02/04/2013 07:39 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Như TT&VH đã đưa tin, nhà văn Võ Hồng - tác giả cuối cùng của thởi Tiểu thuyết thứ Bảy - đã qua đời ở tuổi 92 tại TP Nha Trang. Ông ra đi nhưng văn chương của ông đã để lại trong lòng người đọc nhiều thế hệ những dư vị về một thời tưởng đã lãng quên.
Từ năm 35 tuổi (1956) đến cuối đời Võ Hồng sống tại Nha Trang, nhưng ông sinh ra và lớn lên tại vùng đất Phú Yên và có lẽ cũng vì thế mà văn chương ông luôn đau đáu về vùng đất nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
18 tuổi - “hoa” nở trong “văn”
Nhà văn Võ Hồng - ảnh do gia đình nhà văn cung cấp |
“Năm 1939 khi đang học lớp Đệ Tam trường College Quy Nhơn, trong giờ Việt văn, thầy Trần Cảnh Hảo phê vào bài văn của Võ Hồng: “Tôi nhận thấy có vài đóa hoa trong bài của anh”. Anh học trò thấy vui vì lời khen của thầy hơn là phát hiện ra mình có khả năng văn chương” (Nguyễn Thị Thu Trang - Võ Hồng, nhà văn và tác phẩm).
Thời gian này, ông cùng bạn bè viết báo tường và ông chọn một trong số những truyện đó gửi cho Tiểu thuyết thứ Bảy (tờ báo có nhiều độc giả nhất lúc đó tại Hà Nội).
Hơn tháng sau truyện được đăng báo, có tên Mùa gặt ký tên Ngân Sơn (Ngân Sơn là tên làng của ông, phía sau tên Ngân Sơn, tòa soạn chú thích hai chữ: Trung Việt). Niềm vui của cậu học trò Võ Hồng với sự thành công khá bất ngờ. Ông kể lại cảm xúc của mình hồi đó: “Tối đó, tôi thích quá cứ lang thang hết đường Gia Long, rẽ qua Jules Ferry, xuôi Khải Định, rồi đi tuốt xuống biển ngồi… một mình” (Võ Hồng, trả lời phỏng vấn báo Tuổi xanh lơ số 1/1973).
Ông theo học Tú Tài ở Hà Nội, chưa tròn năm thì chiến tranh nổ ra, ông lên tàu về quê (1943) bỏ lại bao nhiêu mơ ước chưa hoàn thành. Có lần, trên căn gác vắng 53 đường Hồng Bàng (Nha Trang), chúng tôi hỏi ông về tác phẩm Mùa gặt, Võ Hồng cho biết: “Chừng năm ấy loạn lạc, tản cư, gồng gánh chạy giặc… sách vở cứ rớt dần dọc đường. Tờ Tiểu thuyết thứ Bảy cũng rớt mất… dĩ nhiên truyện thì còn in đậm trong đầu tôi. Nội dung tôi mô tả lại làng quê của mình, có con trâu, con bò, củ khoai củ sắn, cô chú bác trong làng, đám bạn nhỏ và sau đó là cảnh mùa gặt lúa ở nơi làng quê nghèo khó của mình. Truyện không có nhân vật, chỉ có cảnh con người tất bật với việc đồng áng. Chỉ có vậy…”.
Sau đó ông lặng lẽ dạy học, mãi đến năm 1959 ông mới in tập truyện ngắn đầu tay Hoài cố nhân.
Tác phẩm Võ Hồng để lại trong lòng người đọc nhiều dư vị. Có những độc giả, sau khi đọc truyện ông bỗng nhớ đến da diết về chốn quê hương cỏ lá. Có người vào thư viện đọc xong rồi xé vài trang truyện ông mô tả một làng quê với viên cốm đầu năm mới, mang về để thấy quê hương thật gần gũi bên mình, để tận hưởng hương vị ngày Tết cổ truyền dân tộc như thể mình đang sống trên mảnh đất còn đầy khốn khó này.
Một cuộc đời sống động
Từ năm 2006, nhà văn Võ Hồng bị bệnh nằm một chỗ, phải trông nhờ vào sự chăm sóc của một người học trò cũ và nay trở thành bạn vong niên. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, ông vẫn luôn sống trong cảnh cô đơn như thế. Năm 1957, vợ ông qua đời để lại cho ông 3 người con, lớn nhất 9 tuổi và nhỏ nhất 3 tuổi. Từ ngày vợ mất, ông sống cảnh “gà trống nuôi con”, dù Võ Hồng được nhiều “fan nữ” hâm mộ. Lý do đơn giản là ông sợ đi bước nữa sẽ làm khổ các con.
Sau này, các con đều lớn, ông vẫn sống vò võ một mình trong ngôi nhà im lặng ở số 53 đường Hồng Bàng, Nha Trang, một địa chỉ quen thuộc với bất kỳ độc giả nào mến mộ ông. Niềm vui của ông ngoài sách báo là những người yêu mến ông thường xuyên ghé thăm.
Năm 2009, Tủ sách Hoa hướng dương của nhà sách CADASA và NXB Văn học đã tái bản cùng lúc 6 tác phẩm, trong đó tác phẩm Một bông hồng cho cha nhận được sự ngưỡng mộ của đông đảo độc giả.
Một bông hồng cho cha là một tạp bút mỏng, viết về người ông, cha, mẹ và thầy. Trong đó có hai tạp bút viết về người cha, bằng một giọng văn chân chất giản dị đến từng câu, từng hình ảnh, gây xúc động, dẫu chỉ đọc một lần! Chỉ với vài trang, ông đã dẫn dắt độc giả tiếp cận hình ảnh người cha thay thế vai trò mẹ khi bên nôi con, đến hình ảnh người cha nghiêm khắc mong con khôn lớn, rồi bước qua tuổi trung niên, lần đến tuổi già: “Ngày Vu Lan, nhiều chùa tổ chức lễ hội Bông hồng cài áo. Hoa hồng tượng trưng cho mẹ. Ðể tỏ lòng thương nghĩ đến cha, nhiều nơi buộc thêm dải nơ tượng trưng cho cha. Cha còn: nơ xanh. Cha mất: nơ trắng. Lễ đường xếp thành bốn dãy, dãy cha mẹ song toàn: hoa hồng nơ xanh. Mẹ còn, cha mất: hoa hồng, nơ trắng. Mẹ mất, cha còn: hoa trắng, nơ xanh. Mẹ cha đều mất: hoa trắng, nơ trắng. Người dự lễ đứng theo hoàn cảnh của mình. Có lần, một em nhỏ tuổi chừng lên tám đứng trong hàng hoa trắng nơ trắng. Em nhìn quanh, tủi thân khóc òa và cả lễ đường cùng khóc òa theo”. Phải chăng, Một bông hồng cho cha xúc động người đọc vì Võ Hồng đã viết về chính thân phận của ông trong cảnh vừa đóng “vai cha” vừa làm “vai mẹ”?!
Đến trước khi mất, Võ Hồng đã in 30 cuốn sách thuộc nhiều thể loại: truyện dài, truyện ngắn, đoản văn, tùy bút, thơ… Tác phẩm Tiếng chuông chiêu mộ in năm 2005 được xem như cuốn sách cuối cùng của Võ Hồng.
Chữ đẹp cỡ “ông nghè bút thiếp” Trường Lương Văn Chánh thành lập năm 1946 trong chiến khu thời kháng chiến chống Pháp. Sau năm 1954, trường không hoạt động nữa. Mãi cuối những năm 1980, trường Lương Văn Chánh mới được phục hồi và trở thành trường chuyên của tỉnh Phú Yên. Nhà văn Võ Hồng là một trong ba vị hiệu trưởng trường Lương Văn Chánh thời kỳ ở chiến khu kháng Pháp cùng với thầy Trần Suyền thầy Bùi Xuân Các. Thầy Bùi Xuân Các viết chữ đẹp nổi tiếng và vinh dự được Bác Hồ tặng danh hiệu “ông nghè bút thiếp”. Nét chữ của thầy Võ Hồng cũng đẹp “một chín một mười” với “ông nghè bút thiếp” Bùi Xuân Các. Hình như, thế hệ thầy Hồng, thầy Các ai viết chữ cũng đẹp. |
Đoàn Việt Hùng - Thanh Kiều
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất