Những đồng tiền không chính thống (3)

16/07/2013 19:05 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sự xuất hiện của đồng tiền, trong nhiều giai đoạn, gắn chặt với những thăng trầm, biến thiên của lịch sử Việt Nam.

Lần trước chúng ta đã đề cập đến những đồng tiền của Trần Cảo (*), một người khởi nghĩa vào năm 1517, phát hành hai đồng tiền Thiên Ứng Thông Bảo và Phật Pháp Tăng Bảo. Sự kiện này được đề cập trong sách Lịch sử tiền đồng Việt Nam của Allan Berker. Trong Đại Việt Sử ký Toàn thư và các sách lịch sử Việt Nam cho biết: Vào tháng 3 (âm lịch), Trần Cảo là người ở trang Dương Châu, huyện Thủy Đường và Đông Triều, tự xưng là Đế Thích giáng sinh, lập niên hiệu Ứng Thiên. Ngày 1 tháng 4 (âm lịch) đem quân đến bến Bồ Đề. Nhà vua thân chinh đàn áp Trần Cảo lui về Trâu Sơn. Ngày 11/4 (âm lịch) Trần Cảo chiếm kinh thành. Nhà vua từ Tây Đô huy động quan quân, gửi hịch các phủ huyện kêu gọi đánh dẹp Trần Cảo, Trần Cảo bị bao vậy trong thành, mở cửa chạy qua sông Thiên Đức, lên miền Lạng Sơn cắt tóc đi tu (theo Biên niên sử cổ trung đại Việt Nam, NXB KHXH 1967). Như vậy đồng tiền Thiên Ứng Thông Bảo được Trần Cảo phát hành khi tiến đánh Thăng Long, xưng là Đế Thích, lấy niên hiệu Thiên Ứng. Đồng tiền Phật Pháp TăngBảo phát hành vào cuối cuộc khởi nghĩa, khi Trần Cảo cắt tóc đi tu, mặc dù đi tu nhưng thế lực của ông ta còn rất mạnh, vì cũng theo sách lịch sử thì thế lực họ Trịnh (Trịnh Duy Sản) đã giết vua Lê Tương Dực, lập vua Lê Chiêu Tông đã họp quân ở Thanh Hóa chống Trần Cảo.


Đồng tiền An Pháp Nguyên Bảo, loại to

Tuy nhiên vấn đề không kết thúc ở đây, theo Allan Berker, con trai Trần Cảo là Trần Thăng có thể tiếp tục binh quyền, và phát hành đồng tiền Tuyên Hòa Hựu Bảo, các sách về lịch sử tiền Việt Nam (như của Gosen và Ding Phu Bao) giới thiệu đồng tiền này có năm 1517. Cũng theo Allan Berker, đồng tiền Tuyên Hòa Hựu Bảo không được xem xét một cách truyền thống là đồng tiền có giá trị ở Việt Nam. Nhưng đồng tiền này ngày nay rất khó tìm, và trên thị trường phải mua với giá cao.

Triều đại của vua Lê Lợi kéo dài được trăm năm (1427 - 1527), thì bị nhà Mạc cướp ngôi. Trong sử sách Việt Nam, nhà Mạc tồn tại từ năm 1527 đến năm 1592 thị bị Trịnh Tùng con trai của Trịnh Kiểm, phò tá con cháu vua Lê tấn công và đuổi khỏi kinh thành Thăng Long, kể từ đó nhà Mạc coi như kết thúc. Sách Lịch sử tiền đồng Việt Nam của Allan Berker cũng viết những điều tương tự. Nhưng sau khi con cháu nhà Mạc chạy lên Cao Bằng và dựa vào thế lực của nhà Minh bên Tàu, thì có vài đồng tiền có thể được phát hành, đó là các đồng An Pháp Nguyên Bảo, Thái Bình Thông Bảo và Thái Bình Thánh Bảo. Chúng tôi nhấn mạnh đây là sự kiện có thể, còn mối quan hệ thực sự giữa thế lực Mạc Cao Bằng với ba đồng tiền đó chưa có sự hiểu biết sâu sắc. Ngoài ra còn ba đồng tiền nữa cũng có thể được coi là của họ Mạc thời gian ở Cao Bằng, đó là các đồng Khai Kiến Thông Bảo, Sùng Minh Thông Bảo và Chính Nguyên Thông Bảo.





Đồng tiền Thái Bình Thông Bảo

Cuộc chiến năm 1592 ở Thăng Long diễn ra cũng phức tạp. Tháng Giêng năm đó Trịnh Tùng vây được Thăng Long, san phẳng hào lũy rồi lại phải rút quân. Đến cuối năm, tháng 11 (âm lịch), Trịnh Tùng đánh tràn vào Thăng Long, Mạc Mậu Hợp phải chạy trốn, sang tháng Chạp thì bị bắt ở Kinh Bắc, bị tra tấn và hành hình ở Thăng Long, chấm dứt tình trạng Nam - Bắc triều. Tuy nhiên tàn quân nhà Mạc còn chiếm Lạng Sơn, Hà Bắc, Thái Nguyên, Cao Bằng. Đến năm 1677, quân Trịnh mới dứt điểm được quân Mạc ở Cao Bằng, kể từ Mạc Kính Dụng đến Mạc Kính Vũ là ba đời, 85 năm, đất đai các miền phía Bắc do quân Mạc cát cứ thu hồi trở lại nhà Lê Trịnh. Những đồng tiền trên có lẽ được phát hành trong thời gian đó chủ yếu ở các vùng miền phía Bắc mà mà quân Mạc cát cứ.

Đồng tiền An Pháp Nguyên Bảo được tranh cãi rất nhiều, chúng từng xuất hiện với số lượng lớn giống nhau, nhất là những xu nhỏ, và không chỉ có mặt ở Cao Bằng, mà còn thấy ở Hà Tiên, một tỉnh cực Nam. Trong nghiên cứu của Toda về hệ thống tiền tệ của Việt Nam (xem bài 1 trong loạt bài Những đồng tiền không chính thống, TT&VH Cuối tuần số 25), có ý kiến cho rằng, đồng An Pháp Nguyên Bảo từng xuất hiên thời Lê Lợi trong cuộc chiến tranh giành độc lập với nhà Minh, tuy nhiên theo Allan Berker, ý kiến này thiếu cơ sở.

Theo Allan Berker hai đồng tiền Thái Bình Thông Bảo và Thái Bình Thánh Bảo cùng truyền thuyết của chúng gắn liền với nhà Mạc ở Cao Bằng. Và chứng cứ có giá trị nhất là việc này được nhắc đến trong Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn. Trong Phủ Biên tạp lục, Lê Quý Đôn cho rằng việc dần củng cố quyền lực của các chúa Nguyễn đã dẫn đến phát hành đồng tiền tương tự như đồng Thái Bình Thông Bảo của nhà Mạc. Sự chính xác của thông tin này không rõ ràng, nhưng nó cũng đưa ra ý kiến về truyền thuyết đồng tiền nhà Mạc ở Cao Bằng.

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm