21/05/2013 12:21 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Bất chấp cái nắng gắt giữa trưa Hè, hôm 16/5, hàng ngàn đồng nghiệp, học trò và người hâm mộ đã đến viếng, tiễn biệt NSƯT Bích Được - một trong các diễn viên (DV) gạo cội cuối cùng của Cải lương Việt Nam qua đời. Bà là một nhân chứng thời hoàng kim của sân khấu, 87 tuổi còn lưu nhan sắc của đào võ nổi danh, một người Hà Nội.
NSƯT Bích Được
NSƯT Khánh Hợi (SN 1923) - vợ của NSND Sỹ Tiến (1916 - 1982, giải thưởng Hồ Chí Minh đợt IV, 2012), đang sống tại Paris, đã bật khóc ngay khi nghe tin dữ. NSƯT Bích Được không chỉ là người em gái thân thiết trong nghề, gần gũi với gia đình bà, mà còn là một trong các nhân chứng ít ỏi cuối cùng của Cải lương Bắc một thời vang bóng.
1. Ê-kíp làm vở Kiều, tác phẩm kinh điển của cải lương Việt Nam - tác giả Sỹ Tiến (1916 - 1982) ra đi sớm nhất, rồi "Sở Khanh" (Sỹ Cát), "Hồ Tôn Hiến" (Triệu Tường) qua đời. Và giờ đến lượt "Hoạn Thư". Vai diễn Huy chương Vàng này là vai đỉnh cao của NS Bích Được.
Năm 1993, khi đoàn Chuông Vàng và Kim Phụng sáp nhập thành Nhà hát, vở Kiều của Sỹ Tiến tiếp tục được dựng lại, do NSƯT Tuấn Sửu, Sỹ Cát, Bích Được chỉ bảo cho lớp sau. Đây là vở chủ lực của đoàn hơn 50 năm qua. Ngay năm 1976, đoàn Chuông Vàng đã diễn và chinh phục khán giả TP Hồ Chí Minh bằng hàng trăm suất diễn, trong đó có đêm diễn thứ 1.000 kỷ niệm ngay tại Sài Gòn. Giới mộ điệu cải lương thực sự ngỡ ngàng thán phục ca vọng cổ tập thể - màn hát 6 câu dẫn chuyện mở màn.
2. Tôi rất ấn tượng về bà, bàn tay đẹp sửa móng kỹ càng, sơn móng tay màu sen bóng, tóc nhuộm đen chải chuốt, đeo kính mát, má phấn, thoa son nhẹ, thật kiểu cách và sang trọng, đúng là người Hà Nội phố cổ, dù già vẫn toát lên nét thanh quý, lịch lãm.
Hoàng Thị Được, cô bé ở ngõ Yên Thái, cũng theo nghiệp cải lương từ lúc niên thiếu. Là con gái duy nhất của gia đình (có anh và em trai), bé Được làm con nuôi nhà họ Trần và đổi họ theo bố nuôi. Cô gái Trần Thị Được lấy nghệ danh Bích Được, qua các ban hát: Trần Phềnh, Nhật Tân Ban, Quốc Hoa,Kim Chung.
Những người con gái Hà Nội phố cổ ấy trưởng thành qua nhiều ban hát, là các đào hát nổi danh khi tuổi thanh niên. Trước cách mạng 1945, không có liên hoan, hội diễn để trao huy chương, nhưng thế hệ họ là lứa đầu tiên, những ngôi sao thực tài sau bao năm vẫn thơm danh nhiều thế hệ.
Bích Được thông minh, có sắc, vũ đạo tốt, nhưng làn hơi ngắn, đây là hạn chế căn bản với yêu cầu của một DV ca - vũ. Song, Sỹ Tiến đã biến sở đoản này thành ấn tượng, khi ưu ái viết cho vai Hoạn Thư toàn bộ thoại, không cần hát. Mọi kỹ thuật đài từ dồn vào đối thoại của nhân vật "đẳng cấp ghen vô địch" này.
Thế hệ vàng hội tụ trong vở Kiều: Kim Xuân (Thúy Kiều), Tiêu Lang (Kim Trọng), Khánh Hợi (Tú Bà), Bích Được (Hoạn Thư), Tuấn Sửu (Từ Hải), Châu Thuận (Mã Giám Sinh) nhận Huy chương Vàng, Bạc tại Hội diễn Đại hội sân khấu chuyên nghiệp đầu tiên, năm 1962 tại Hà Nội.
Các cặp vợ chồng Sỹ Tiến - Khánh Hợi, Sỹ Hùng - Tường Vi, Tuấn Sửu - Bích Được, Tiêu Lang - Kim Xuân làm nên thời kỳ vàng son rực rỡ của Cải lương Bắc. Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam thành lập năm 1957, thì họ đã hoạt động từ trước đó 20 - 30 năm và đóng góp đến phút cuối đời mình.
Cùng đóng vở Kiều, vợ chồng NSƯT Tuấn Sửu - Bích Được còn diễn chung vở Bạch Xà nương (do Sỹ Tiến soạn, dựa theo tích Trung Quốc), Kim Xuân là Bạch Xà, Bích Được là Thanh Xà, Tuấn Sửu thủ vai phản diện Pháp Hải, chuyên đi theo quấy rối hai chị em. Dù vai nhỏ bà vẫn gây ấn tượng như vai A hoàn vở Nhị độ mai, hay Lã Bố vở Phụng nghi đình
Thời trẻ, chàng trai Hàng Giấy Trần Đình Sửu, tức NSƯT Tuấn Sửu (1925 – 1999) nức tiếng vai Triệu Tử Long, nên khi lấy Bích Được, họ đặt tên con trai trưởng là Trần Đình Triệu (1949). Sống tại phố Nguyễn Du rồi về phố Lữ Gia (Lê Ngọc Hân); từ 1957 - 1998, ông bà sống tại ngõ Nội Miếu (ngã ba Hàng Giày - Lương Ngọc Quyến) ngay gần rạp Chuông Vàng, nơi chứng kiến thời huy hoàng của họ.
Trong vở Tam khí Chu Du, Bích Được đóng cùng anh chồng - nghệ sĩ Mộng Dần (1922 - 1987, nổi tiếng vai Lưu Bị, Sỹ Tiến vai Chu Du, Sỹ Hùng vai Trương Phi). Là đào võ cao nghề, bà thủ vai Quan Bình (con nuôi Quan Công) chinh phục khán giả, làm nên danh tiếng một đại gia đình nghệ thuật. Từ 1999, Bích Được sống cùng gia đình con trai trưởng tại ngõ 15 phố Bùi Ngọc Dương, phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, bà vẫn giữ hộ khẩu ở quận Hoàn Kiếm để hàng tháng đi xe ôm lên lĩnh lương hưu, rạp Chuông Vàng gặp lứa diễn viên con cháu, qua thăm bạn cùng thời ngày một thưa vắng.
NSƯT Bích Được đang hóa trang vai Hoạn Thư trong rạp Chuông Vàng, bên trái là NSND Sỹ Tiến, phía sau là NSƯT Tường Vi |
Bích Được tự hào về sự thành đạt của các con, trong đó con gái cả NSƯT Trần Tuyết Minh (1944, nguyên giảng viên piano Nhạc viện Hà Nội) NSƯT Quốc Toản (1951, biên đạo múa, nguyên Phó giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long). Bà có 13 cháu, 12 chắt.
Nhớ quang cảnh tang lễ bà hôm 16/5 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Một đối lập gây xúc động, khiến mọi người đến tang lễ cảm thấy bà vẫn còn gần gũi. Trên cao, tấm ảnh nữ nghệ sĩ quá tuổi bát thập vẫn cười tươi rói. Đời thường, bà luôn hóm hỉnh, nhiệt huyết. Hình ảnh ấy lưu tâm trí cả những phút cuối cùng khi bà từ biệt mọi người.
Ngậm ngùi đọc điếu văn, NSƯT Trần Quang Hùng không cầm được nước mắt. Anh là học trò cưng chịu sự dạy dỗ nghiêm khắc của cô Bích Được mà thành đạt. Đọc xong, anh ra trước linh cữu cô giáo, đốt bản điếu văn. Tôi chưa từng thấy ai làm thế.
VI THÙY LINH
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất