Phạm Duy sẽ sống mãi trên đôi môi mọi người

09/03/2013 07:15 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Chương trình Nhớ Phạm Duy: Cuộc gặp gỡ tri ân với nhạc sĩ Phạm Duy nhân "thất thất lai tuần" ngày mất của ông vừa diễn ra tại Hà Nội trong sự ấm cúng của những câu chuyện, sự nồng nàn của tiếng hát, tiếng đàn do chính những người con của ông thể hiện.

Hiện là Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Hà Nội, đồng thời là người đứng ra tổ chức chương trình, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ về ý tưởng tri ân nhạc sĩ Phạm Duy: "Với công chúng, ông có thể chỉ là một nhạc sĩ nhưng với chúng tôi, ông còn là một “đại sứ văn hóa”. Hiện nay, những ca khúc quốc tế do ông viết lời Việt được đưa ra công chúng mới chỉ chiếm 1/10 trong kho tàng 300 bài. Chúng tôi đã có ý định thực hiện series chương trình nhạc ngoại, lời Phạm Duy từ khi ông còn sống và hiện nay, chúng tôi vẫn theo đuổi dự định này để tiếp tục đưa những ca khúc còn nằm trong kho tàng của ông đến với công chúng trong thời gian tới”.

Nhạc sĩ Phạm Duy (trái) tặng hoa cho con rể Tuấn Ngọc trong chương trình Không gian Âm nhạc tại Hà Nội tháng 5/2011.

Lá rụng về cội

Trong cuộc tri ân này, dù nhắc đến người đã khuất nhưng không mang nỗi buồn của sự chia tay mà là sự tiếp tục “cuộc vui” bằng lời ca tiếng hát, bằng chính lối sống của Phạm Duy. Ông trở về Việt Nam với: “Tôi là nhạc sĩ, nên sống chết cũng phải viết nhạc, nhưng lâu lắm rồi, tôi không về Việt Nam nên phải về tôi mới viết được” – lúc đó Phạm Duy mới mổ tim, sức khỏe đang còn rất yếu.

Đến tri ân với nhạc sĩ Phạm Duy có NSƯT Quyền Văn Minh, NSND Như Quỳnh, họa sĩ Văn Dương Thành, nhạc sĩ Phạm Tuyên, vợ cố nhạc sĩ Văn Cao và các quan khách Thụy Điển, Nhật Bản, Palestine, Argentina...  Họa sĩ Văn Dương Thành – người bạn tâm giao với gia đình nhạc sĩ Phạm Duy 20 năm qua – đã rất xúc động với tình cảm của nhạc sĩ dành cho quê hương, đồng bào, dân tộc Việt Nam. Ngưỡng mộ người nhạc sĩ tài hoa này không chỉ bởi âm nhạc, mà còn ở ngôn ngữ tiếng Việt của ông vô cùng chuẩn xác cũng như khả năng hội họa của ông. Nhạc sĩ Phạm Duy từng học hội họa ở Trường Đông Dương cùng cố họa sĩ tài danh Bùi Xuân Phái. Nữ họa sĩ Văn Dương Thành đã vẽ rất nhiều chân dung của Phạm Duy và đã đem đến chương trình một bức họa với hình ảnh của ông bên cạnh hình tượng về cây đa cổ thụ, phố Hàng Dầu – nơi ông sinh ra.

Với Phạm Tuyên, ông nói về người bạn của mình “Chúng tôi đều là những người sống qua nhiều biến động của đất nước. Những biến động đó có lúc thế này, thế khác nhưng khi biết anh Duy về nước, tôi cảm động lắm. Vì đó là lá rụng về cội. Đều là họ Phạm dù không phải họ hàng nhưng mọi người cứ hay hỏi và khi đó anh Duy nói rằng: “Chúng tôi không biết nhau, nhưng hai cụ ông thì biết nhau”.

Còn nhà văn Nguyễn Đắc Xuân, một người bạn gắn bó với nhạc sĩ Phạm Duy từ khi ông còn sống đến những phút giây ông hấp hối đã có cả bài viết được chuẩn bị rất kĩ. Trong kí ức của người bạn mình, nhạc sĩ Phạm Duy là người mà “cái dạ dày thì ở Sài Gòn, đầu luôn nhớ về Hà Nội còn trái tim ở Huế”.

Và phần trình diễn “bỏ túi”

Cùng với những chia sẻ của bạn bè, những người con của nhạc sĩ Phạm Duy gồm nhạc sĩ Duy Minh, Duy Cường, Tuấn Ngọc đã trình bày những nhạc phẩm của ông với nỗi nhớ cha sâu sắc.

Trước khi hát những ca khúc của Phạm Duy với phần đệm đàn của nhạc sĩ Duy Cường, ca sĩ Tuấn Ngọc nói rằng anh sợ cảm giác căng thẳng, nặng nề trong buổi ngày hôm nay nên hãy coi đây như cuộc trò chuyện của những người ‘trong nhà” và đây chỉ là phần trình diễn “bỏ túi” vì ca sĩ chỉ có một và nhạc sĩ chơi đàn cũng chỉ một mà thôi. Và đáng ra người đứng trên sân khấu hôm nay là Duy Quang nhưng Duy Quang không còn nữa. Còn Thái Thảo, Thái Hiền lâu rồi không hát nên người còn sót lại là Tuấn Ngọc.

Dù đang bị viêm họng, hát xong mỗi bài anh phải uống thêm nước nhưng Tuấn Ngọc vẫn hát bằng cả trái tim, bằng tấm lòng và chia sẻ cả những câu chuyện về những sáng tác của Phạm Duy. Thừa nhận bài hát thành công nhất của mình là Riêng một góc trời nhưng đó lại không phải ca khúc mà nhạc phụ anh thích nên anh đã không hát ca khúc này trong chương trình. Tuấn Ngọc đã hát Tình kỹ nữ - sáng tác của nhạc sĩ Phạm Duy khi ông 20 tuổi, Đường em đi ¬ thời nhạc sĩ Phạm Duy đang ở độ tứ tuần và yêu đương một cách mãnh liệt nhất, rồi đến Tiễn em, Nắng chiều rực rỡ - tác phẩm thành công nhất của ông sau 1975.

“Một con người ham sống, sẽ mãi mãi sống trên đôi môi của mỗi người với những ca khúc của ông. Và giờ đây, người rong chơi ấy lại đang tiếp tục một cuộc chơi “mút mùa” và sẽ đi mãi cùng thời gian” – là lời kết cho chương trình mà nhà sử học Dương Trung Quốc đã viết về Phạm Duy.

Các nghệ sĩ tham gia cuộc giao lưu đều bày tỏ ý tưởng thành lập Quỹ Phạm Duy (Phạm Duy Foundation) để những người yêu mến nhạc sĩ gặp nhau, chia sẻ, phát triển quỹ với mục tiêu bảo tồn và phát huy dòng nhạc dân tộc.

Lam Anh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm