Phác thảo về kiểu tóc của người Việt

02/09/2013 16:28 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) -Cái răng, cái tóc là góc con người - câu tục ngữ xưa nói về phong thái của một người cần có. Người Việt cổ chú trọng đến điều đó theo nghĩa đen và nghĩa bóng.

Nghĩa bóng nói về răng tóc là nói về tư cách, tính lịch thiệp, hình thức trong việc thể hiện bản thân và giao tiếp. Nghĩa đen để tóc dài, nhuộm răng đen là hai tập tục lâu đời, nói lên bản sắc của người Việt. Vào thế kỷ 18, khi quân Mãn Thanh, ỷ vào sự cầu viện của Lê Chiêu Thống đã có ý xâm lăng nước ta, và muốn đồng hóa các tập tục, họ khuyến khích để răng trắng và tết tóc đuôi sam. Nên trong hịch đánh quân Mãn Thanh, vua Quang Trung viết: Đánh cho để răng đen/Đánh cho để tóc dài/Đánh cho nó nhất chích luân bất phản/Đánh cho nó nhất phiến giáp bất hoàn/Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ (… Đánh cho một chiếc xe không quay lại/Đánh cho một mảnh giáp cũng không còn/Đánh cho lịch sử biết nước Nam là nơi có chủ).



Chân dung chàng trai Vi Văn Định chụp năm 1896, con trai tổng đốc Lạng Sơn Vi Văn Lý. Sau này ông Vi Văn Định trở thành Tổng đốc tỉnh Thái Bình (1929 - 1937) và Hà Đông (1937 - 1941). Ảnh do nhà nhiếp ảnh người Pháp Firmin André Salles chụp. Nguồn: reds.vn


Đối với người Việt cổ có lẽ phải khảo sát từ người Mường và xa hơn là người Đông Sơn. Theo như những hình khắc trên trống đồng Đông Sơn thì con người lúc đó xõa tóc, nữ có thể vấn khăn, nam buộc đầu bằng dây và cắm lên vòng dây đó những cái lông chim dài. Chúng ta không rõ khi vấn khăn vành tròn (như hình người trên cán dao găm) thì phụ nữ có tết hay búi tóc lên không, nhưng qua bức tượng cán dao găm cho thấy cổ của họ rất gọn gàng với hai vòng tai lớn, chứng tỏ tóc được vấn gọn trong khăn đầu.

Phụ nữ Mường cũng có chiếc khăn như vậy, nhưng là khăn vuông hay khăn tam giác. Khăn vuông dùng trong lao động buộc túm bốn góc rồi chụp vào đầu như cái mũ nồi cho đầu gọn gàng. Loại khăn này được nhắc đến trong phục trang thời Đinh - Lê và Lý (thế kỷ 10). Khăn tam giác thì buộc túm sau gáy rồi vắt phần tam giác ra phía sau trùm đầu. Phần tóc bên trong thường không tết mà buộc túm sau gáy như đuôi ngựa. Hình thức tết tóc của phụ nữ chúng ta chưa biết rõ nó xuất phát từ khi nào, nhưng rất phổ biến ở Trung Quốc và Việt Nam trong thế kỷ 20.

Về đại thể phụ nữ có thể tết tự do, một tết lớn sau gáy, hoặc hai tết vắt hai bên đầu tỏa xuống vai, hoặc có thể tết thành nhiều lọn. Tuy nhiên người ta ngả về một quy ước là con gái chưa chồng thì tết hai tết tỏa xuống bên vai, có chồng thì tết một tết lớn phía sau lưng, quy định này cũng không chặt chẽ. Trong những năm 1960 - 1970 phụ nữ tham gia bộ đội đều chưa chồng và tết theo hai kiểu, thậm chí có người tết thành ba lọn, một sau lưng, và hai tỏa hai bên vai.

Trong các dân tộc ở Việt Nam có lẽ chỉ có người Thái đen có quy ước về tóc cho phụ nữ chưa chồng và có chồng, đó là cách búi tóc (tẳng cẩu - tẳng là dựng, cẩu là búi tóc) thẳng đỉnh đầu là chưa có chồng, và nghiêng bên phải (từ người nhìn) trên đầu là đã có chồng, còn các dân tộc khác quy ước này rất không rõ ràng.

Trẻ con người Việt theo như nhiều nghiên cứu và những bức ảnh người Pháp chụp cuối thế kỷ 19 đầu 20, để tóc trái đào. Nghĩa là con trai thì để một chỏm che chính thóp đầu, con gái thì để ba chỏm hai bên và chính giữa. Quả đào có ý nghĩa tượng trưng cho hạnh phúc, và con cháu đầy nhà cũng là hạnh phúc. Cái này có vẻ từ văn hóa của người Hán nhiều hơn.

Tuy nhiên qua những bức ảnh mà người Pháp chụp thì có những đứa trẻ để tóc trái đào thật. Và trẻ con để tóc trái đào đến tuổi nào thì thôi, vì để tóc trái đào tức là người ta cạo gần hết đầu của chúng chỉ để lại một, hai ba chỏm nhỏ. Có thể năm, bảy tuổi chúng sẽ được để tóc trở lại, và không phải con em nhà nào cũng cạo đầu để trái đào. Cứ cho là như vậy thì sau này đại bộ phận cả nam lẫn nữ đều có tóc dài, đối với nam búi tó củ hành là phổ biến. Nhiều người không đồng ý với cách búi tó đỉnh đầu, cho rằng người Việt thường búi thấp ra phía sau gáy, và quấn khăn vành đỡ cái búi tó đó. Đây là cái phải khảo sát.

Thường dân thì tự búi lấy nên búi ra sau gáy thì hợp với động tác hơn, còn đám quyền quý có người hầu chải tóc vấn khăn, gọi là chải đầu, vấn tóc, nâng khăn, sửa túi thì lại có thể búi cho chủ thẳng lên đỉnh đầu rồi buộc vào đó một mảnh lụa. Đám quyền quý này, nếu là quan lại khi vào chầu vua, lên công đình sẽ phải đội mũ, nên búi tó chính đầu hay thấp xuống gáy đều vướng mũ, nên người ta có thể xõa tóc ra phía sau vai, hoặc vấn thành lớp cho gọn gàng giắt vào mũ, nhất là đi chầu vua. Những bức tượng quan lại Hậu Lê cho thấy rõ kiểu để tóc khi đội mũ này. Các bà quý phái thì có rất nhiều kiểu chải tóc khi đội mũ.

Lê Quý Đôn trong mục Châm cảnh (Kiến văn tiểu lục) có bài Châm Ít Nhiều thế này: Ít tắm, năng chải đầu/Ăn thịt ít, ăn rau nhiều/Uống rượu ít, ăn cháo nhiều/Nhiều khi ở riêng, ít khi ở chung/Nhiều khi nhắm mắt, ít khi mở mắt. Người xưa để tóc dài, cả nam lẫn nữ nên chải đầu thường xuyên cho ra dáng con người và thông khí huyết là quan trọng. Chải đầu ít nhất có hai loại lược: lược thưa và lược bí. Thoạt tiên dùng lược thưa chải tóc cho hết rối, rồi dùng lược bí chải cho mượt và có thể bắt chấy rận núp trong tóc.

Những chân dung bà hoàng chùa Mật (Thanh Hóa), những bà hoàng chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), chân dung bà Dương Vân Nga ở đền Lê (Ninh Bình) đều cho thấy các bà quyền quý chải đầu rất cẩn thận. Do những mũ miện ngọc rất khít đầu nên họ không thể vấn hay búi, mà chải tóc ra sau lưng. Có kiểu thành một làn lớn dày phía sau lưng, có kiểu chia ba làn, giữa lưng và tỏa ra hai bên vai, lại có kiểu năm làn, tức là thêm hai lọn nhỏ thõng lên phía tai. Tóc các bà chắc được nuôi dưỡng rất kỹ nên dày và dài đến ngang lưng. Những kiểu thức này chưa được nghiên cứu cho thấy người Việt xưa có thể đã có những quan niệm thời trang nhất định chứ không quê mùa như người ta thường nghĩ.

(Còn nữa)
Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm