Nhìn từ giải Cánh diều: Cả nền điện ảnh hướng đến thương mại

06/03/2013 04:53 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu người ta nói nhìn một giải thưởng là biết cả nền điện ảnh, thì bức tranh điện ảnh ở Cánh diều năm nay khá rõ nét, cho dù số phim tham dự mới chỉ là phân nửa số phim được sản xuất trên thị trường.

Cánh diều Vàng 2012

Lấy chồng người ta được giới bình phim gọi là “phim nghệ thuật nửa vời”.

Như TT&VH đã thông tin, ở hạng mục phim truyện điện ảnh, hạng mục quan trọng nhất của giải Cánh diều năm nay có 11 bộ phim tham dự, trong đó có 3 phim Nhà nước (Đam mê, Lạc lối Cát nóng), 8 phim tư nhân (Dành cho tháng Sáu, Thiên mệnh anh hùng, Scandal - Bí mật thảm đỏ, Cưới ngay kẻo lỡ, Gia sư nữ quái, Lấy chồng người ta, Nhà có năm nàng tiên, Mùa Hè lạnh). Trong số 8 phim tư nhân thì 4 là của đạo diễn Việt kiều.

1. Ba phim, cũng là toàn bộ số phim do các hãng Nhà nước sản xuất trong năm 2012, đã cho thấy năng lực của phim nhà nước trong thị trường điện ảnh hiện nay. Cả 3 bộ phim đều chưa từng được chiếu thương mại ngoài rạp.

Đam mê (Hãng Phim truyện I, đạo diễn Phi Tiến Sơn) công chiếu lần đầu tiên tại LHP Quốc tế Hà Nội năm ngoái. Cát nóng (Hãng Giải Phóng, đạo diễn Lê Hoàng) cũng chung số phận và còn gây nhiều dư luận ì xèo hơn vì nhiều người trong nghề cho là chất lượng yếu kém mà “dám” mở màn một LHP quốc tế. Trong khi đó, Lạc lối (Hãng Phim truyện Việt Nam, đạo diễn Nhuệ Giang) sản xuất, song cũng không có cửa bước chân vào rạp, thậm chí nhà làm phim còn không đủ điều kiện để làm bản nhựa chiếu trong khuôn khổ Cánh diều cho khán giả xem.

Bỏ qua yếu tố kỹ thuật, nội dung tư tưởng, dễ thấy ở hai bộ phim thì hai phim có chung một điểm là hướng đến thị trường khi các đạo diễn lựa chọn diễn viên là những gương mặt quen thuộc của làng giải trí và của… báo mạng. Đam mê có Trung Dũng, Quý Bình, Kim Khánh, Trúc Diễm, Hứa Vỹ Văn; Cát nóng là Quách Ngọc Ngoan, Kim Tuyến, ca sĩ Phương Thanh…

2. Trong bốn phim tư nhân do đạo diễn trong nước thực hiện là Dành cho tháng Sáu (đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn), Gia sư nữ quái (Lê Bảo Trung) và Nhà có năm nàng tiên (Trần Ngọc Giàu) và Mùa Hè lạnh (Ngô Quang Hải) thì Gia sư nữ quái Nhà có năm nàng tiên tuân thủ đúng mô-típ làm phim hài nhảm với kịch bản tấu hài và dàn diễn viên hài, hot.

Còn về kỹ thuật, đó là phim điện ảnh nhưng không khác mấy so với phim truyền hình. Dành cho tháng Sáu có đề tài độc đáo nhưng cũng chỉ là một bộ phim trong trẻo, dễ thương, không có gì đột phá. Mùa Hè lạnh chủ trương thu hút khán giả bằng cảnh nóng, dù có những cảnh quay đẹp và đạo diễn đã cố vận dụng mô-típ làm phim thời thượng nhưng bộ phim cũng rơi vào tình trạng… lơ lửng.

Phim của đạo diễn Việt kiều chiếm tỷ lệ cao nhất, trong đó Victor Vũ có tới hai phim. Mà riêng bộ phim dã sử võ thuật Thiên mệnh anh hùng có thể được xem là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của phim truyện điện ảnh Việt, điều trước đây Dòng máu anh hùng đã làm.

Cưới ngay kẻo lỡ của Charlie Nguyễn cũng đi theo công thức hài nhảm mà các nhà sản xuất trong nước đang tận dụng triệt để để hút khán giả, nhưng nhỉnh hơn vì sự chỉn chu về kỹ thuật. Cũng chỉn chu về kỹ thuật với tay nghề chắc và thiên theo hướng phim kén khán giả là Lấy chồng người ta của Lưu Huỳnh, đạo diễn Việt kiều (tạm cho là) thế hệ thứ nhất. Và đạo diễn này cũng đã thể hiện sự lỗi thời của anh với tác phẩm được giới bình phim gọi là “phim nghệ thuật nửa vời”...

3. Bức tranh điện ảnh nhìn từ Cánh diều đã khá rõ nét, nhưng những gì không hiện hữu trong Cánh diều cũng không trượt ra ngoài nội dung bức tranh. Hầu hết những bộ phim không tham gia cũng chủ yếu là các “thảm hoạ”: Nàng men chàng bóng, Cảm hứng hoàn hảo, Hoán đổi thân xác, Giữa hai thế giới…

Dù cuộc đua Cánh diều có thế nào thì bộ mặt của điện ảnh Việt cũng đã hiện ra. Điện ảnh thương mại đang đóng vai trò chủ đạo. Đội ngũ làm phim Việt kiều đang nắm giữ thị phần lớn của thị trường điện ảnh và tác động rất mạnh tới các nhà làm phim trong nước, những người cũng đang trăn trở về việc tạo ra các tác phẩm thu hút khán giả tới rạp.

Tiếc rằng, năm qua hoàn toàn không có một tác phẩm nào có tính đột phá như Bi, đừng sợ!, loại phim rất cần cho sự phát triển của điện ảnh.

Dương Vân Anh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm