Philip Roth tuyên bố gác bút: Người khổng lồ “đỏng đảnh” của làng văn Mỹ

27/01/2013 11:31 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu trong tương lai gần có một người Mỹ đoạt giải Nobel Văn chương thì đó phải là Philip Roth, tác gia Mỹ vĩ đại nhất đương thời. Vừa qua, nhà văn 79 tuổi tuyên bố gác bút sau hơn nửa thế kỷ viết lách và 31 cuốn sách.

Cũng chính Roth, người đã giành hầu hết các giải văn chương quan trọng (hai lần Pulitzer, giải Sách quốc gia của Mỹ, giải Man Booker Quốc tế, nhưng chưa có Nobel), từng kín đáo nói khích Ủy ban Nobel là hẹp hòi khi khước từ người Mỹ.

“Ủy ban Nobel không ưng ý với tôi. Họ cho rằng chúng tôi (các nhà văn Mỹ) là dân tỉnh lẻ. Nhưng tôi đoán chính họ cũng có chút tỉnh lẻ” - Roth giễu cợt.

Người nổi tiếng đúng nghĩa

Đã 2 tháng từ khi Philip Roth tuyên bố cuốn tiểu thuyết thứ 31 Nemesis (Nữ thần báo thù) là tác phẩm cuối cùng của ông. “Tôi đã tìm thấy nó (cảm hứng) 31 lần. Tôi không muốn tìm thêm một lần nào nữa. Tôi mệt mỏi rồi” - khi đó ông nói.

Giờ đây, khi nhiều tờ báo vẫn mải miết với các bài điếu văn tiễn biệt một sự nghiệp văn học thì Roth thảnh thơi tận hưởng cuộc sống “hưu trí”.

Sống và viết trong bầu không khí văn hóa Mỹ ngày nay, cũng khó để Roth giữ được sự kín kẽ như J.D. Salinger, tác giả Bắt trẻ đồng xanh ngày trước. Ông là một ngôi sao đúng nghĩa, được truyền thông săn đón, tất nhiên không phải kiểu như Lindsay Lohan.



Với các tác phẩm quan trọng của mình, Philip Roth là một nhà văn không ngừng được tôn vinh và gây tranh cãi ở Mỹ trong vòng 50 năm qua.


Bên cạnh văn học, báo chí Mỹ và phương Tây còn có nhiều thứ khác để viết về Roth. Đề cử giải Bad Sex năm 2009 cho cuốn The Humbling. Huân chương Quốc gia vì con người (National Humanities Medal) do Tổng thống Obama trao tặng năm 2011. Vụ scandal “Roth giả mạo” trên tờ báo lá cải của Ý Libero, khi một phóng viên đã bịa đặt bài phỏng vấn Roth trong đó tác gia Mỹ tuyên bố ông “thất vọng” với Tổng thống Obama.

Hay cuối năm 2011, giới thể thao lại được dịp bàn tán khi Roth không chịu viết quảng cáo cho cuốn tiểu sử The Whore Of Akron của cây bút tiểu sử Scott Raab về “người khổng lồ” của làng bóng rổ Mỹ LeBron James.

Kẻ nuốt lời

Bên cạnh tài năng văn chương, Roth sở hữu luôn một đặc điểm thỉnh thoảng thấy ở các thiên tài: thất thường, tiền hậu bất nhất. Không chỉ một lần, liên tiếp nhiều lần trong thập kỷ qua Roth lên báo khẳng định tầm quan trọng của văn chương đối với cuộc đời ông. “Tôi không biết mình sẽ làm gì nếu không viết văn” - ông nói với nhà báo Philip Marchand năm 2007.

Vài năm sau, nhà văn nói với tờ CBS News rằng ông sẽ không bao giờ ngừng viết, rồi tiếp tục tâm sự với trang Daily Beast rằng ông chỉ mơ về một cuốn sách lớn, thứ sẽ giữ ông ngồi bên bàn viết cho đến lúc chết.

Và năm 2010, trò chuyện với người dẫn chương trình truyền hình Pháp Terry Gross, Roth thổ lộ ông là một “kẻ nghiện văn chương”, ngày nào cũng viết và tự đặt câu hỏi “Một kẻ nghiện thì làm sao bỏ thứ mình nghiện được chứ?”.

Sau đó thì sao? Tháng 11 năm ngoái, ông nói với tạp chí Les Inrockuptibles (Pháp): “Tôi không có ý định viết lách gì trong 10 năm tới. Nói thật là tôi xong rồi”. Lúc đó độc giả của ông kinh ngạc và không hiểu điều gì đang diễn ra, nhưng sau 2 tháng vừa qua thì có vẻ họ đã dần chấp nhận rồi.

Hoàn toàn có khả năng Roth lại nuốt lời lần nữa, bởi việc nhà văn tuyên bố gác bút rồi về sau lại thấy ra sách không phải là hiện tượng lạ.

Năm 2002, Stephen King từng có tuyên bố tương tự, nhưng không lâu sau đó các kệ sách lại chất đầy những tiểu thuyết mới của ông. Hay vài chục năm trước, Toni Morrison (Nobel Văn chương 1993, hiện 80 tuổi), từng nói sự nghiệp viết lách của bà sẽ không kéo dài. Thực tế thì sao? Trái ngược.

Sống nghĩa là mắc sai lầm

Nếu lần này Roth thực sự “xong chuyện” với văn chương (vẫn có người chưa tin ông bỏ hẳn) thì điều đó không phải là quá vô lý. Những tiểu thuyết cuối cùng của ông đều nói về những buổi xế chiều và điểm dừng, những câu văn có tính chất tổng kết về cuộc đời. Người ta dừng lại khi đã nói hết những gì muốn nói.

Mickey Sabbath, nhân vật nổi tiếng nhất mà Roth từng sáng tạo ra (trong tiểu thuyết Sabbath's Theater năm 1995), có một câu nói nổi tiếng: “Điều duy nhất tôi biết làm là phản kháng”. Đó cũng là điều Roth đã làm ở thời điểm đỉnh cao của sự nghiệp, đối kháng với cả độc giả. Ông làm mếch lòng họ, làm họ thấy khó chịu, thách thức nhận thức về hiện thực của họ với những chi tiết văn học mà ông đưa vào tác phẩm bằng trí tưởng tượng của mình.

Nhân vật Nathan Zuckerman trong tác phẩm American Pastoral (Bức họa đồng quê nước Mỹ, năm 1997) của Roth, hay chính Roth, từng nói với độc giả: “Sống không phải là bắt người ta làm mọi thứ cho đúng đắn. Sống là để họ mắc sai lầm, sai lầm, sai lầm và sau khi xem xét cẩn thận, lại để họ tiếp tục mắc sai lầm. Đó là cách chúng ta nhận thấy mình đang sống: chúng ta mắc sai lầm”.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Ảnh hưởng của J.D. Salinger đối với Philip Roth

Catcher In The Rye (Bắt trẻ đồng xanh) của Salinger và Portnoy's Complaint (Lời than phiền của Portnoy) của Roth có những điểm tương đồng rõ rệt và đều là những tiểu thuyết quan trọng của nền văn học Mỹ.

Năm 1974 Roth viết: “Phản ứng của sinh viên ngày nay đối với tiểu thuyết Bắt trẻ đồng xanh của J.D. Salinger cho thấy, hơn bất cứ ai khác, Salinger đã không quay lưng với thời đại. Thay vào đó, ông tìm hiểu bản chất của mọi cuộc đấu tranh giữa bản ngã và văn hóa ở thời đại hôm nay”.

Philip Roth sinh năm 1933, là một nhà văn Mỹ gốc Do Thái. Ông được đánh giá là tác gia lớn của nền văn học Mỹ tiếp sau Scott Fitzgerald, Ernest Hemingway, William Faulkner…


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm