PGS Chu Xuân Diên: Xin lỗi nhà thơ Trần Đăng Khoa

27/07/2013 14:01 GMT+7 | Đọc - Xem


(Thethaovanhoa.vn) - “Chúng tôi đã thiếu sót vì không nhận ra truyện Đi đánh Thần Hạn có sự tương đồng với trường ca của nhà thơ Trần Đăng Khoa, không phải sáng tác của dân gian” - PGS Chu Xuân Diên, chủ biên cuốn Văn học dân gian Bạc Liêu, nói với TT&VH.

TT&VH có cuộc trò chuyện với PGS Chu Xuân Diên nhân tranh cãi về cuốn sách sưu tầm Văn học dân gian Bạc Liêu (2005): Sách có đăng truyện dân gian Đi đánh Thần Hạn có sự tương đồng với trường ca Đi đánh Thần Hạn của nhà thơ Trần Đăng Khoa.


PGS Chu Xuân Diên, chủ biên cuốn sách sưu tầm Văn học dân gian Bạc Liêu. Ảnh: Đại học KHXH&NV TP. HCM

* Ông nghĩ sao khi truyện dân gian Đi đánh Thần Hạn do nhóm sinh viên của ông sưu tầm từ năm 2002-2003 lại trùng tên và có nội dung tương tự trường ca Đi đánh Thần Hạn của nhà thơ Trần Đăng Khoa sáng tác năm 1970?

- Chúng tôi xin lỗi nhà thơ Trần Đăng Khoa vì đã không nhận ra câu chuyện giống với tác phẩm trường ca của anh.

Thiếu sót của chúng tôi khi sưu tầm và soạn sách là không thể đọc hết tác phẩm văn học viết của tất cả các nhà văn, nhà thơ để đối chiếu được với các câu thơ và truyện mà người dân kể cho chúng tôi. Thiếu sót đó rất khó khắc phục vì chúng tôi đã sưu tầm hàng nghìn tác phẩm văn học dân gian.

* Truyện Đi đánh Thần Hạn có ghi “Người kể: Hà Cẩm Vân, 1992, ấp 19, xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu”. Chỉ một người kể thì liệu có đủ cơ sở để khẳng định là tác phẩm văn học dân gian không, thưa ông?

- Khi thực hiện cuốn sách, chúng tôi đã lưu ý các sinh viên ghi lại tên và địa chỉ của người kể chuyện ở các địa phương mà họ đến sưu tầm. Nhưng cần nói rõ thế này, cuốn sách Văn học dân gian Bạc Liêu là kết quả của công việc sưu tầm văn học dân gian trong một thời điểm nhất định: năm 2002-2003. Cuốn sách không bao quát toàn bộ đời sống văn học dân gian của Bạc Liêu. Quá trình sưu tầm văn học dân gian phải thực hiện lâu dài, mỗi tác phẩm có thể có nhiều dị bản ghi lại ở những thời điểm khác nhau.

Riêng truyện Đi đánh Thần Hạn, trong thời điểm 2002-2003, thì chỉ có một bản duy nhất, nhưng không loại trừ khả năng nếu sưu tầm rộng rãi hơn và ở nhiều thời điểm khác thì sẽ có thêm dị bản.

* Nhà thơ Trần Đăng Khoa có lưu ý là nếu tìm kiếm trên Google thì sẽ cho kết quả Đi đánh Thần Hạn là trường ca của ông ấy.

- Khi sưu tầm, chúng tôi chỉ khảo sát thêm các nguồn dân gian khác chứ không nghĩ đến việc tìm kiếm trên mạng và cũng không thể đối chiếu từng câu chuyện một với những tác phẩm văn học viết đã ra đời. Thêm vào đó, không phải tác phẩm nào cũng đều có đăng trên mạng, hoặc đăng mà vẫn giữ nguyên tên.

Cuốn Văn học dân gian Bạc Liêu bản in năm 2011. Ảnh: PGS.TS Nguyễn Thị Huế
* Một độc giả khi bình luận trên Thethaovanhoa.vn cũng nêu ý kiến: Bạc Liêu là vùng sông nước, làm sao có thể lưu truyền một câu chuyện dân gian về hạn hán?

- Chúng tôi từng sưu tầm văn học dân gian ở Bạc Liêu, trước đây là Sóc Trăng, Châu Đốc... Trong quan niệm của chúng tôi, văn học dân gian sưu tầm ở địa phương có ba thành phần.

Một là, các tác phẩm dân gian do chính người dân sáng tác và phản ánh bản sắc địa phương, bộ phận này không nhiều. Hai là, vốn văn học dân gian của toàn dân, của các vùng miền khác nhau được lưu truyền đến tỉnh này và được người dân địa phương cải biên, “địa phương hóa”. Ba là, các tác phẩm của địa phương khác được lưu truyền đến địa phương này, vẫn được giữ nguyên, không cải biên.

Truyện Đi đánh Thần Hạn, giả sử là truyện dân gian, thì đúng là không gắn với tỉnh Bạc Liêu, nhưng hạn hán là vấn đề chung của nhiều địa phương khác trong cả nước. Trong cuốn sách Văn học dân gian Bạc Liêu, chúng tôi cũng sưu tầm được nhiều câu ca dao, tục ngữ phản ánh đặc điểm chung của đất nước.

PGS Chu Xuân Diên sinh năm 1934, nguyên là Trưởng Bộ môn Văn hóa dân gian, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM. Trước đó, ông từng giảng dạy ở Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội.

* Nếu nghĩ xa hơn, đây có phải là một trường hợp “dân gian hóa văn học viết”?

- Trường hợp này là dấu hiệu đầu tiên cho thấy tác phẩm của nhà thơ đã được chuyển hóa thành truyện dân gian. Cảm ơn nhà thơ Trần Đăng Khoa vì nhờ phát hiện của anh, giới nghiên cứu chúng tôi đã có thêm một tư liệu hay. Tất nhiên cần nghiên cứu thêm mới có thể khẳng định được.

* Ông còn điều gì muốn nhắn với nhà thơ Trần Đăng Khoa?

- Tôi rất yêu mến thơ của Trần Đăng Khoa, người mà ngay từ nhỏ đã thể hiện tài năng rất rõ rệt. 

Còn về Đi đánh Thần Hạn, tôi đồng ý với nhà thơ rằng bài trường ca hoàn toàn là sáng tạo của anh. Tôi nghĩ rằng, tác phẩm được viết nên từ tài năng của tác giả cộng với sự tiếp thu truyền thống văn hóa dân tộc. Trần Đăng Khoa là người tiếp nhận truyền thống khá rõ rệt. Tác phẩm có những yếu tố đậm chất dân gian: nhân vật thần Hạn, thần Lụt...

Tác giả nào mà sáng tác phong phú chất dân gian thì rất dễ phổ biến trong dân gian, và sự thực đúng là như vậy. Tôi cho rằng, tác phẩm đã được phổ biến đến vùng sâu vùng xa và được người dân kể lại một cách hồn nhiên.

Thông tin nền:

Trao đổi với TT&VH hôm 26/7, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói: “Đây là một chuyện đáng tiếc, nên khép lại ở đây”.

Nhà thơ cũng góp ý với nhóm biên soạn hai cuốn sách: “Tuy nhiên, trước khi khép lại, tôi cũng muốn các nhà khoa học hãy rà soát lại sản phẩm của mình, xem có còn trường hợp nào tương tự như Đi đánh Thần Hạn không? Khi sơ xuất đã được bạn đọc phát hiện cũng cần đính chính, hoặc điều chỉnh nêu rõ nguồn gốc”.


Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm