Nhiếp ảnh: Những huyền thoại trở lại

22/05/2013 17:02 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Không hẹn mà gặp, những ngày giữa tháng 5 vào kéo dài đến đầu tháng 6, hai viện bảo tàng Nghệ thuật đương đại nổi tiếng của Mỹ, San Francisco Museum of Modern Art và Adamson Gallery cùng nhau trưng bày lại bộ sưu tập đồ sộ nhất của hai bậc thầy nhiếp ảnh Mỹ: Garry Winogrand và Gordon Parks. Đã từ rất lâu nước Mỹ mới được cùng lúc ngắm lại những chân dung cuộc sống, con người và hình thái xã hội qua lăng kính củ ahai bậc thầy với những góc nhìn rất khác nhau, dù chỉ với một câu chuyện cùng kể.

Garry Winogrand - Một cái nhìn Mỹ

Tờ New York Times gọi cuộc triển lãm ảnh của Garry Winogrand tại Bảo tàng Nghệ thuật đương đại San Francisco là kéo toàn bộ nước Mỹ vào một góc nhỏ. Ở đó, hiện ra tất cả những gì có thể thấy về nước Mỹ trước đây và bây giờ dường như chẳng cách xa nhau là mấy. Gần 3 thập niên sau khi qua đời, những bức ảnh của Garry Winogrand vẫn lóng lánh một hiện thực xã hội Mỹ ở mức độ biểu cảm nhất, như thể sự mâu thuẫn trong lòng nó đến giờ vẫn chẳng thay đổi là bao.



Công viên Central Park, New York, 1967. Ảnh của Garry Winogrand

275 bức ảnh trưng bày được chọn từ gần 1 triệu bức ảnh của Garry và trong số đó gần một nửa chưa từng được phổ biến. Nhiếp ảnh gia Leo Rubinfien, người vận động để triển lãm này đến với công chúng, nói rằng tất cả những tác phẩm trưng bày đều đánh dấu những chặng đường sáng tác rực rỡ của Winogrand, từ những bức ảnh tươi sáng cho đến thời kỳ u tối như câu chuyện của người đàn bà nằm sõng soài trên con đường nhựa ở Los Angeles với hình ảnh chiếc Porsche chạy qua. “Ảnh của Garry Winogrand luôn chứa nhiều cảm giác, nó đi qua thị giác, rồi vòng xuống tai và chạy vào dạ dày khiến bạn tiêu hóa nó chầm chậm nhưng nhớ lâu. Thông điệp thường gắn vào với một bên là sự ấm áp cởi mở, một đời sống đô thị bình dân kiểu Mỹ và sau đó, ở phía bên kia, là một sự tuyệt vọng dai dẳng, tất cả dường như ngoài tầm kiểm soát và xem xong ai cũng sẽ nghĩ mọi thứ sẽ kết thúc một cách tồi tệ. Xem xong bạn không biết nên phấn khởi hay sợ hãi”, Leo Rubinfien bình luận.

Như các bậc tiền bối, cả cuộc đời mình Garry Winogrand đi chụp chân dung nước Mỹ, từ đời thường cho đến vẻ đẹp nữ tính kiểu Mỹ, từ những bức bối nảy sinh trong xã hội sau Đệ nhị thế chiến đến những niềm vui khi những sắc thái mới xuất hiện, cởi bỏ những lề thói cũ, tự do và thấm đẫm hương vị thanh xuân. Ngày Garry qua đời, người ta thống kê còn gần 300.000 bức hình chưa công bố, hơn 2.000 cuộn phim chưa tráng rửa và những nơi ông đã đi qua thì chẳng ai thống kê được.

Ảnh của Garry Winogrand thường chỉ có 2 màu đen trắng, bố cục thả lỏng, những đường xiên xẹo không thẳng hàng và cũng chẳng giống sách vở nhưng tâm điểm của những bức hình luôn có một sự chuyển động hài hòa, có nét hài hước pha lẫn sự cô độc đơn lẻ, kết hợp giữa những chủ thể khá mạnh mẽ nhưng không quen thuộc. “Ít ai có được một cái nhìn như ông ta tính từ sau Đệ nhị thế chiến, nước Mỹ của Garry luôn mang nhiều tính biểu cảm, giàu hàm chứa nội tâm”, tay máy nổi tiếng John Szarkowski đã nhận xét như thế về ông. Nước Mỹ trong cái nhìn của Garry luôn lột tả được một sự tự do nhưng được nhốt trong một bức tường suy nghĩ còn nhiều e ngại xung quanh. Sự cởi mở luôn đi kèm với những cái nhìn ngần ngại, đối phó hay những cái nhíu mày lo lắng tương lai.

Kiệm lời, Garry vẫn thường nói nhiều bằng các bức ảnh. Kể cả khi ông được giao trọng trách đào tạo những tay máy tương lai thì ông cũng thường chẳng biết nói gì trong lớp, muốn hiểu mọi thứ thì cứ xách máy xuống đường. Mason Resnick, người sáng lập tạp chí Black And White World nhớ lại người thầy cũ của mình “cứ mỗi khi lớp học xuống đường là Garry lại hớn hở như một sinh viên mới, ngọn lửa đam mê luôn bùng cháy trong ông nhưng không phải bằng lời nói mà là ngón tay bấm cò”.

Garry Winogrand mất năm 1984 ở tuổi 56 do ung thư, quá trẻ cho niềm đam mê vẫn còn cháy bỏng. Người ta xếp ông vào danh sách những bậc thầy nhiếp ảnh nước Mỹ, những người cả đời đi tìm sự sáng tạo, khơi những nguồn cảm hứng chưa ai chạm đến, tạo nên một bộ mặt nước Mỹ với những góc nhìn độc đáo. Góc nhìn của Garry bao giờ cũng sáng nhưng sâu, chiều sâu của một người sinh ra trên một vùng đất nhiều sắc thái như New York, lớn lên cảm nhận qua năm tháng, lắng đọng và bùng phát.


Bức American Gothic huyền thoại của Gordon Parks

Gordon Parks - Sắc lẹm như dao

Khác với Garry Winogrand, cuộc triển lãm của Gordon Parks tại bảo tàng đương đại nổi tiếng của Washington, Adamson Gallery, không mang nhiều sắc thái thị giác bởi đơn giản từ đó đến nay Parks nổi tiếng với những bức ảnh mang tính đấu tranh đến cùng, ông chỉ lột tả một màu duy nhất, đó chính là màu da của mình. Ảnh của Parks nhìn là bị ấn tượng, “một ấn tượng gây ngợp thở” như bình luận của tờ Washington Post. “Nhiều người sẽ không thể quên những bức ảnh đơn giản nhưng nhức nhối của Parks, như con dao cứa vào lòng khiến bạn phải quặn thắt. “Tôi cứ nhớ mãi bức ảnh hai cha con người da màu cùng mua kem tại một quầy bán hàng. Phía trên đầu họ là dòng chữ “Colored” và họ phải đứng trong một góc nhỏ phía cuối gian hàng trong khi ngay mặt tiền sáng rỡ là dòng chữ dành cho dân da trắng “White”, một hình ảnh thường thấy ở Mỹ những năm 1950. Ai cũng biết điều ấy nhưng khi lên ảnh thì nó là một câu chuyện thật sự. Xem xong bạn sẽ hiểu vì sao Parks cầm máy, vì sao những người bạn da màu cùng trang lứa với ông thời ấy, đa phần đều xộ khám vì trở thành sát nhân”, nhà báo Mark Jenkins của tờ Washington Post bình luận.

Lúc sinh thời Parks từng kể rằng: “Tôi có thể dễ dàng cầm khẩu súng, con dao như những người bạn thiếu thời để làm điều gì đó tìm công bằng nhưng tôi không thích kiểu oai hùng như thế, tôi chọn máy ảnh bởi phát hiện ra nó là thứ vũ khí tối thượng có thể diễn tả mọi sự bi phẫn của tôi trong cái thế giới hổ lốn này”. Năm 1937 nước Mỹ vẫn còn đắm trong khủng hoảng, nhân quyền, phân biệt chủng tộc vẫn còn nặng nề. Năm đó Gordon 25, da màu, công việc bấp bênh, vợ con nheo nhóc, cần phải tìm một chiếc móc kéo cuộc đời mình lên. Gordon quyết định gom mượn gần 13 USD, ra cửa hàng điện máy nhắm mắt mua một chiếc máy ảnh hiệu Voigtländer. Thật ra Gordon chẳng biết mua máy ảnh để làm gì, phim chưa biết lên, tráng rọi chưa biết cách nhưng ông xem ảnh của Jack Delano, Dorothea Lange, Arthur Rothstein, Ben Shahn thấy hiện lên một cách tàn khốc những khổ đau của nước Mỹ nên tự bảo mình rằng “cần phải có một chiếc máy, như là mệnh lệnh cuộc đời”.

Gordon Parks nổi tiếng với những bộ ảnh tố cáo nạn phân biệt chủng tộc, sự nghèo khổ, thiếu giáo dục, những trùm da mun ở khu Harlem, Midtowners, những đứa trẻ không được đến trường, những cái chết thương tâm... Bức ảnh kinh điển nhất của Gordon và sau đó đưa ông trở thành sao sáng, có tên American Gothic, chụp một người phụ nữ lao công da màu, tay phải cầm chổi, choán hết phía sau là lá cờ Mỹ, gương mặt người phụ nữ vừa như chịu đựng, vừa như chấp nhận hiện tại.

Ảnh của Gordon thường chỉ đen trắng, bố cục ông chọn thường hài hòa, hiền lành nhưng ánh sáng của nó luôn toát lên sự dữ dội, như “bản cáo trạng rõ nét nhất về mảnh đời của những người da đen hèn kém” (Roy Stryker).

Năm 1961, bộ ảnh của Gordon về cậu bé Flavio da Silva ở khu ổ chuột Rio de Jainero (Brazil) mắc bệnh suyễn nằm trên giường vì thiếu ăn như đang chờ đợi cái chết, rồi việc cậu dùng bàn tay dơ bẩn vì không có nước rửa đút thức ăn cho cậu em trai nhỏ tuổi… đã làm cho độc giả tờ Life bàng hoàng, họ quyên góp 30.000 USD để “giải cứu” Flavio và tờ Life quyết định đưa cậu đến Mỹ chữa bệnh và tặng 2 anh em một căn nhà tử tế hơn ở Brazil.

Ngoài chụp ảnh, Gordon có làm phim và viết tiểu thuyết nhưng được nhớ nhiều nhất ở ông vẫn là những bức ảnh kể về cuộc đời khốn khó của những người da màu, những câu chuyện một thời của nước Mỹ.

Cũng giống như Garry Winogrand, Gordon Parks mất vì bệnh ung thư.

Triển lãm của hai bậc thầy nhiếp ảnh này sẽ kéo dài đến đầu tháng 6.

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm