25/07/2011 08:34 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH Cuối tuần) - Album mới nhất của ca sĩ Mỹ Linh cùng ê-kíp đã ra mắt và nhận được sự quan tâm của nhiều người. Quan tâm bởi Mỹ Linh là cái tên quá quen thuộc với đông đảo công chúng. Quan tâm bởi ê-kíp của cô: Nhạc sĩ Anh Quân, Huy Tuấn và ban nhạc Anh Em luôn là điểm nóng của nhiều cuộc bàn luận trong giới làm nghề. Quan tâm bởi những album trước của tập thể này đều tạo ra dấu ấn riêng cả trong sáng tác và phối khí. Với các sản phẩm của Mỹ Linh và ê-kíp, công chúng có thể nghe, còn đồng nghiệp ngoài nghe còn có thể nhìn. Vậy Tóc ngắn Acoustic - Một ngày khiến người ta “nhìn” thấy gì?
SỰ CẦU KỲ
Nói đến sự cầu kỳ, nhiều người liên tưởng ngay tới những chuyện như: Video clip này được quay tận Hong Kong, Thái Lan hay châu Âu… Hoặc giả như xiêm y mũ mão được may cắt công phu, người bay trên không bằng cáp treo hay cascadeur nhảy từ lầu cao xuống đất… Bao nhiêu thứ mà trên một thập niên trở lại đây, người ta thường thực hiện để tăng thêm “gia vị” cho sản phẩm âm nhạc của mình. Nhưng sự cầu kỳ của Tóc ngắn Acoustic - Một ngày chỉ gói gọn trong căn phòng khoảng 100m2 - đại bản doanh của nhạc sĩ Anh Quân: Anh Em studio.
Trong căn phòng ấy, tay trống Quốc Bình cùng với nhạc sĩ Anh Quân đã phải mất tới vài buổi chỉ để thực hiện mỗi công việc căn chỉnh, căng mặt trống, thu thử để tìm ra được âm sắc thích hợp cho từng ca khúc trong album, việc mà với một người làm phối âm trên máy tính (sequencer) có lẽ chỉ thực hiện trong 10 phút. Và để phục vụ cho công đoạn đó, có tới cả chục chiếc snare (một loại trống nằm trong cả bộ trống) được mua về cùng với cơ số mặt trống các loại. Rồi Anh Quân cùng kỹ sư âm thanh Chí Nghĩa mất tới cả tiếng đồng hồ chỉ để dò vị trí đặt microphone làm sao bắt được tiếng guitar hay nhất, trung thực nhất. Toàn bộ âm thanh của các cây nhạc trong album đều được thu với cách thức như vậy nên những công đoạn đó lại đi lặp lại với dàn dây vài chục người, với trompet, saxophone, oboe, piano…, chưa kể hát chính, hát bè. Để rồi tới công đoạn hậu kỳ khi nhìn vào cả trăm đường tiếng (track audio) trên bản thu, bất kỳ một tay mơ nào cũng phải lè lưỡi nếu không đủ độ kiên trì… Điểm cuối của sự cầu kỳ đó là toàn bộ album được mastering (giai đoạn cuối cùng để hoàn tất phần âm thanh tổng thể của album) bởi Doug Sax, một tên tuổi tại Mỹ.
Hẳn sẽ có người cho rằng, cầu kỳ và mất công như vậy để làm gì khi công nghệ giờ đây cho phép người ta làm ra album giản tiện hơn mà vẫn đảm bảo tính nghệ thuật? Cần nhớ rằng, Anh Quân và Huy Tuấn biết rất rõ điều đó. Album Tóc ngắn 1 được thực hiện năm 1998 đã thay đổi nhận thức của rất nhiều nhạc sĩ hòa âm. Trước đó, việc thực hiện album bằng cách làm nhạc trên máy tính hay sử dụng nhạc công thật vẫn còn mập mờ, không phân định rõ ràng. Nhưng giờ đây, với Tóc ngắn Acoustic, sau quá trình dài làm việc theo cách “nhân bản vô tính”, có lẽ Anh Quân cùng ê-kíp muốn hướng đến sự thuần khiết hơn, trung thực hơn của ngón đàn, của âm thanh và cá tính hòa trộn. Rõ ràng, phải là acoustic mới thỏa mãn điều đó. Không phải “kiểu acoustic”, “màu acoustic” hay “phong thái acoustic” mà là acoustic thật sự. Mà đã như thế thì sự cầu kỳ như trên là bắt buộc khi thu âm. Mặt khác, cầu kỳ để đi tới hoàn thiện. Điều này thường xuất phát từ mong muốn làm cho bản thân. Quan điểm cho rằng, làm nghệ thuật là cho công chúng không sai, nhưng trước khi dành cho công chúng, người nghệ sĩ làm cho mình trước. Thường thì làm cho mình bao giờ cũng cẩn thận để được tận hưởng cái thú, thỏa mãn cái tôi, điều không thể thiếu đối với người làm nghệ thuật. Bước tiếp theo đương nhiên sẽ xuất hiện (theo quy luật tất yếu) là giới thiệu cái hài lòng đó ra công chúng. Điều tối thiểu mà công chúng sẽ có là một sản phẩm tử tế.
ÂM NHẠC
Tóc ngắn Acoustic - Một ngày không phải "kiểu acoustic", "màu acoustic" hay "phong thái acoustic" mà là acoustic thật sự.
Với những nghệ sĩ tên tuổi, khi ra một sản phẩm mới, thường thì bên cạnh sự hào hứng được giới thiệu thành quả của mình, họ còn phải đối mặt với những áp lực từ nhiều phía. Một trong những áp lực đó là sự đổi mới. Tìm đến cái mới là điều tích cực. Cái mới được “nảy ra”, “ngộ ra” thì khác. Còn cái mới để chống lại áp lực, để chiều lòng đám đông thì sẽ dễ đánh mất mình. Thay vì thế, họ làm tốt hơn hay hoàn thiện hơn những thứ đã định hình. Tóc ngắn Acoustic - Một ngày đi theo con đường đó.
Vẫn những cách dùng hợp âm tạo nên “thương hiệu” Anh Em, kết hợp đảo phách (syncope) hoặc chuyển điệu…, những cách dùng mà giờ đây rất nhiều nhạc sĩ trẻ chịu ảnh hưởng. Đặc biệt về âm sắc thì không lẫn vào đâu dù trong album này hoàn toàn thu âm thanh “live”. Góp phần vào đặc trưng ấy không thể không nhắc tới tiếng saxophone của Hồng Kiên hay cách phối brass (dàn kèn) của Anh Quân. Có một điểm là tổng thể album vẫn ra màu Anh Em nhưng mọi thứ được tiết chế hơn, bớt trưng trổ hơn so với các album trước. Phần guitar của Anh Quân gần như chỉ đóng vai trò đệm, phần ngẫu hứng có lẽ anh dành hết cho piano và saxophone. Các sáng tác của Anh Quân vẫn có nét quái trong giai điệu nhưng đã nhẹ đi nhiều. Tất cả phải chăng để làm cho album ra đúng tinh thần acoustic? Những sáng tác của Huy Tuấn có vẻ hợp với điều đó vì vốn dĩ những bài hát của anh luôn có chiều hướng ngả về giai điệu đẹp, có sức hút cụ thể.
Và không phải không có những nét mới. Đây có lẽ là album mà phần nhạc đệm có nét jazz rõ nhất của Mỹ Linh từ trước tới nay. Nhân tố tạo nên đặc điểm ấy là Tuấn Nam, người đã tu nghiệp ở Thụy Điển chuyên ngành piano jazz. Ngoài việc tạo ra một chút phong cách jazz, album này còn cho thấy phần piano nổi bật hơn so với những album trước. Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới tính thính phòng của album. Sự tham gia của dàn dây với đầy đủ các cây trong bộ (violon 1, violon 2, viola, cello, contrebass) kết hợp với kèn oboe và những bản phối rất kỹ lưỡng tạo nên những âm thanh rất gần với soundtrack của Hans Zimmer, một bậc thầy làm nhạc phim chuyên dùng âm thanh dàn dây. Với Cơn bão (st: Hồng Kiên - Mỹ Linh) hay Mãi bên con (st: Anh Quân), chất thính phòng khiến người nghe thấy Anh Em không chỉ có R&B hay funky.
Một sự kết hợp thú vị nữa ở ca khúc Nhớ mưa (st: Huy Tuấn - Mỹ Linh), tứ tấu dây chơi trên nền nhịp 3/4 rất cổ điển nhưng Mỹ Linh cùng nhóm M4U lại hát bằng phong cách R&B. Hơi tiếc khi phần tứ tấu dây với cách phối bè rất tinh tế lại có phần bị lẫn trong tổng thể bài hát. Nếu rõ hơn nó sẽ tạo được một bản nhạc có tính phức điệu cao với 3 mảng rõ rệt: Mỹ Linh - tứ tấu dây - M4U.
VÀ MỸ LINH
Đã qua lâu rồi cái thời mà thi thoảng người ta lại nhắc đến Trên đỉnh Phù Vân, Chị tôi, Hà Nội đêm trở gió… với Mỹ Linh vì con đường cô đồng hành cùng nhạc sĩ Anh Quân, Huy Tuấn và ban nhạc Anh Em đã quá rõ ràng. Trước đây, ê-kíp thường hỗ trợ để cô có phần phối hay, có bài riêng, không bị loay hoay với thể loại. Còn bây giờ, cô không còn đứng trước dựa lưng vào tập thể đằng sau, không còn là người được hỗ trợ hay cần hỗ trợ. Cô đã là một nhân tố nằm trong ê-kíp sản xuất cho chính mình. Gần như toàn bộ phần lời của các ca khúc trong album là do Mỹ Linh viết (7/9 bài). Không đơn giản như nhiều người nghĩ về viết lời ca khúc, giai điệu trong Tóc ngắn Acoustic được hình thành trên những vòng hòa thanh rất chặt chẽ, liên quan đến cả phong cách, độ nhanh chậm và được tư duy bởi những cái đầu biết chơi đàn, nghĩa là kết cấu bản nhạc rất khoa học và khó phá vỡ. Mỹ Linh đã viết lời trên những bản nhạc như vậy. Cô đứng ngang hàng với Anh Quân, Huy Tuấn, Hồng Kiên trong album này về mặt tác giả. Điều này khẳng định sự chắc chắn của con đường cô chọn. Sự chắc chắn đó giờ đây khiến cô bình thản. Sự bình thản len lỏi trong từng câu hát nhưng vẫn nồng nàn, sự bình thản trong ca từ làm bài hát tự nhiên không sáo (điều rất dễ mắc phải khi đặt lời cho bài hát có phần nhạc được soạn trước). Hay sự bình thản đó là sự nhún nhường để tôn lên cả một ê-kíp đã đổ rất nhiều chất xám và sức lực cho Tóc ngắn Acoustic - Một ngày?
Khanh Chi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất