“Mười lăm tuổi rưỡi, đang lúc qua sông...”, chuỗi ký ức ăm ắp kỷ niệm về mối tình đầu tiên được khơi nguồn như thế, say đắm, ám ảnh, thấm đẫm nhục cảm. Mối tình tha thiết ấy được kể với bối cảnh Việt Nam những năm 1930, từ dải miệt vườn Sa Đéc mênh mông mà nghèo khó cho đến vùng Chợ Lớn - Gia Định đô hội, phồn hoa; từ ngôi nhà đẹp đến mê hồn của người tình Hoa Bắc ở Vĩnh Long hoang sơ đến căn hộ kiểu Pháp giữa Chợ Lớn sầm uất. Và dòng sông Mekong cuồn cuộn chảy mê mải, rười rượi những đam mê cháy bỏng giữa cô gái nhỏ hiện thân của Duras và “người tình Hoa Bắc”. Mặc dù phải chia tay người đàn ông Trung Hoa hơn gấp đôi tuổi mình ngay khi vừa tròn 18 tuổi để trở về mẫu quốc nhưng thiên tình sử đầy khổ đau và nhục cảm ấy đã là phần máu thịt của Duras, tạo nên một nhà văn bất tử với những mối tình si làm ngây ngất lòng người.
Mối tình vừa sợ hãi vừa bi thương, vừa u mê vừa chói sáng ấy còn ám ảnh nhà văn cho đến tận những năm tháng cuối cùng của cuộc đời. Sau này, khi đã trở thành một trong những tiểu thuyết gia xuất sắc nhất thế kỷ 20 của nước Pháp, lúc nghe tin người tình xa xăm từ thuở thiếu thời qua đời, tất cả những kỷ niệm, xúc cảm ấy vẫn ùa về nguyên sơ khao khát trong bà. Và nhà văn lại tiếp tục cầm bút để làm nên kiệt tác L’Amant De La Chine Du Nord (Người tình Hoa Bắc) vào năm 1991.
Trong những dòng đầu tiên của cuốn sách, Duras viết: “Tôi được biết anh ấy đã qua đời. Đó là vào tháng 5/1990, cách đây một năm. Tôi chưa bao giờ từng nghĩ đến sự ra đi của anh ấy. Người ta còn nói với tôi rằng anh được an táng tại Sa Đéc, rằng ngôi nhà màu xanh vẫn luôn ở chỗ đó, nơi gia đình và con cái anh cư ngụ. Anh được người ta yêu mến ở Sa Đéc vì lòng tốt, tính giản dị và cũng bởi anh trở nên rất mộ đạo vào lúc cuối đời. Tôi từ bỏ công việc đang làm. Tôi viết câu chuyện giữa người tình Hoa Bắc và đứa trẻ: Cô bé vẫn chưa có mặt trong cuốn truyện L’Amant, họ không có đủ thời gian. Tôi viết cuốn truyện này trong niềm hạnh phúc điên dại. Tôi đắm chìm vào cuốn tiểu thuyết một năm, giam mình trong năm đó cùng với tình yêu giữa người đàn ông Trung Hoa và cô bé. Tôi khônq đi xa hơn chuyến khởi hành của con tàu, nghĩa là chuyến ra đi của cô bé.Tôi đã không hình dung ra được người đàn ông Trung Hoa lại có thể ra đi, sự ra đi của thân thể, làn da, đôi bàn tay anh. Trong suốt một năm, tôi đã thấy lại cái độ tuổi khi mình đi qua dòng Mekong trên chuyến phà từ Vĩnh Long”.
Nguyên mẫu “người tình Hoa Bắc” tên thật là Huỳnh Thủy Lê (1894 - 1990), con trai út của đại địa chủ Huỳnh Cẩm Thuận những năm đầu thế kỷ 20 ở Sa Đéc. Hiện nay, ngôi nhà cổ của ông là một địa chỉ văn hóa nổi tiếng ở tỉnh Đồng Tháp.
Robert Antelme, cuộc chiến và Nỗi đau
Khi nhớ về người chồng đầu tiên của mình, Duras đã viết những dòng thấm đẫm thương đau trong cuốn tiểu thuyết La Douleur (Nỗi đau): “Tôi không biết lúc nào mình đã đến trước mặt anh, chính anh, Robert L. Tôi nhớ là có tiếng khóc trong tòa nhà, những người láng giềng đứng rất lâu trên cầu thang, các cánh cửa mở to. Về sau, người ta bảo với tôi rằng bà gác cửa trang trí lối ra vào để đón anh, nhưng khi anh đã đi qua, bà tháo tất cả và trốn vào nhà để khóc, điên cuồng. Trong ký ức của tôi, vào một lúc nào đó, các tiếng động im bặt và tôi nhìn thấy anh. Mênh mông. Trước mặt tôi. Tôi không nhận ra anh. Anh nhìn tôi. Anh mỉm cười. Một sự mệt mỏi phi phàm hiện lên trong nụ cười ấy, cái mệt mỏi của kẻ đã sống được đến tận giây phút này. Chính nhờ nụ cười ấy mà thình lình tôi nhận ra anh, nhưng rất xa, cứ như tôi nhìn thấy anh ở cuối một đường hầm. Một nụ cười bối rối. Anh xin lỗi là đã đến mức này, biến thành thứ đồ vứt đi như thế. Rồi nụ cười biến mất. Và anh lại thành người xa lạ. Nhưng tôi vẫn biết kẻ xa lạ đó là anh, Robert L., hoàn toàn anh”.
Nguyên mẫu của Robert L. chính là nhà văn Robert Antelme, người đã kết hôn với Duras năm 1939 và cùng hoạt động trong một tổ chức kháng chiến tại Paris. Tháng 6/1944, ông bị Gestapo bắt và được tự do lúc hết Thế chiến II sau khi đã qua nhiều trại tập trung ở Fresnes, Buchenwald, Gandersheim, Dachau. Tháng 4/1945, Duras nhờ một người bạn đi tìm dấu vết của Antelme nhưng vô vọng. Trong thời gian chờ đợi, ban ngày bà làm việc cho Bộ phận tìm kiếm những người mất tích, còn tối đến thiếp ngủ “trong cái hố đen, bên cạnh anh ấy đã chết”. Tháng 5 năm đó, một người bạn cùng tổ chức kháng chiến của Duras là Francois Mitterrand, lúc đó là thứ trưởng Bộ Người lưu vong và Tù nhân, tình cờ tìm thấy Antelme trong một lán vứt người chết. Ông tổ chức cho Antelme hồi hương. Suốt nhiều tháng trời, Duras chăm sóc “bóng ma” đó, cho tận đến lúc ông hoàn toàn bình phục vào năm 1946. Sau đó hai người đã chính thức chia tay nhưng mãi mãi về sau họ vẫn dành cho nhau một sự trân trọng và thương yêu vời vợi.
Antelme in L’Espèce Humaine (Loài người), tiểu thuyết duy nhất trong sự nghiệp văn chương của ông, kể lại những trải nghiệm về cái đói, nỗi nhục và sự chết chóc ở trại tập trung bằng một văn phong trần trụi đến lạnh người. Trong chốn địa ngục trần gian đó, con người tha hóa không phải vì ăn thứ rác rưởi, mà bởi không chia sẻ thứ rác rưởi đó với đồng loại của mình.
Dionys Mascolo, 10 năm hạnh phúc và sôi động
Duras và Antelme có chung với nhau một người con trai. Nhưng cuộc chiến khắc nghiệt lúc đó đã cướp đi sự sống của đứa trẻ vào năm 1942. Khi đó Antelme đang biệt vô âm tín trong các trại tập trung chết chóc còn Duras thì sống những ngày bi tráng nhất cuộc đời khi bà tham gia một cách tích cực vào phong trào phản chiến. Và thời gian ấy, bà đã gặp và yêu một người tình mới, bạn tri âm trong nghề cầm bút và cũng là đồng chí của Duras ở tổ chức bí mật. Người đó là nhà thơ, nhà cách mạng Dionys Mascolo.
Những người tình của Duras (từ trái qua):
Huỳnh Thủy Lê, Antelme, Mascolo và Andrea |
Dionys Mascolo là người bạn thân với Antelme và Francois Mitterrand, vị tổng thống huyền thoại của nước Pháp sau này. Trong thời gian Antelme bị mất tích, nhiều người nghĩ rằng ông đã chết đâu đó ở những trại tập trung khủng khiếp của phát xít Đức. Khi ấy Duras một mình vừa tham gia hoạt động cách mạng vừa nuôi con nhỏ. Và may mắn thay trong khoảng thời gian đó, Mascolo xuất hiện và luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho bà. Chính ông là người trợ giúp tích cực nhất cho Duras trong việc tìm kiếm Antelme. Nhiều lúc tưởng chừng Duras đã bỏ cuộc nhưng Mascolo đã giúp bà đứng dậy và tiếp tục cuộc tìm kiếm tưởng như vô vọng. Khi người con trai của Duras và Antelme chết chính là lúc bà thực sự rơi vào tuyệt vọng. Nhưng cũng chính lúc đó, sự quan tâm và nghị lực của người cách mạng trong Mascolo đã giúp Duras đứng vững. Và tình cảm giữa bà với Mascolo bắt đầu nảy sinh, ban đầu chỉ là tình cảm đơn phương của người phụ nữ có trái tim luôn cháy bỏng nhựa sống ấy. Khi đã tìm thấy Antelme, Duras dành toàn bộ thời gian để chăm sóc ông. Cho đến khi ông khỏe mạnh, bà đã thổ lộ tình yêu thầm kín của mình với Mascolo. Và Antelme đã chia tay Duras thanh thản tựa như một bản nhạc vừa ngân lên đã tắt nhưng đầy dư âm và cảm xúc.
Duras và Mascolo mặc dù không làm đám cưới nhưng đã sống với nhau 10 năm hạnh phúc, sôi động. Kết quả tình yêu của họ là Jean Mascolo, sinh năm 1947, người sau này cũng theo nghiệp mẹ để vừa viết văn, vừa tham gia lĩnh vực điện ảnh.
Yann Andrea, mối tình không tuổi
Khi họ gặp nhau lần đầu vào năm 1975, Marguerite Duras đã 61 tuổi, còn Yann Andrea mới 22. Duras quá lừng danh, còn Andrea chỉ là một người hâm mộ vô danh. Mối tình trớ trêu của họ đã trở thành chủ đề cho cả Paris đàm tiếu nhiều năm liền. Lần gặp gỡ đầu tiên ấy đã được Andrea kể lại: “... Mùa Hè đáng nhớ đó cực kỳ nóng nực. Đám sinh viên chúng tôi nóng lòng chờ đợi ngày công chiếu bộ phim India Song (Bài ca Ấn Độ) dựng theo tác phẩm của Marguerite Duras. Chúng tôi kéo nhau vào rạp cả đoàn. Và không hiểu sao hôm ấy tôi lại tình cờ ngồi vào ngay hàng ghế đầu tiên, gần sát màn ảnh. Và ở cách tôi 3 mét là nhóm làm phim và... Marguerite Duras! Chúa ơi, công chúng đã đón chào nàng nồng nhiệt thế nào! Ngỡ như đó là một ngôi sao nhạc pop! Tôi còn nhớ như in hình ảnh của nàng: mặc áo gilet da mềm màu hạt dẻ của hãng Gucci, đôi giày hiệu Weston bó lấy đôi chân thanh tú, váy kẻ ô mà có lẽ nàng đã mặc liên tục 30 năm liền, điếu thuốc lá trong tay... Nàng nhìn quanh có vẻ thẹn thùng... Người ta hỏi nàng dồn dập, còn nàng mỉm cười lộng lẫy và trả lời mọi câu hỏi một cách chi tiết. Với nỗi rụt rè vô cùng tận, tôi cũng định đặt cho nàng câu hỏi nhưng mới nói được nửa chừng đã tắc ty khiến khán phòng bật cười rũ rượi. Thật may là nàng cũng đoán được điều tôi định hỏi và trả lời đúng ý, nhưng lúc đó tôi còn tâm trí nào mà nghe nữa. Một niềm sung sướng trào dâng vô cùng khó tả!”. Sau lần đó Andrea thường xuyên viết thư cho Duras và phải mất 5 năm sau họ mới có dịp gặp lại nhau.
Trong khuôn khổ Tháng điện ảnh và sân khấu Pháp của Trung tâm Văn hóa Pháp (L’Espace), 24 Tràng Tiền - Hà Nội, sẽ diễn ra buổi nói chuyện chuyên đề về Marguerite Duras và tiểu thuyết Người tình Hoa Bắc vào 18h ngày 27/11/2008. Buổi trò chuyện có sự tham gia của các dịch giả văn học Pháp tên tuổi: Lê Hồng Sâm, Trần Hinh, nhà nghiên cứu Trần Văn Công và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên. Buổi trò truyện có sự phối hợp của Đại sứ quán Pháp và Công ty sách Bách Việt, đơn vị xuất bản độc quyền nhiều tác phẩm của Duras tại Việt Nam. |
Đó là một ngày định mệnh, 29/7/1980. Marguerite Duras đón Andrea với nụ cười rạng rỡ. Họ trò chuyện với nhau đầy hứng khởi, nói mãi không chán. Tới gần nửa đêm, bà ngỏ ý muốn đưa Andrea đi dạo phố trên chiếc xe Peugeot-104 của mình. Kéo cửa xe xuống, một tay cầm vô-lăng, Duras vừa lái xe vừa vui vẻ hát bài La Vie En Rose (Đời màu hồng) nổi tiếng với giọng ca Edith Piaf. Andrea thì cố hòa theo giọng bà. Sau một tiếng lãng du trong đêm, bất ngờ Duras bảo: “Anh có thể ở lại chỗ tôi, ngủ trong phòng con trai tôi ấy, nó hiện không có ở đây”. Và thế là Andrea ở lại cùng Duras, suốt 16 năm trời!
Sau khi Marguerite Duras mất, Yann Andrea trở nên nát rượu một thời gian nhưng rồi những hồi ức về 16 năm chung sống với nữ văn sĩ đầy cá tính này đã đánh thức trong ông khát khao sáng tạo. Cuốn sách mà ông viết về mối tình này đã được thể hiện đầy cảm xúc và với một nghệ thuật cao, tới mức các nhà phê bình văn học cho rằng, dường như hồn Duras đã nhập vào Andrea để làm sống dậy những ký ức của họ. Để có được hạnh phúc cho nhau, hai người đã định sửa cả luật trời và dù không mấy thành công trong những cố gắng tuyệt vọng ấy, họ vẫn không phải là kẻ bại trận trước số phận nghiệt ngã. Bởi lẽ, cuối cùng họ vẫn còn các trang văn có thể làm đồng loại nao lòng và đủ sức tin vào những điều kỳ diệu của tình yêu.
Trương Xuân Thiên (tổng hợp)