'Những giấc mộng đêm Hè' - 'Cuộc chơi' không toan tính

19/08/2013 07:50 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Tối 17/8, với chương trình Những giấc mộng đêm Hè, khán giả tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã có một đêm mộng trong nhạc, với những giấc mơ không ai giống ai khi nghe 3 ca sĩ Tùng Dương, Hải “Bột” và Phạm Thu Hà “phiêu” trên sân khấu.

Một sự trùng hợp lý thú, ê - kíp tham gia chương trình đều là những gương mặt đã giành giải/ được đề cử giải Âm nhạc Cống hiến của TT&VH: Quốc Trung - Nhạc sĩ của năm; Phạm Thu Hà - chủ nhân giải Album của năm; Tùng Dương - giải Ca khúc của năm (giải Cống hiến lần 8 - 2013). Còn Hải “Bột” có thể xem là một “phát hiện” thú vị của Cống hiến lần 7 với đề cử Album của năm cho Quái vật tí hon.

Từ “toan tính” của Quốc Trung

Như nhiều chương trình trước đây: Cầm tay mùa Hè, Khởi nguồn, Những giấc mộng đêm Hè là một trong những “cuộc chơi” không toan tính của đạo diễn âm nhạc Quốc Trung. Đó là bởi năm nào, anh cũng nhằm đúng tháng 7 “cô hồn” để làm chương trình. Chưa kể, đời sống hiện nay bên cạnh sự khó khăn về vật chất nhưng cũng không thiếu những món ăn tinh thần đầy cám dỗ có thể lôi cuốn khán giả, nhất là vào cuối tuần. Thậm chí, Quốc Trung không phủ nhận mình là kẻ ‘tiếp tay” cho những “cám dỗ” như thế. Nhưng, cũng trong những cám dỗ ấy, Quốc Trung vẫn chọn cho mình một tối thứ 7 để mộng với nhạc vì với anh, sự trải nghiệm trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội là một sự trải nghiệm thật khác biệt. 



Phạm Thu Hà và Tùng Dương song ca trong Những giấc mộng đêm Hè.

Nói vậy chứ thực ra Quốc Trung vẫn... toan tính. Chỉ có điều anh toan tính cho âm nhạc. Nếu ai đã từng xem những chương trình do Quốc Trung thực hiện từ trước đến nay đều có thể thấy không chương trình nào giống chương trình nào nhưng đã “made by” Quốc Trung thì những chương trình như vậy chỉ có một không hai. Cái độc, lạ, ở mỗi chương trình luôn xuất phát từ chính những nghệ sĩ tham gia. Với Những giấc mộng đêm Hè, Quốc Trung xác định với ba màu sắc của Công Hải (Hải bột), Tùng Dương và Phạm Thu Hà, đây là một đêm nhạc kén khán giả.

Mà kén khán giả là phải. Vì có lẽ ngoài Tùng Dương đã quá đi vào lòng công chúng, Công Hải và Phạm Thu Hà vẫn còn trong cái nhìn rất mới của khán giả về tên tuổi và cũng như âm nhạc mà họ đang theo đuổi.

Công Hải là một nghệ sĩ du ca thế hệ mới, vừa sáng tác vừa chơi đàn rất hay. Hải hát rock đầy tự sự, triết lý mà cứ tưng tửng trong từng câu hát. Còn Phạm Thu Hà, với phong cách bán cổ điển, cô đang từng bước khẳng định mình với những sản phẩm âm nhạc giao thoa. Và tựu chung, những gương mặt nghệ sĩ của Những giấc mộng đêm Hè đều chọn cho mình một con đường “độc đạo”.

Đến những con đường “độc đạo”

Mặc dù là nghệ sĩ có thời gian đứng trên sân khấu lâu nhất, trình diễn với những sắc màu âm nhạc đa dạng nhất từ jazz trong Thu cạn, Cỏ và mưa đến Độc đạo, Thể đơn bào trong album sẽ phát hành tháng 10 tới cho đến Sen hồng hư không, Mưa bay tháp cổ, Bài ca trên núiTrời cho nhưng dường như khán giả vẫn chưa hết ‘thỏa mãn” với Tùng Dương.

Trên sân khấu, Tùng Dương bùng cháy bao nhiêu thì ở dưới, khán giả cũng không ngừng tán thưởng anh bấy nhiêu. Họ hát theo anh, hứng khởi với phần trình diễn sung đến mức rơi cả micro của anh. Mỗi khi anh nhường sân khấu cho đồng nghiệp hay dừng lại, khán giả lại “gào thét”: “Hay quá, quay lại đi, hát Chiếc khăn Piêu đi...!”.

Nhưng khán giả cũng không thể quên một Hải “bột” với Họp hành giải quyết công văn/ Học hành thì đói nhăn răng/ Vì đời/ Học không đi với hành đâu/ Hơ ơ chuyện vui buồn trò chơi ơi/ Ai ai ơi trò chơi là trời cho (ca khúc Vì đời) hay màn song ca của anh với Tùng Dương trong Tình yêu ở lại. Ngay khi anh kết thúc phần trình diễn này, một số khán giả quay sang nói về việc... đi mua đĩa của anh.

Ca sĩ dòng bán cổ điển Phạm Thu Hà xuất hiện với tư cách khách mời của chương trình nhưng có lẽ nếu thiếu cô thì đêm nhạc rất có thể bớt “lung linh” cả về thanh lẫn sắc. Lúc đầu, khi Phạm Thu Hà hát Bài hát ru cho anh, Ru anh,Có một chút với phong cách pop bán cổ điển, khán giả chưa thực sự “vào cuộc” và nói với nhau “thể loại này không dễ nghe”. Nhưng sau màn khuấy động khán phòng với Harem (Sarah Brightman), họ đã gọi tên Phạm Thu Hà khi cô hát Time to say goodbye với Tùng Dương.

Nói như Tùng Dương, trong sự nghiệp của mỗi người, để đến với một con đường lý tưởng có lẽ có nhiều cách nhưng với nghệ sĩ thì chỉ có một con đường duy nhất là đeo đuổi niềm đam mê, cống hiến hết mình với sự sáng tạo. Đó cũng chính là con đường độc đạo. Và Những giấc mộng đêm Hè là một con đường như thế của các nghệ sĩ. Tuy nhiên, chắc chắn những nghệ sĩ như vậy đã và sẽ không hề “đơn thương độc mã” trên con đường của mình đã chọn. Vì minh chứng là khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội tối 17/8 không còn chỗ trống.

Lam Anh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm