24/02/2013 11:50 GMT+7 | Đọc - Xem
(Thethaovanhoa.vn) - Một ngôi nhà nhỏ nằm khiêm nhường trong con ngõ nhỏ gần Ngã tư Vọng với gian phòng khách kê vừa vặn một bộ salon, không bao giờ thiếu lọ hoa…, là nơi đong đầy những trăn trở, âu lo cùng hạnh phúc vui sướng của một người đàn bà vóc người nhỏ nhắn - PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái.
Bộ sách mới nhất của bà vừa ra mắt là Mặt người mặt hoa (NXB Văn hóa Văn nghệ TP.HCM, 2013) dày hơn 500 trang với 76 bài viết thu vén trong khoảng 15 năm.
Bìa tập sách Mặt người mặt hoa
Nóng bỏng, mạnh mẽ và quyết liệt
Nhiều người làm văn, làm báo từng là học trò của PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái. Tôi nhớ lần đầu gặp bà, trong Trường Khoa học Xã hội & Nhân văn, với dáng đi nhanh nhẹn dứt khoát, vận bộ đồ đen may khéo ôm vừa người, luồn trên mái tóc uốn bồng bềnh thả sát vai là cặp kính râm. Việc đầu tiên của bà khi đứng sát bàn giáo viên là nhìn quanh lớp thật nhanh, liếc qua máy camera, bỏ miccro khỏi ve áo, không dạy môn học như đã biết trước, bà hướng dẫn chúng tôi cách sống sao cho phù hợp với đời này.
Qua PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, nhiều văn nghệ sĩ cùng các tác phẩm được giới thiệu một cách sống động. Hiệu sách Hoa “giảm giá hết cỡ” trên phố Đinh Lễ, nơi bán nhiều đầu sách văn chương hay được bà giới thiệu, và dĩ nhiên, nếu có chương trình sân khấu nào hay hay, thể nào bà cũng “lùa” lũ học trò đi xem. Vui vẻ cho ngay số điện thoại để đến cổng “ới” bà ra đón, bà giúp lũ sinh viên ngô nghê chúng tôi đi vào đời sống nghệ thuật tại thủ đô một cách tự nhiên.
Chấp nhận mọi nghịch ngợm của tuổi trẻ, cho điểm cao tương đối dễ dàng, hầu như ít trách cứ la mắng lũ học trò, luôn hòa đồng vào các thú vui sống, kính trọng bậc hiền nhân, yêu thương người tài đức, nhu thuận với bạn bè đồng nghiệp, chú ý chăm lo đến đời sống mỗi người thân quen, đã gặp PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái chỉ một lần, thì không ai có thể quên.
Phía sau vẻ ngoài “mặt hoa da phấn”, nền nã, vui tươi, dí dỏm, là một trái tim nóng bỏng, thẳng thắn mạnh mẽ và quyết liệt. Miệng nói đi đôi với tay làm, không buông bỏ bất cứ mục tiêu nào, đôi khi bà làm nhiều người ưa loanh quanh thiếu tường minh phải sợ.
Thích tụ tập bạn thân trong ngôi nhà nhỏ, tự mình vào bếp chuẩn bị chu đáo từng món ăn đãi khách, biết trước thói quen của mỗi bạn mình để ai cũng vui lòng ngon miệng, thế nên, căn phòng khách và gian bếp nhỏ luôn đầy ắp tiếng cười. Quảng giao, nhưng cũng là người kén chọn ai là bạn, đã được bà Thái thương, thì được cư xử chăm lo như người nhà. Một lít rượu gạo quê, một hộp nếp cẩm của quê Bắc Ninh, thậm chí dăm lạng miến, nửa con gà, mấy con cua ngon hay cân mực nướng bà sẽ mang đến tận nhà chia sẻ với bạn thân của mình. Thế nên, không lạ gì, khi trong bộ sách Mặt người mặt hoa, bà dành nhiều ưu ái đến thế cho các gương mặt văn nghệ sĩ đồng thời là bạn cùng niên hay vong niên.
Song hành hai mối tình
Chân dung các văn nghệ sĩ đi qua bộ sách, chủ yếu ở hai lĩnh vực mà bà am tường trong say đắm: sân khấu và văn chương.
“Thi sĩ Thế Lữ, một bậc đại hiền, nhỏ nhẹ bảo tôi, (…): Cháu yêu văn chương ắt hẳn sẽ yêu sân khấu. (…). Cháu sẽ biết viết về sân khấu từ góc nhìn văn chương độc đáo… Tôi tin vào lời thi sĩ khởi đầu Thơ Mới ấy như tin lời sấm. Sách này là cuốn thứ năm tôi viết, khởi đi từ lời sấm ấy. Vẫn là chút của tin đối với văn chương và nghệ thuật Việt. Vẫn là khao khát suốt đời viết của tôi: đánh đường tìm hoa, đặng để tỏ tường sự lộng lẫy của mặt người mặt hoa…”
Đúng như những gì mà PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái đã tâm sự trong cuốn sách của mình, Mặt người mặt hoa là nhiều điểm nhìn của người văn chương đối với sân khấu và muôn khuôn mặt sống trong văn chương khác.
Mặt người mặt hoa viết về từ các bậc tiền bối như đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, nhà thơ Thế Lữ, đạo diễn Phạm Thị Thành, nhà văn Nguyễn Đình Thi đến gần hơn là đạo diễn Lê Hùng, diễn viên Trọng Khôi, đạo diễn Doãn Hoàng Giang, nhiếp ảnh Hồng Nga, diễn viên Lê Khanh, diễn viên Anh Tú, thậm chí cả ca sĩ như Hồng Nhung, Ngọc Tân hay người làm thể nghiệm như nghệ sĩ Đào Anh Khánh của sân khấu… Còn ở mảng văn chương, bà viết về nhà thơ Nguyễn Thị Minh Ngọc, nhà văn Nguyễn Quang Lập, nhà văn Hồ Anh Thái, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư trong nước, và kể cả thầy Nhiculin ở nước Nga, sang nhà văn Sơn Táp của Trung Quốc khi bà đọc tiểu thuyết Thiếu nữ đánh cờ vây mà thấy trong lòng cảm động…
Mặt người mặt hoa chừng như bản tóm lược về sự phát triển của sân khấu cũng như văn chương qua vài thập kỷ.
Ít khi phiêu lãng, không có những câu văn mềm ướt, hạn chế niềm hứng khởi, luôn có sự tiết chế và tỉnh táo, mỗi bài viết của bà thiên về sự giản dị, dễ đọc để hiểu thấu. Lời văn trong suốt tuyển tập gần lời thủ thỉ tâm tình chia sẻ hơn với những phán xét bộc trực, cảm tính cá nhân. Chỉ dừng lại với nhiều cảm thông, thương mến khi gương mặt nghệ sĩ là nữ giới, như với nhà thơ Nguyễn Thị Minh Ngọc. Thay vào việc cho lý trí kiểm soát, Nguyễn Thị Minh Thái để trái tim lên tiếng thay mình và bạn mình: “Với Ngọc, có lẽ viết là sống thật, và sống thật thì mới viết thật được. Thật có nghĩa là mình phải là chính mình. Song, có lẽ cái ham hố sống bình thường hạnh phúc, đặng trở thành một hiền thê không đạt được của Ngọc, đã như sự quá mù ra mưa” (Nguyễn Thị Minh Ngọc - Sống và viết vội vã. T. 259).
Đọc từng khuôn “mặt hoa” điểm trang cho văn hóa văn nghệ Việt Nam, sẽ cảm nhận được tình cảm cũng như các cung độ thân thiết của bà dành cho những người bạn và những người mới quen. Nếu là người sơ, bà nhìn ở góc độ làm nghề, nếu là thân, thể nào cũng là những cảnh ngộ đời phía sau mỗi tác phẩm, tận bên trong nữa, là lý do để bạn mình vướng phải những âu lo.
Và quả tình, người bạn thân của PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, cũng thật tinh tế khi nhìn thấy con người bên trong, ẩn phía sau những trang viết của Mặt người mặt hoa:
“Nguyễn Thị Minh Thái đã “đánh đường tìm hoa” để thấy mặt người, mặt hoa, và không chỉ thấy mà còn biết, không chỉ biết mà còn hiểu, không chỉ hiểu mà còn yêu, không chỉ yêu mà còn tiếc nuối, và không chỉ tiếc mà còn lo ây và rất nhiều nghĩ ngợi… về hoa và người” (Người và hoa nồng nàn đắm đuối. T7)
Việt Quỳnh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất