07/09/2013 10:57 GMT+7 | Âm nhạc
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng nay 7/9, tại thành phố Vũng Tàu, gia đình, thân bằng quyến thuộc và bạn bè đưa tiễn nhạc sĩ Hoàng Hà đến nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang Long Hương thuộc thành phố Bà Rịa.
Đông đảo bạn bè và công chúng yêu âm nhạc tiếc thương một nhạc sĩ tài hoa đã để lại những giai điệu đẹp cho cuộc đời. Nhưng hơn thế nữa, có thể nói, nhạc sĩ Hoàng Hà là người đã sáng tác một ca khúc xứng đáng với tầm vóc của một sự kiện lớn của lịch sử dân tộc - ca khúc Đất nước trọn niềm vui.
Từ “Ánh đèn cầu Việt Trì”...
Trong cuộc đời sáng tác của mình, ông viết khá nhiều thể loại và ở mỗi thể loại đều để lại tác phẩm ấn tượng lớn với công chúng. Ca khúc thời chống Mỹ ông có Ánh đèn cầu Việt Trì, Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn… ca khúc thiếu nhi thì có Con mèo ra bờ sông. Ông còn viết nhiều nhạc cảnh, nhạc phim trong đó âm nhạc cho phim nhựa Người về đồng cói được giải A của Hội Điện ảnh.
Về âm nhạc “đỉnh cao”, ông có giao hưởng hợp xướng Côn đảo, tác phẩm viết về một địa danh lịch sử của dân tộc và là địa danh của quê hương thứ hai của ông, nơi ông đã sống hơn 1/4 thế kỷ vào cuối đời - đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Tác phẩm này đã đoạt giải thưởng đặc biệt của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1999).
Tuy nhiên, đông đảo công chúng yêu âm nhạc biết đến nhạc sĩ Hoàng Hà qua ca khúc Đất nước trọn niềm vui sáng tác trước thời điểm đất nước hoàn toàn thống nhất chỉ vài ngày (26/4/1975).
Ca khúc này được hát vang trong nhiều đêm biểu diễn của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp cũng như các buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng và phong trào ca hát đầy hưng phấn những ngày đầu đất nước mới thống nhất.
Phó
GS-TS Thế Bảo cho rằng: Đây là bài hát hay nhất về sự kiện ngày
30/4/1975, có thể nói nó là một “tượng đài âm nhạc” về ngày thống nhất
đất nước.
Đất nước trọn niềm vui được chắp cánh lần đầu tiên bởi giọng nam cao nổi tiếng thời bấy giờ - NSND Trung Kiên. Sau này nó trở thành ca khúc không thể thiếu trong các album “nhạc đỏ” của các ca sĩ theo phong cách thính phòng. Trong số đó, nó được xem là bài “hit” của NSƯT Tạ Minh Tâm.
Đến “tượng đài âm nhạc” ngày thống nhất đất nước
Điều quan trọng hơn, với giai điệu, ca từ và nhất là cảm xúc âm nhạc, Đất nước trọn niềm vui đã nói lên được không khí rộn ràng mê say, “đêm hoa đăng” của ngày hội toàn thắng: “Hội toàn thắng náo nức đất nước/ Ta muốn bay lên say ngắm sông núi hiên ngang/ Ta muốn reo vang, hát ca muôn đời Việt Nam/ Tổ quốc anh hùng”. Ca khúc cũng chứa đựng những hình ảnh vô cùng lãng mạn: “Ta muốn ôm hôn mỗi tấc đất quê hương/ Ta muốn ca vang bước chân những người chiến sĩ Giải phóng kiên cường”. Bài hát như một khúc khải hoàn làm mọi người ngất ngây trong không khí ngày hội lớn của dân tộc.
Phó GS-TS Thế Bảo cho rằng: “Đây là bài hát hay nhất về sự kiện ngày 30/4/1975, có thể nói nó là một “tượng đài âm nhạc” về ngày thống nhất đất nước”.
Còn nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha thì cho rằng: “Bên cạnh 2 ca khúc Như có Bác trong ngày đại thắng (của Phạm Tuyên, 29/4/1975) thể hiện niềm vui lớn của cả một dân tộc và Mùa Xuân đầu tiên (của Văn Cao, 1976) niềm vui đi vào sâu tận cõi lòng con người. Thì Đất nước trọn niềm vui của nhạc sĩ Hoàng Hà là một ca khúc rất đặc biệt. Có những đoạn ông chỉ dùng hư từ “hơ hơ…”, đó là những đoạn đầy cảm xúc thăng hoa mà lời ca không thể diễn đạt. Đất nước trọn niềm vui xét ở lĩnh vực ca khúc, nó là tác phẩm xứng tầm với sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc năm 1975”.
Hữu Trịnh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất