Những huyền thoại về 'chim Chơrao'

17/06/2013 08:07 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm nay, 17/6, tròn 10 năm nhà thơ Thu Bồn - trái tim “chim Chơrao” của thơ ca Việt Nam ngừng đập. Thời gian như cái chớp mắt nhưng hình ảnh con người và tác phẩm của Thu Bồn thì còn mãi trong tâm trí mọi người.

Nhiều giai thoại được kể ra trong dịp này như “gói nhân tình” của người đang sống dành cho Thu Bồn, dù thời gian vèo bay đã 10 năm rồi.

Máu lũ làng trên Bài ca chim Chơrao 

Nhà thơ Thu Bồn
Thật vậy, Thu Bồn gia nhập thiếu sinh quân biệt động đội Điện Bàn, Quảng Nam năm 1947 khi ông vừa 12 tuổi. Từ đó đến khi rời quân ngũ vào năm 1980, Thu Bồn đã trực tiếp chiến đấu tại các chiến trường khốc liệt, như: Tây Nguyên, Quân khu 5, Campuchia và biên giới phía Bắc chống quân bành trướng Bắc Kinh xâm lược lúc đó. Văn chương của Thu Bồn ra đời theo những chiến trường mà ông trải qua.

Về  tác phẩm tiểu biểu, trường ca Bài ca chim Chơrao của Thu Bồn ra đời trong hoàn cảnh bom đạn và máu lửa. Năm 1962, Thu Bồn nhờ nhà thơ Thanh Hải đem trường ca này, được viết trong tập vở học trò, ra Bắc. Thanh Hải đi biệt tăm cùng với Bài ca chim Chơrao không một tin hồi đáp. Mãi đến năm 1965, Thu Bồn gặp một đoàn cán bộ vào Nam công tác có mang theo báo Văn nghệ in trường ca này bằng một phụ trang riêng. Người mang theo tờ Văn nghệ cho Thu Bồn năm đó chính là nhà báo Đinh Phong – nguyên Phó Giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM sau này.

Cầm tờ Văn nghệ, Thu Bồn băng rừng 15 ngày đến làng Đêpapơlênh – nơi Bài ca chim Chơrao ra đời để khoe với lũ làng. Nào ngờ làng vắng ngắt vì đi sơ tán B-52 đến trưa mới kéo về theo tiếng gọi của Thu Bồn vọng vào rừng thẳm. Niềm vui chưa được bao lâu thì tan biến, Thu Bồn kể lại trong tự truyện Bài ca chim Chơrao và trái tim tôi: “Một đợt bom như bất tận rung lên trong óc tôi. Thế là trong phút chốc cả nhà rông tan biến, cùng tờ Văn nghệ với balo đồ đạc và đau khổ hơn là máu. Máu của lũ làng đã đổ”.

Chuyện chép ở nhà tang lễ

Dân gian có câu “cái quan luận định”, tạm hiểu “khi người chết rồi mới đánh giá được khi xưa họ sống thế nào”.

Trong lễ tang nhà thơ Thu Bồn 10 năm trước, nhà thơ Hữu Thỉnh thay mặt Hội Nhà văn Việt Nam đã nêu: “Nhắc đến Thu Bồn, người ta nhắc đến một tài năng vạm vỡ, một sinh lực tràn đầy, một người triệt để trong ý nghĩ và hành động, một người luôn phát quang để vượt lên phía trước… Thu Bồn là nhà thơ tài hoa, một người dồn đúc nhiều tài năng trong một tài năng… Thu Bồn là một trong những nhà văn xuất sắc nhất của thế hệ các nhà văn chống Mỹ, là nhà văn hàng đầu của mảng văn học chiến tranh nhân dân và quân đội cách mạng”.

Lúc 9h30 sáng nay 17/6, tại rạp chiếu phim BHD, lầu 4 tòa nhà Bitexco (2 Hải Triều, Q.1, TP.HCM), nhà văn Ngô Thảo và Nguyễn Tiến Toàn tổ chức buổi ra mắt sách Thu Bồn - Tráng sĩ hề… dâu bể và kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông. Đến tham dự có rất đông bạn bè, đồng nghiệp và những người yêu quý tác phẩm và con người của nhà thơ Thu Bồn

Trong lễ tang nhà thơ Thu Bồn qua đời, theo tổng kết của nhà thơ Nguyễn Duy: có khoảng 300 vòng hoa của tập thể, cá nhân từ mọi miền đất nước. Năm đó, nguyên Chủ tịch nước Võ Chí Công đã 92 tuổi, là thủ trưởng cũ của Thu Bồn, cũng nhờ người dìu đến viếng Thu Bồn tại Nhà tang lễ TP.HCM. Cụ Võ Chí Công viết trong sổ tang: “Thu Bồn sống để chiến đấu và làm thơ. Thơ Thu Bồn sống mãi với nhân dân và người chiến sĩ”.

Khi đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Minh Triết đến viếng Thu Bồn xong nói với nhà thơ Nguyễn Duy: “Tôi tự thấy mình quan liêu, không biết được những năm vừa qua Thu Bồn sống khó khăn như thế”.

Cuối đời, Thu Bồn sống ở suối Lồ Ồ, Q.9, TP.HCM trong căn nhà do tự tay ông xây dựng. Nhà văn, thiếu tướng Nguyễn Chí Trung vừa là đồng đội và đồng nghiệp của Thu Bồn ở nhiều đơn vị, nói: “Tôi được phong thiếu tướng. Thu Bồn vẫn trung tá. Nhưng Thu Bồn không bận tâm chuyện đó, cứ mải mê sống, mải mê viết và mải mê yêu…”. Vâng, bạn bè và người tình của Thu Bồn cũng nhiều và đẹp như những câu thơ của ông còn để lại cho đời.

Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm