20/08/2013 12:53 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Đạo diễn - NSƯT Quốc Trọng vẫn được người trong giới gọi là “đệ tử ruột” của NSND Bạch Diệp. Quốc Trọng gửi tới TT&VH những “lời gan ruột” về người phụ nữ có tầm ảnh hưởng tới sự nghiệp của anh.
Chiều Hè oi bức và nóng nực. Từ đoàn phim chạy về tụ hội với nhóm Cánh Buồm cùng “lão ca” Phạm Toàn và “lão ca” Dương Tường để bàn về công việc sắp tới. Chưa kịp nhâm nhi cốc bia giải khát thì di động của Phạm Toàn đã réo rắt.Vốn dĩ bị nặng tai nên Phạm Toàn chuyển máy cho Dương Tường: "Khánh (nhà văn Nguyễn Xuân Khánh - TT&VH) gọi cái gì mà hốt hoảng thế...".
Dương Tường vừa nghe đã thấy mặt thất sắc. Đó là tin Bạch Diệp mất. Tôi vội bấm số gọi cho Minh Châu (NSƯT Minh Châu - TT&VH) để hỏi lại thông tin...
Quay sang bên cạnh, lặng người khi thấy “lão ca” Dương Tường đang nấc nghẹn. Tiếng khóc cố kìm nén mà cứ bật ra, nức nở...Vội quàng tay ôm chặt lấy ông... Vóc người nhỏ bé của ông lọt thỏm trong vòng tay tôi. Ông tựa vào tôi, lặng lẽ khóc… Không dám nói gì... Cả sự an ủi cũng không dám...
Đạo diễn - NSND Bạch Diệp (thứ hai từ trái sang) và dàn diễn viên phim Hoa ban đỏ. Đạo diễn Quốc Trọng đứng phía sau. |
Không biết đó có thể gọi là nhân duyên không? Mà sau này tôi lại được cộng tác với bà một thời gian khá dài, từ vai trò diễn viên rồi sau thành trợ lý, thành phó đạo diễn của bà.
Khắt khe. Khó tính. Trực tính... và say mê nghề nhiệt huyết, thậm chí đến mức cực đoan...
Đó là những ấn tượng đầu tiên khi tôi tham gia trong một đoàn phim của bà, phim Ngày lễ thánh, với vai quần chúng.
Sau này, khi đi với bà nhiều hơn, gần bà nhiều hơn…Tôi chợt nhận ra một nỗi buồn luôn lẩn khuất trong bà. (Và hình như cái nỗi buồn đó lớn hơn nhiều lần cái sự hiểu của tôi)…
Bà kể cho tôi nghe nhiều chuyện: Bà lớn lên ra sao, đi làm cách mạng thế nào… Tên Bạch Diệp của bà là do cụ Hồ đặt cho bà, khi bà còn làm công tác quân báo trong lòng địch… Rồi bà đến với điện ảnh ra sao… kể cả những bỡ ngỡ khi bà làm bộ phim tài liệu Hải Dương quê tôi… Bà đã vượt qua những thử thách gì để trở thành nữ đạo diễn đầu tiên của điện ảnh VN.
Sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư, NSND Bạch Diệp đã trút hơi thở cuối cùng vào 10h00 sáng ngày 17/8, hưởng thọ 85 tuổi. Lễ viếng NSND Bạch Diệp sẽ diễn ra từ 7h30 tới 9h00 sáng ngày 22/8/2013 tại Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông Hà Nội.
Rồi nữa, lần đầu xem phim Số đỏ, khi ra khỏi rạp Tháng Tám, bà ôm tôi nói: “Chúc mừng cháu. Cô cũng là người phản đối khi biết tin đoàn phim chọn cháu làm vai Xuân, vì cô hình dung Xuân khác cơ, nhưng giờ thì cô thấy cô nhầm, nghệ thuật diễn xuất sẽ quyết định vai diễn của mình.” Thật không dễ có một nhân cách như vậy của lớp người đi trước. Thẳng thắn. Hồn nhiên và hào sảng.
Đi làm phim với bà, tôi là đứa ngỗ ngược nên cũng đã khiến bà giận và buồn. Vậy mà bà không hề để chuyện đó nằm lòng. Thấy tôi thành công trong vai trò đạo diễn với những bộ phim của mình, chính bà là người đầu tiên chúc mừng tôi. Tôi đã khóc khi bà nói: “Cô vẫn giận Trọng lắm. Nhưng phim Trọng làm cô vẫn xem. Cô mừng, mừng lắm. Cô thấy vui vì Trọng”. Đến khi cô cháu giải tỏa mọi chuyện, tôi lại trêu bà: “Già rồi mà hay dỗi như trẻ con” thì bà lại cười thoải mái.
Vậy đó, “Madame” Bạch Diệp (cách gọi của anh em chúng tôi trong tổ đạo diễn VN hồi làm phim Điện Biên Phủ cộng tác với Pháp) của chúng tôi là như thế đó.
Nỗi buồn của bà, dường như luôn được dồn nén vào các tác phẩm, vào những nhân vật mà bà ấp ủ. Dường như cả cuộc đời bà luôn hướng tới một “ngày lễ thánh” cho mình, cho mọi người.
Tiếc nuối…Xót xa…
Thôi đành thầm thì với bà câu thơ của nhà thơ Lê Đại Thanh (cũng là người bạn của bà đã xa khuất từ lâu):
“Chào những người bộ hành tuổi xanh xuôi ngược
Xin trả lại vé đời, tôi về với quê hương”
(*): Tít bài do TT&VH đặt, mượn ý thơ của cố thi sĩ Lê Đại Thanh
Quốc Trọng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất