Nishi trong mắt ai

29/09/2013 13:34 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Khi TS. Nishimura qua đời sau  một vụ tai nạn giao thông tại QL 5 Hà Nội (ngày 9/6/2013), mọi người mới ngỡ ngàng trước những đóng góp của “người Việt Nam quốc tịch Nhật Bản” này.

Công trình sưu tầm các cổ vật và xây bảo tàng gốm cổ cho làng Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội), khởi xướng từ ý tưởng và những đóng góp không mệt mỏi của Nishimura, là bảo tàng làng đầu tiên ở Việt Nam.


Gia đình TS. Nishimura

Chuyện một người tử tế

Khi TS. Nishimura đặt chân đến Việt Nam lần đầu (1990) là năm người viết mới chào đời. Và tôi “gặp” Nishi lần đầu tại…đám tang anh. Tất cả những gì tôi biết về Nishi chỉ qua những câu chuyện từ gia đình, đồng nghiệp, học trò, đồng hương Nhật Bản và “đồng hương” Kim Lan của anh.

Nhưng như đạo diễn Trần Văn Thủy đã nói trong bộ phim Chuyện tử tế: “Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác. Nó nặng đến nỗi một người không mang nổi. Bởi thế người đời chúng ta chừng nào còn sống phải giúp đỡ nhau, gắng làm cho tâm hồn trở nên bất tử . Ông giúp cho tâm hồn tôi sống mãi, tôi giúp người khác nữa,và cứ thế đến vô cùng. Sao cho cái chết của một người không đẩy ta vào tình trạng cô đơn trong cuộc sống...”

Hãy dùng một từ duy nhất để phác họa Nishi…TS. Noriko, vợ anh: Chân thành. Ông Masuo Ono, tham tán đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam: Mạnh mẽ. PGS.TS Tống Trung Tín, Viện trưởng viện Khảo cổ học Việt Nam, đồng nghiệp và cũng là thầy anh, cân nhắc rất lâu và chọn từ: Đam mê. PGS. TS Nguyễn Lân Cường đáp: Nhiệt tâm. Suzuki Tomomi, cựu sinh viên trường Đại học Waseda, học trò TS. Nishimura: Quyết liệt. Còn ông Nguyễn Văn Nhung, người nhặt nhạnh những mảnh gốm cổ, cùng TS. Nishimura lập “Bảo tàng gốm sứ Kim Lan” trả lời: Tử tế.

“Nishi là thế, đam mê hết mình với khảo cổ Việt. Anh dùng tất cả nhiệt tâm của mình để đạt cho kỳ được những thành tựu cho khoa học xã hội Việt Nam. Bằng sự mạnh mẽ và quyết liệt, anh đã có mặt tại tất cả các “điểm nóng” của khảo cổ Việt trong suốt gần hai chục năm qua, thu về hàng ngàn hiện vật. Trong đó không thể không kể tới mảnh khuôn đúc trống đồng tại di chỉ Luy Lâu (Bắc Ninh), khuôn đúc mũi tên đồng tại thành Cổ Loa (Hà Nội)…”- PGS.TS Nguyễn Lân Cường nhận xét.

Cũng theo PGS. TS Nguyễn Lân Cường, những hiện vật này là “bằng chứng thép” bác lại tất cả những ý kiến trái chiều của nước ngoài cho rằng trống đồng và mũi tên đồng không phải do người Việt chế tạo. “Từ ngày Nishi sưu tập những hiện vật này, cũng chẳng thấy giới khảo cổ học nước ngoài rao giảng gì thuyết “trống đồng và tên đồng là từ nơi khác chuyển đến nước Việt”- PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho hay.

Công trình bảo tàng gốm sứ Kim Lan do TS. Nishimura góp công xây dựng vừa được giải thưởng “Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội”


“Người Việt Nam mang quốc tịch Nhật”  

Người đã khuất thường ai cũng nhớ tới những điều tốt đẹp. Nhưng khi được hỏi “tật xấu của Nishi”, PGS.TS Tống Trung Tín đáp ngay: “Chính đam mê lại là tật xấu nhất của cậu ấy. Nishi yêu khảo cổ Việt tới độ “cuồng si”. Trong con người cậu ấy có một khát khao quá lớn với công việc. Nên hễ nghe ở khu vực nào của Việt Nam có di chỉ mới phát hiện là cậu lập tức tìm cách đến bằng được. Tới nơi, cậu làm việc hăng say, quyết liệt. Khi công việc không được như ý, cậu ấy rất căng thẳng và trăn trở khiến đôi khi nóng nảy hơn mức cần thiết.”

Còn theo ông Nguyễn Văn Nhung, những ngày làm việc với TS. Nishimura để xây bảo tàng gốm Kim Lan là những ngày căng thẳng nhất trong suốt cả đời làm gốm của ông. Bởi TS. Nishimura đòi hỏi rất cao trong chất lượng công việc. “Khi đã hội đủ những yếu tố xây dựng bảo tàng gốm, Nishi vẫn chưa ưng hiện vật này, hiện vật kia. Thế là nhiều ngày ròng sau đó, cậu ấy cùng chúng tôi lại lang thang dọc bờ sông Hồng tìm cho được thứ mà Nishi cho là tốt nhất theo ý của cậu ấy để trưng bày trong bảo tàng.”- Ông Nhung cho biết. “Nhưng khi công việc xong xuôi như ý, cậu ấy vui ra mặt. Nhiều đêm rằm thảnh thơi khi hoàn thành bảo tàng gốm, chúng tôi với cậu “người Việt Nam mang quốc tịch Nhật” ấy ra sân nhà tôi ngồi uống rượu nút lá chuối với vài món ăn quê mùa dân dã. Tôi kể cậu ấy nghe những câu chuyện sau lũy tre làng tôi (và giờ cũng là làng cậu ấy). Còn cậu ấy kể về vùng biển Simonoseki, tỉnh Yamaguchi, miền Tây Nhật Bản, quê cậu. Và tôi biết, những khi đó, Nishi thoáng yếu  lòng nhớ cố hương”…

Vợ anh, TS. Noriko, nói là chị và TS. Nishimura từ lâu đã coi Việt Nam như quê hương thứ hai. TS. Noriko sang Việt Nam làm nghiên cứu sinh về ngôn ngữ năm 1995. Tại đây, chị quen người đồng hương Nhật Bản có tên Việt “ngộ ngộ” là Lý Văn Sĩ. Hai người yêu nhau rồi chị chuyển từ nghiên cứu ngôn ngữ sang nghiên cứu khảo cổ. Và họ cùng say mê nâng niu từng thớ đất ở xứ sở lạ để kiếm tìm những điều thiêng liêng. Rồi “đất lạ hóa tâm hồn”, họ lên duyên vợ chồng năm 2001. Đám cưới được tổ chức tại Hà Nội, theo phong tục Việt Nam. Cô dâu Noriko thướt tha trong bộ áo dài cùng chú rể Nishimura sóng đôi trước sự chứng kiến của hàng trăm bạn bè Việt.

Trong ngày Nishi giũ bỏ bụi trần ai, chị cùng cậu con trai lớn Kazumine vẫn đang lặn lội ở hang Mòi (khu di tích Tràng An, Ninh Bình) để tìm những hiện vật có giá trị nghiên cứu.

“Quyết định để anh Nishi nằm lại đất Việt đồng nghĩa với lựa chọn gắn bó phần đời còn lại của mẹ con tôi với xứ sở này.”- TS. Noriko chia sẻ.    
   
“Ngọn lửa Nishi”

Trong lễ tiễn đưa TS. Nishimura ở Kim Lan, không ai không ấn tượng với một cô bé Nhật chắp tay cả giờ đồng hồ, nước mắt lã chã rơi. Đến lúc TS. Nishimura khuất dần sau những làn đất của những người đào mồ, em không quên thả xuống đất Kim Lan tấm phong thư. Em là Suzuki Tomimo, cựu sinh viên Đại học Waseda ở Tokyo, hiện đang là nghiên cứu sinh bộ môn Khảo cổ học, khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Em đang được TS. Nishimura hướng dẫn luận văn tiến sĩ về khảo cổ Việt Nam thì TS. Nishimura đột ngột qua đời. Trong ngày truy tặng “Huân chương Hữu nghị” cho TS. Nishimura, em vẫn khóc, song bình tĩnh hơn để nói về thầy: “Thầy “truyền lửa” cho em tình yêu và niềm đam mê với khảo cổ Việt. Em sẽ ở lại Việt Nam như thầy và làm tiếp những công việc thầy còn dang dở.”


Tấm di ảnh TS. Nishimura thường xuyên xuất hiện trong suốt các sự kiện tôn vinh gần đây.

TS Nishimura Masanari (1965-2013) là nghiên cứu viên ĐH Kansai, ĐH Osaka, hội viên Hội Khảo cổ học Việt Nam, cộng tác viên nghiên cứu tại Viện Khảo cổ học Viện Nam, Ủy viên điều hành Hội Tiền sử Ấn Độ - Thái Bình Dương IPPA, sáng lập Quỹ Di sản văn hóa Đông Nam Á, sáng lập Bảo tàng Khảo cổ học cộng đồng tại làng Kim Lan (Hà Nội).

S. Nishimura có những công trình tiêu biểu như: Bảo tàng gốm sứ Kim Lan; Chủ biên cuốn Khảo cổ học và Cổ đại học của Việt Nam (Tiếng Nhật); Khảo cổ học và Cổ đại học của Việt Nam; Nghiên cứu về Kinh thành và thành quách Đại Việt và Champa...
Sau khi mất, TS. Nishimura Masanari được tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khoa học xã hội” của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, giải thưởng "Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội" 2013 hạng mục "Việc làm vì tình yêu Hà Nội" và "Huân chương Hữu nghị".


Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm