông, thì “uống cái gì cũng bị phạt”, nên phải hạn chế tối đa, rồi cấm quảng cáo luôn.
Với bợm nhậu thì rượu mạnh chưa chắc chết ai, nhưng với thanh thiếu niên, một hai chai bia đã có thể gây tai nạn giao thông nghiêm trọng. Các phim chiếu ở Việt Nam gần đây như Iron Man 3 (có cả rượu và bia), Star Trek: Into Darkness, Fast And Furious 6, The Hangover… thì đầy bia, dù được hay không được dán nhãn PG-13, nhưng tuổi biết lái xe gắn máy ở Việt Nam (16) vẫn có thể thử vài chai bia, rồi bị xỉn.
Theo khảo sát từ các phim bom tấn của 12 năm qua, các loại bia nổi tiếng xuất hiện nhiều hơn các loại rượu mạnh, thậm chí gấp 8-10 lần về cường độ. Các phim này cũng nhanh chóng lọt lưới kiểm duyệt của những nước cấm quảng cáo dưới mọi hình thức. Câu hỏi được đặt ra là với thanh thiếu niên, khi mới tiếp xúc với chất kích thích, họ sẽ chọn bia trước, hay rượu mạnh trước? Theo nhiều kết quả điều tra, thì bia trước. Trong 10 năm qua tại Việt Nam, lượng bia bán ra (tuổi nào mua cũng được) luôn áp đảo lượng rượu là một thực tế rõ ràng.
Đó là chưa nói, có thể nhiều rạp phim không cho phép cảnh nhâm nhi rượu mạnh hay rượu vang trong phim, nhưng các loại hình chiếu phim tại nhà thì tha hồ. Tại Việt Nam chẳng hạn, theo thống kê chưa đầy đủ vẫn cho thấy rằng lượng DVD (dù lậu) của một phim bất kỳ thường được bán nhiều hơn lượng vé của phim đó ở rạp.
Cho nên, với bối cảnh toàn cầu, khi mà rượu bia được các nhà sản xuất quảng cáo tinh vi, nhiều chiêu trò, mà luật pháp nhiều nước lại khác nhau, sự bất cập trong kiểm soát và quản lý là điều được tiên liệu trước.
Đến nan giải
Theo các nhà dân tộc học thì gần như 100% bộ lạc thời Cổ đại đều có rượu, nhiều bộ lạc tìm ra rượu trước khi tìm ra lửa, nghĩa là thức uống này quá lâu đời rồi. Ngày nay rượu bia càng phổ biến hơn, nhiều nước (trong đó có Việt Nam) lấy doanh thu lớn của thức uống này để bổ túc vào sức mạnh kinh tế quốc dân.
Các hãng rượu bia lớn đều lập thêm các nhánh chức năng (nấp sau các foundation, fellowship…) để công khai tài trợ cho các chương trình giáo dục, văn hóa, nghệ thuật. Chương trình Hòa nhạc Hennessy là một ví dụ điển hình về cách làm việc nấp sau quy chế của quỹ tài trợ văn hóa, nghệ thuật, nên nhiều nước vẫn chấp nhận cho công diễn. Nghĩa là lập lờ quảng cáo một cách tinh vi và “có văn hóa”. Thế nhưng nhiều trường học trên thế giới lại không cho quảng cáo những chương trình dạng này trong khuôn viên của họ, dù tờ rơi có thể phát ngay ngoài cổng cho sinh viên, học sinh.
Phim Lửa Phật vừa bị lùm xùm về chuyện có hay không chuyện quảng cáo rượu; thậm chí có ý kiến bên lề nói rằng khi phim công chiếu thì phía sản xuất sẽ nhận được 150 ngàn USD từ hãng rượu nọ. Thế nhưng theo nguồn tin riêng từ một cơ quan quản lý mà TT&VH biết được thì trong công văn giải trình, đạo diễn Lửa Phật (cũng là nhà sản xuất) nói rằng rượu thuộc về bối cảnh quán bar chứ không phải để quảng cáo. Cho nên, muốn “bắt giò” Lửa Phật quảng cáo rượu thì chỉ còn cách truy tìm cho được cái hợp đồng quảng cáo rượu kia, nếu có. Còn khi không nhìn thấy hợp đồng hoặc các văn bản tương tự thì lập lờ vẫn cứ lập lờ thôi.
NHƯ HÀ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất