“Những bức tường lửa” trong điện ảnh

21/04/2013 10:07 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện kiểm duyệt phim đang nóng lên khi bộ phim hành động võ thuật mới nhất của anh em nhà Charlie-Johnny Trí Nguyễn, Bụi đời Chợ Lớn không thể ra rạp trong tháng 4 này như kế hoạch. Không một nước nào trên thế giới cởi trói tự do 100% cho phim ảnh. Kể cả nước Mỹ – nơi có một hệ thống phân loại phim khá là chặt chẽ…

Phim ở Mỹ vẫn bị cấm như thường

Ở Mỹ, sự độc lập và quyền hạn về kiểm duyệt ở mỗi tiểu bang đều rất lớn. Lịch sử ghi nhận hành động đầu tiên của kiểm duyệt phim ở Mỹ là một đạo luật năm 1897 của tiểu bang Maine cấm trình chiếu loại phim về đấu quyền Anh lĩnh thưởng. Cụ thể là không cho phép trình chiếu trận tranh vô địch hạng nặng giữa James J. Corbett và Robert Fitzsimmons. Một số tiểu bang khác theo sau Maine. 

Bộ phim Jack Reacher mà Tom Cruise vừa diễn vừa đóng vai trò đồng sản xuất đã phải bị lui lại ngày ra mắt sau vụ một tay súng xả súng bắn chết 20 học sinh tiểu học ở Connecticut (Mỹ).

Siêu phẩm ăn khách The Birth Of A Nation (Sự ra đời của một quốc gia) của D.W.Griffith, là bộ phim nổi tiếng nhất trong giai đoạn này bị cấm ở một số tiểu bang: Ohio, Kansas, West Virginia… và các thành phố: Chicago, Las Vegas, Denver, Pittsburgh và St.Louis. Lý do là bôi nhọ người da đen và tôn vinh hội phân biệt chủng tộc Ku Klux Klan như những người hùng.

Đầu thập niên 1920, nước Mỹ chính thức có bộ luật kiểm duyệt phim ảnh được gọi là Production Code (Luật sản xuất), mà người biên soạn là luật sư Will H.Hays. Bộ luật sản xuất này đã đưa ra những điều luật vô cùng khắt khe, và nó “làm mưa làm gió” ở Hollywood gần nửa thế kỷ. Tuy nhiên sự hà khắc này lại kích thích sự sáng tạo của các nghệ sĩ để lách luật rất tài tình, mà bộ phim nghẹt thở nổi tiếng Psycho (Kẻ tâm thần) của “vua kinh dị” Hitchcock là một ví dụ kinh điển.

Những vụ bị cấm nổi tiếng bởi Luật Hays:

Bộ phim câm kinh dị Haxan (1922) của Thụy Điển bị cấm vì có nhiều cảnh khỏa thân và tra tấn.

Scarface (1932) bị cấm ở 5 thành phố và 5 tiểu bang vì “tô hồng bạo lực”.

Two-Faced Woman (1941) bị cấm ở New York vì chủ đề ngoại tình.

The Moon Is Blue (1953) bị cấm ở tiểu bang New Jersey vì nội dung khiếm nhã và khiêu dâm.

Ngay cả bộ phim tài liệu đoạt giải Oscar của Hãng Walt Disney, The Vanishing Prairie (1954) cũng đã bị cấm ở New York 2 năm, vì trong phim có cảnh… một con trâu chào đời! Lệnh cấm đã được dỡ bỏ sau khiếu nại thành công của Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ.

Victim (1961) bị cấm tại nhiều thành phố ở Mỹ vì là bộ phim tiếng Anh đầu tiên dám sử dụng từ… “đồng tính luyến ái”!…

Mãi đến giữa thập niên 1960, trước sức ép của các nghệ sĩ đòi hỏi phải nới lỏng và thay đổi các điều luật cổ lỗ sĩ của Luật Hays, cộng với sự ra đời của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPAA), Production Code đã chính thức bị khai tử, và thay vào đó là Hệ thống phân loại phim rất khoa học. Qua năm tháng, nó được cập nhật và thay đổi liên tục để có được diện mạo tương đối hoàn chỉnh như ngày nay.

Tuy nhiên, kỷ nguyên Hệ thống phân loại phim cũng chứng kiến không ít những phim bị cấm:

Bộ phim nổi tiếng của Pháp Viva Maria! (1965) với ngôi sao Brigitte Bardot bị cấm ở Dallas 3 năm (1966 – 1968) vì nội dung tình dục và chống Công giáo, trước khi Tòa án Tối cao Mỹ bác bỏ lệnh cấm, và hạn chế khả năng của các thành phố cấm các bộ phim dành cho người lớn.

Bộ phim tài liệu Titicut Follies (1967) bị tòa án cấm toàn diện trên đất Mỹ đến năm 1991, vì vi phạm sự riêng tư của các tù nhân tại các nhà tù được quay.

Phim hài Monty Python’s Life Of Brian (1979) bị cấm ở một số thành phố vì gây tranh cãi về chủ đề Ki-tô giáo.

The Last Temptation Of Christ (1988) của Martin Scorsese bị chính quyền cấm chiếu ở thành phố Savannah, bang Georgia. Nhưng sáu tuần sau lệnh cấm được hủy sau các buổi ra mắt khá thành công ở các tiểu bang khác và trên toàn thế giới.

Bộ phim đoạt giải Cành cọ Vàng của Đức, The Tin Drum (1979) bị cấm một thời gian ngắn ở thành phố Oklahoma, khi một thẩm phán của tòa án coi là bộ phim khiêu dâm trẻ em. Sau nhiều kiện tụng, bản án đã được gỡ bỏ.

Phim The Profit (2001) bị cấm chiếu suốt 6 năm (2002 - 2007) vì giáo phái Scientology kiện bộ phim có thể làm ảnh hưởng sai trái tới họ.

Ngoài việc kiểm duyệt còn vô số những nguyên nhân khác liên quan đến thiên tai địch họa, khiến bộ phim phải hoãn chiếu làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu phát hành của bộ phim. Vụ khủng bố ngày 11/9/2001 đã làm hàng loạt phim phải dời lại ngày chiếu. Siêu phẩm Spider-Man cũng phải quay lại vì cảnh cuối liên quan tới tòa tháp đôi.

Trong số các “nạn nhân” của thảm họa 11/9 có bộ phim rất quen thuộc với khán giả Việt Nam, Người Mỹ trầm lặng. Với nội dung không có lợi cho hình ảnh nước Mỹ lúc ấy, bộ phim không biết đến bao giờ mới thu hồi đủ vốn! Ảnh hưởng nặng nề từ doanh thu của Người Mỹ trầm lặng đã nhấn chìm tương lai của một số người.

Hay như cuối năm 2012 mới đây, vụ xả súng bắn giết 20 học sinh tiểu học ở Connecticut (Mỹ), khiến nhà sản xuất của bộ phim hành động Jack Reacher của Tom Cruise phải đổi ngày công chiếu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của bộ phim khá hấp dẫn này. Trước đó bộ phim hành động Gangster Squad cũng phải dời ngày phát hành sang đầu năm 2013 vì vụ xả súng trong rạp chiếu phim ở Denver tháng 7/2012 làm 14 người chết. Gangster Squad may không thất bại, nhưng cũng không có được doanh thu như ý!

“Tường lửa” ở những quốc gia khác

Quốc gia nào cũng có luật kiểm duyệt riêng của mình. Việc bộ phim được chiếu ở nước này nhưng cấm chiếu ở nước khác cũng là chuyện bình thường. Quan trọng là bộ phim có phù hợp với thuần phong mỹ tục, chính trị hay tôn giáo của nước đó hay không. Dưới đây xin điểm qua một vài phim nổi tiếng bị cấm chiếu ở các nước có thể làm mọi người bất ngờ.

Siêu phẩm vĩ đại đoạt 11 giải Oscar Ben-Hur (1959) bị cấm chiếu vĩnh viễn ở Trung Quốc vì tuyên truyền đức tin một cách mê tín, cụ thể là đạo Thiên Chúa.

Phim hay nhất của mọi dân tộc, mọi thời đại, Chiến hạm Potemkin (1925) bị cấm chiếu ở Pháp một thời gian dài, do lo ngại rằng nó có thể truyền cảm hứng cho cuộc cách mạng. Phim này cũng bị cấm chiếu ở Đức (1933 - 1945) vì lo ngại nó có thể truyền cảm hứng cho chủ nghĩa Mác! Còn nước Anh cấm đến năm 1954 vì không muốn tuyên truyền cho Bôn-sê-vích!

Sau một buổi chiếu thử tại Ba Lan cuối năm 1940, lãnh tụ Joseph Stalin đã ra lệnh cấm chiếu bộ phim kinh điển Chùm nho uất hận (1940) vì bộ phim cho thấy rằng ngay cả những người Mỹ nghèo nhất… vẫn có thể đủ khả năng mua một chiếc ô tô!

Phim đầu tiên về thảm họa Titanic (1943) đã bị phát xít Đức cấm vì tạo cho khán giả sự chán nản.

Phim đoạt 7 giải Oscar Bản danh sách Schindler (1993) bị đất nước Hồi giáo, Indonesia từ chối chiếu vì bộ phim có tình cảm quá nghiêng về dân Do Thái.

Một đất nước khá thoáng về tình dục như Ý, sau khi cho chiếu bộ phim Last Tango In Paris (1972) của đạo diễn Ý Bernado Bertolucci, ở rạp được 6 ngày nhưng đạt doanh thu khủng chưa từng có lúc ấy (100.000 USD), đã vội vã cấm cửa bộ phim kinh điển này trong gần 15 năm (1972 - 1986), với lý do phim quá khiêu dâm!

Bộ phim đoạt Cành cọ Vàng và nhiều giải Oscar Apocalypse Now (1979) đã bị Tổng thống Park Chung Hee cấm chiếu tại Hàn Quốc vì chủ đề phản chiến của nó.

Bộ phim “bom tấn” về Ngày tận thế 2012 (2012), đã bị cấm ở Bắc Triều Tiên vì năm 2012 trùng hợp với sinh nhật lần thứ 100 của lãnh tụ vĩ đại Kim Nhật Thành, và cũng là năm được chỉ định “cho việc mở cửa lớn để trở thành một siêu cường đang lên”, sao gọi là ngày tận thế được?!.

Bá Vũ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm