Phạm Nguyên Trường: Dịch sách để mở rộng 'đường biên giới mềm'

09/12/2013 09:45 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Dịch giả vừa nhận giải Dịch thuật năm 2012 của Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh trở lại với cuốn sách dịch mới nhất về chủ đề kinh tế toàn cầu hiện đại - Các nhà vô địch ẩn danh của thế kỷ 21.

“Dân tộc ta vừa tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thể hiện sự biết ơn đối với những người đã chiến đấu để giữ vững “đường biên giới cứng” của đất nước. Còn trong thời đại hội nhập, chúng ta nên chuyển tải tri thức để mở rộng “đường biên giới mềm” của dân tộc” – dịch giả Phạm Nguyên Trường nói với TT&VH trong ngày ra mắt sách.

1. Bản dịch tiếng Việt của Các nhà vô địch ẩn danh của thế kỷ 21 ra mắt tại Hà Nội tuần qua. Cuốn sách là tác phẩm của Hermann Simon, người Đức, một lý thuyết gia về quản lý có uy tín, hiện làm tư vấn cho các tập đoàn lớn và chính phủ trên khắp thế giới.

Sách viết về những doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng có tầm ảnh hưởng quan trọng và quyết định đối với nền kinh tế thế giới thế kỷ 21, được gọi bằng biệt danh “nhà vô địch ẩn danh”. 


Bìa sách Các nhà vô địch ẩn danh của thế kỷ 21.

Trong việc giới thiệu tác phẩm này đến Việt Nam có công của dịch giả Phạm Nguyên Trường, PGS. TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế và GS Chu Hảo – Giám đốc NXB Tri thức. Tại buổi ra mắt sách, ông Trần Đình Thiên, chia sẻ, các “nhà vô địch ẩn danh” (phần lớn đến từ Đức) có thể cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hiện nay những bài học “vô cùng hữu ích”.

2. “Dịch giả chuyên nghiệp là người biết chọn đầu sách dịch một cách có hệ thống” – GS Chu Hảo nhận xét về sự nghiệp dịch thuật của Phạm Nguyên Trường. Ông Hảo cũng là Phó Chủ tịch điều hành Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh – tổ chức vinh danh dịch giả Phạm Nguyên Trường vào năm ngoái.

Điểm lại sự nghiệp của dịch giả, ông đã chọn hệ thống sách về kinh tế - chính trị bài bản, chủ yếu hợp tác với NXB Tri thức của GS Chu Hảo. Một số dịch phẩm của Phạm Nguyên Trường gồm: Đường về nô lệ (2009), Về trí thức Nga (2009), Tâm lí đám đông và phân tích cái tôi (2009), Lược khảo Adam Smith (2010), Thị trường và đạo đức (2012), Catalonia - Tình yêu của tôi (2013)…

Nhưng phần lớn trong số đó là những dịch phẩm rất kén độc giả. Dịch giả chia sẻ với TT&VH: “Người Việt Nam mình ít đọc sách dạng này lắm. Nhìn các doanh nghiệp Việt Nam mà xem, nhiều khi họ không sống bằng sản phẩm mà sống bằng những… mối quan hệ, vì thế người ta chưa chắc cần đến kiến thức. Nếu một ngày nào đó, cứ có kiến thức là kiếm được nhiều tiền thì người ta sẽ quan tâm đến sách vở hơn”.

Phạm Nguyên Trường sinh năm 1951, tên thật là Phạm Duy Hiển. Hiện ông sống và làm việc ở Vũng Tàu, nghề chính là kỹ sư.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm