Những kỷ niệm khó quên với cố nhà thơ Tạ Hữu Yên

02/06/2013 08:14 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - “Thế là nhà thơ Tạ Hữu Yên, người bạn thân thiết của cha tôi (soạn giả Trương Phú Xuân) đã từ bỏ những năm tháng buồn vui trần thế sau gần 4 năm chống chọi với căn bệnh ung thư phổi quái ác cùng tuối cao sức yếu” – từ TP.HCM, nhà thơ Trương Nam Chi viết trong bài gửi Thể thao & Văn hóa khi hay tin nhà thơ Anh về cùng mùa hoa qua đời.

1. Biết đời người không tránh khỏi những cuộc chia ly như thế, nhưng khi nhận tin bác qua đời, trong lòng tôi vẫn buồn vô hạn. Những người bạn thân của cha đã lần lượt ra đi cùng ông, họ chỉ để lại nhiều, thật nhiều kỷ niệm của những năm tháng chiến tranh gian khó, mà mỗi lần nhắc lại cứ thấy rưng rưng…

Nhà thơ Tạ Hữu Yên và tác giả

Bác Yên (chị em tôi thường gọi nhà thơ Tạ Hữu Yên thân mật như thế) hơn cha tôi 3 tuổi. Hồi đó, họ cùng làm việc tại Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, trực thuộc Tổng cục Chính trị (32 Lý Nam Đế, Hà Nội). Vào những năm 1971- 75, cha tôi và bác Yên được biệt phái làm việc với Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam (58 phố Quán Sứ, Hà Nội) trong chương trình Phát thanh Binh vận. Đó là chương trình đã có những đóng góp tích cực trong cuộc đấu tranh giải phóng Miền Nam và thống nhất đất nước.

Lúc đó bác Tạ Hữu Yên phụ trách “Trang văn nghệ” còn cha tôi (soạn giả Trương Phú Xuân) phụ trách “Mảng Liên Khu 5”, với những lời ca bài chòi, ca vọng cổ… liên tục được phát trên sóng của đài phát thanh. Còn nhớ, ngày đó đã được chị em nghệ sĩ Ái Vân, Ái Xuân cũng như nhiều giọng ca cải lương khác là Thúy Đạt, Trang Nhung… thể hiện rất thành công…

Thời đó, gia đình bác Yên sống trong một ngôi nhà chưa đầy 9m2 trên đường Trương Định. Căn hộ nhỏ như một căn phòng, mà chị em tôi vẫn thường ghé chơi và ăn cơm “ké” ở nhà bác. Nhà thơ Tạ Hữu Yên sống cùng cô con gái đang tuổi đi học, còn bác gái thì vẫn ở quê, thỉnh thoảng hai bố con lại dắt díu nhau về Ninh Bình thăm mẹ.

Có một chuyện về nhà thơ Tạ Hữu Yên mà tôi vẫn nhớ, đó là đợt bác bị bệnh gan phải đưa đi bệnh viện điều trị mà gia đình không hay biết. Cho đến khi trong một chương trình phát thanh, do sơ suất của bộ phận kỹ thuật, nên một chú trong ê kíp của đài buột miệng nói thông tin “Nhà thơ Tạ Hữu Yên ốm nặng”, câu nói ấy đã được phát sóng rộng rãi và chính bà con tại làng quê Ninh Bình qua đài nghe được tin này, đã báo lại với bác gái, lúc đó bác gái mới tức tốc lên Hà Nội chăm sóc chồng…

Đối với riêng tôi, nhà thơ Tạ Hữu Yên như là một người thân thiết trong gia đình. Những ngày cha tôi đi công tác tại chiến trường Miền Nam, thì bác là người luôn đến động viên thăm hỏi mẹ con tôi. Bác thường nhận phần nhu yếu phẩm thời chiến được cơ quan phân phối là tiêu chuẩn của cha tôi đem về cho mẹ con tôi khi cha vắng nhà.

Chính vì những tình cảm thân thương đó, mà sau ngày miền Nam được giải phóng, khi gia đình tôi chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống, thì ngôi nhà sở hữu của cha mẹ tôi ở số 9- K23 khu Lắp ghép Trương Định,  đã được cha nhượng lại cho gia đình bác Yên vào năm 1976, với số tiền bằng với số tiền cha tôi mua 4 năm trước đó là 3.000 đồng.

2. Nhà thơ Tạ Hữu Yên là người sống rất tình nghĩa và trân trọng tất cả những kỷ vật của bạn bè. Ngay đến cái gương soi bé nhỏ treo trên tường cha tôi để lại bác cũng nâng niu quý giá.

Trận lụt năm 2008 là thiên tai chưa từng có ở Hà Nội. Căn nhà cũ của chúng tôi bên bờ sông Tô Lịch đã bị nước ngập cao hàng thước, đã làm cho cái gương soi bị bể, thế mà bác Yên còn bao gói cẩn thận, cất kỹ trong tủ cho đến khi gặp tôi bác mới đem ra… Điều đó làm cho tôi thực sự cảm động.

Bác nói rằng không quên được những kỷ niệm của những năm tháng cùng làm việc với cha tôi, những năm tháng đầy gian khổ, nhưng cũng ăm ắp niềm tự hào.

Sau này, tôi đã nhiều lần trở lại thăm căn nhà từng gắn bó với tuổi thơ của mình. Nhiều lúc tôi cứ tiếc cho khung cảnh khi xưa, lúc đó trước sân nhà nào cũng có một vườn rau trồng đủ loại rau xanh, nào là cải xanh, rau muống, su hào, xà lách…

Đặc biệt, hấp dẫn tôi nhất vẫn là các loại hoa, mà mùi hương thanh cao tao nhã luôn cuốn hút tôi mỗi buổi sáng sớm tinh mơ thức dậy tập thể dục và đi một vòng khu phố trong lúc người lớn đang ngon giấc… Mùi thơm của hương hoa huệ trắng tinh khiết đẫm sương ngày đó cứ theo tôi đến mãi tận sau này, thỉnh thoảng len lỏi cả vào trong những giấc mơ.

Tôi tiếc bởi vì cái không gian êm đềm đó giờ đây đã được tận dụng hết để cơi nới xây thêm phòng ốc theo nhu cầu của cuộc sống. Thế là ngôi nhà khi xưa của gia đình tôi giờ đây diện tích đã được tăng gấp đôi và nhà thơ Tạ Hữu Yên đã sống 4 thế hệ trong ngôi nhà đó.

Chính căn gác nhỏ yên tĩnh phía trên từng là “giang sơn” của tôi hồi bé lại được bác Yên chọn làm nơi nghỉ ngơi đồng thời nới rộng thêm phía ban công bên ngoài thành một phòng nhỏ đủ kê một chiếc bàn làm việc để sáng tác và tiếp khách cùng bạn bè văn chương. Cũng chính từ căn gác nhỏ này mà nhà thơ Tạ Hữu Yên đã cho ra đời nhiều tác phẩm nổi tiếng có giá trị trong đó có bài thơ Anh về cùng mùa hoa, nói về cây đào Tô Hiệu đã được chọn in trong sách giáo khoa được nhiều thế hệ học sinh biết đến.

Rớt xuống trang thơ tôi/ Cánh hoa đào phớt đỏ/ Chiều Sơn La lặng gió/ Tôi nghe hoa thì thầm/ Tôi nghe nụ nảy nầm/ Từ kẽ tường nhà ngục ..

3. Lần nào gặp tôi, nhà thơ Tạ Hữu Yên cũng rất vui. Tuy đã gần 90 tuổi nhưng bác cũng còn rất minh mẫn, chỉ có đôi chân là hơi yếu. Những lần trước tôi từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội, thế nào bác Yên và chị Hương (con gái duy nhất của bác) cũng dẫn tôi ra hàng phở gần nhà và cứ ép tôi ăn thật nhiều.

Bác và chị Hương hay kể chuyện ngày xưa cho tôi nghe, những chuyện liên quan đến cha mẹ tôi và chị em tôi thời thơ ấu. Lúc nào tôi cũng nhớ hình ảnh của bác mỗi khi đến nhà mang giúp tiêu chuẩn nhu yếu phẩm hàng tháng của cha từ đơn vị về cho mấy mẹ con tôi lúc cha đi công tác. Cho đến giờ, bác Yên vẫn gần gũi và thân tình như ngày nào. Nghe tôi ngỏ ý muốn tìm lại tư liệu là những bài vọng cổ và bài chòi của cha còn lưu giữ tại Đài Phát thanh thì bác ủng hộ ngay.

Kỷ niệm giữa bác Tạ Hữu Yên với cha tôi và gia đình tôi thì nhiều lắm, những năm chiến tranh gian khổ chúng tôi như những người ruột thịt, bác Yên và cha tôi đã chia sẻ cho nhau từng phần tem phiếu tiêu chuẩn mua thịt, đường, nhường nhau từng cái áo may ô… Khi còn ở trong căn nhà nhỏ mà Hà Nội ngày ấy đến nước máy cũng rất hiếm hoi, Chị Hương con bác chiều nào cũng đi bộ qua nhà tôi (là nhà Bác Yên bây giờ) để nhờ tắm giặt và ngồi trò chuyện cùng mẹ tôi cho đến tối mịt mới về nhà.

Bây giờ thì nhà thơ Tạ Hữu Yên đã đi xa, rất xa rồi. Nhưng từ những ngôi nhà nhỏ bé thiếu tiện nghi với một cuộc sống thanh đạm của Người Thơ bác cũng đã để lại cho đời sau nhiều tác phẩm có giá trị, những tác phẩm âm nhạc được phổ từ thơ Tạ Hữu Yên như  Đất nước của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, Đôi dép Bác Hồ của nhạc sĩ Văn An… sẽ mãi mãi còn được ngân vang. Từ phương Nam xa xôi cháu xin được gởi đến bác nén hương và tấm lòng thành kính, nguyện cho linh hồn bác được mãi mãi bình yên tại quê nhà Ninh Bình, nơi mà bác đã được sinh ra và chọn làm điểm dừng chân cuối cùng trong cuộc hành trình ngắn ngủi của đời người.

Lễ viếng nhà thơ Tạ Hữu Yên sẽ diễn ra vào sáng 3/6 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, 5- Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Nhà thơ Trương Nam Chi (Hội Nhà văn TP HCM)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm