Những chiếc mặt nạ bất tử

28/08/2013 13:26 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cuối cùng, bao nhiêu chiếc mặt nạ chúng ta đeo vào, diễn đủ vai trò trên sân khấu đời người rồi cũng đến lúc cũ kĩ, mệt mỏi, phải trút xuống hết. Ở khoảnh khắc của cái chết, gương mặt chúng ta hiện nguyên hình, in hằn và chồng chất những dấu vết không thể xoá nhoà của một kiếp người. Liệu có cách nào ghi lại mọi ấn tượng này khi hoàng hôn đời người đã tắt bóng?

Vừa khi trút hơi thở cuối, đời sống của nhiều nhân vật lịch sử và kiệt xuất được “bất tử hoá” bằng những chiếc mặt nạ được khuôn đúc từ chính gương mặt thật của họ để cho hậu thế chiêm ngắm. Chúng được tạo ra bằng sáp hoặc thạch cao và thường được tạo ra ngay sau khi nhân vật qua đời (cũng có ít trường hợp mặt nạ được tạo ra khi nhân vật còn sống).

Trước khi kĩ thuật nhiếp ảnh phổ biến, thì ở phương Tây đắp mặt nạ người chết được dùng như một loại công cụ pháp y giúp cho thân nhân nhận dạng được người quá cố nếu người thân của họ là người bị mất tích. 


 
“Người đàn bà vô danh cùa sông Seine” (L'Inconnue de la Seine). Chiếc mặt nạ nổi tiếng này của cô gái chết trôi dưới dòng sông Sein và vô thừa nhận, sau đó trở thành vật thịnh hành treo trên tường nhà của giới nghệ sĩ vào thế kỉ 19.

Đời sống san bằng mọi người. Cái chết phơi mở sự ưu tú.

(Bernard Shaw)

Việc tái tạo gương mặt người chết là một tập tục cổ xưa trong mọi nền văn minh và văn hoá thế giới, từ Ai Cập cổ đại, châu Phi, châu Á, thổ dân Da Đỏ, Thái bình dương, v.v…, được coi là bộ phận quan trọng trong đời sống xã hội và tín ngưỡng. Một mặt để gia đình tưởng nhớ người quá cố, mặt nạ người chết còn đóng vai trò truyền thông giữa người sống và người chết trong tang lễ, tạo nên một “căn cước” mới và mang tính siêu nhiên cho người đeo nó, khoác lấy vai trò chiêu hồn hoặc để xua đuổi tà ma. Và chúng là công cụ giúp linh hồn người chết dễ bề vượt sang thế giới bên kia, và còn có màn múa mặt nạ để tránh sự báo thù của người chết, ngăn linh hồn không bị nguy cơ thành cô hồn lang thang.

Ở châu Á, như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản… việc bảo tồn nhục thân của các bậc chân tu là một truyền thống thịnh hành từ thời trung cổ, nguyên phát sinh từ việc tục sùng bái xá lợi Phật, và rồi dẫn đến việc bảo tồn nhục thân của các bậc cao tăng sau khi họ viên tịch bằng cách ướp xác. Trong đó phương tiện bảo quản đặc biệt bằng những lớp sơn mài đã khiến có thể giúp bảo tồn bền vững hình hài của họ. Điển hình cho kiệt tác này là nhục thân của Lục tổ Huệ Năng, hiện vẫn thờ và bảo tồn ở chùa Nam Hoa ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, từ thế kỉ thứ 8 đến nay kể  từ khi Huệ Năng viên tịch, thân thể và khuôn mặt ngài vẫn nguyên vẹn.
 


Khuôn mặt “đốn ngộ” của Lục tổ Huệ Năng (638-713)

Đặc biệt với kĩ thuật tái tạo gương mặt và in dấu chi tiết ba chiều đã thịnh hành kể từ thế kỉ 13 ở phương Tây, nhất là từ thời Phục hưng, những chiếc mặt nạ người chết để lại một “bản sao gốc”, chính xác từng đặc điểm, cho chúng ta thấy rõ những đặc trưng về tính cách của những nhân vật lịch sử. Những bí ẩn bao quanh những con người sừng sững của lịch sử cùng rất nhiều văn nhân, nghệ sĩ, thì những chiếc mặt nạ này có thể tiết lộ một số bí ẩn mà họ che đậy. Ngày nay, không chỉ dừng lại với mặt nạ người chết, với tiến triển vượt bậc của kĩ thuật trong ngành này, các bảo tàng tượng sáp Madame Tussaud trên khắp thế giới trở thành nơi thu hút những bí ẩn về những nhân vật nổi tiếng của thời hiện đại, như thể họ được “phục sinh”  đang sống và hiện diện bằng xương bằng thịt.

Lịch sử mặt nạ người chết mang sự tôn kính rất mực, vì gương mặt là biểu tượng và lưu giữ mãi cái ấn tượng cuối cùng cho cái phần tinh anh của con người, về những người mà chúng ta đã từng nghe biết đến, hoặc họ đã từng ghi dấu ấn trong tâm khảm của nhân loại. Chúng ta sẽ nhìn kĩ vào từng gương mặt để lại của những vĩ nhân này, và có vài lời ánh chiếu.

Nhà thơ, tiểu thuyết gia Đức, Goethe trước phút nhắm mắt về với bóng tối vĩnh cửu, ông vẫn đòi "Thêm ánh sáng" (Mehr Licht). Cái chết của ông minh chứng cho cả đời say mê những hiệu quả vật lý ẩn dụ của ánh sáng đối với con người, mà ông đã gửi gắm đặc biệt trong tác phẩm Lý thuyết về màu sắc. Di chúc của ông chỉ đích danh Mozart thực hiện kiệt tác Faust", "Lẽ ra Mozart phải soạn nhạc cho  Paust". Đáng tiếc, hai thiên tài này hầu như "bất phùng thời", Mozart đã qua đời trước đó 41 năm!

Phần 2: Chùm ảnh: Những chiếc mặt nạ bất tử

Hà Trọng Vũ (Nhà nghiên cứu)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm