Nhạc xưa có tội tình gì?

13/06/2013 06:00 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Nhạc xưa trở lại và có lúc chiếm thế thượng phong ở thị trường nhạc Việt quả là điều không có gì phải tranh cãi, nói đương nhiên thì cũng không hẳn, bởi thực sự thì phe “nhạc mới” vẫn khá mạnh. Nhưng nếu bảo nhạc xưa làm cản trở sự phát triển đi lên của nhạc Việt thì e là có… bất công với nhạc xưa quá chăng?

Chuyện mới - cũ này thực ra không phải vấn đề chỉ Việt Nam mới gặp, và thay vì chung sống hòa bình, dựa vào nhau cùng tiến, thì việc chỉ trích nhạc xưa liệu có giúp được “nhạc nay” đi nhanh hơn tí nào không?

Nước sông không phạm nước giếng

Chắc nhiều người yêu nhạc đã biết đến sự quyết liệt của nhạc sĩ Quốc Trung khi anh nói về nhạc xưa như một lực cản cho sự đi lên của âm nhạc đại chúng Việt Nam ngày nay. Những vụ thế này dễ dẫn tới chuyện chia phe cánh và dẫn tới những tranh cãi bất tận, điều đã từng xảy ra một lần hồi nhạc sĩ Quốc Trung “chê” một bài hát ra đời năm 2006 mà Đức Tuấn hát là “nhạc xưa”. Lần này thì không thấy tranh cãi gì nữa, chắc là… không ai còn quan tâm. Việc ai nói cứ nói, ai nghe cứ nghe.

Nhưng chính sự không quan tâm này mới… sinh chuyện. Nó cho thấy rõ ràng thái độ của công chúng và giới biểu diễn ngày nay trước những chỉ trích nhắm vào họ, vào dòng nhạc mà họ yêu thích và lựa chọn.

Thái độ ấy là gì?

Là “nước sông không phạm nước giếng”, sao lại đi trách người dùng… nước máy! Nhạc xưa, nhạc nay, tồn tại song song, chuyện xảy ra ở khắp mọi nền âm nhạc. Nếu vào một thời điểm nào đó, công chúng có đắm đuối với nhạc xưa, nghệ sĩ có nhanh nhạy chọn nhạc xưa để biểu diễn, thì điều đó chỉ cho thấy rằng “nhạc mới” đang lép vế. Vì sao lép vế? Hỏi cũng là tự trả lời, vì không thể vượt qua được những đỉnh cao thành công đã được xác lập từ xưa.

Đến đây sẽ có người hỏi: nhạc mới việc gì phải vượt qua cái gì hay qua ai, nó có bổn phận tạo ra những thứ hoàn toàn mới mẻ, lấy tiêu chí sáng tạo làm đầu, như chính Quốc Trung đã khẳng định “thiên chức của người nghệ sĩ là giới thiệu tốt nhất những cái mới, điều mình có và mình muốn”

Nếu mọi chuyện cứ đằng thẳng như vậy thì hẳn nhiên, chúng ta đâu còn phải mất công đi tranh cãi xem cái mới hay cái cũ là có giá trị, có tác động thúc đẩy nhạc Việt đi lên (hay kéo tụt xuống).

Bộ ba, từ phải qua: Hồng Nhung, Mỹ Linh, Bằng Kiều một thời tung hoành thị trường nhạc Việt với những ca khúc rất mới và được ủng hộ nhiệt liệt. Giờ đây, sau hơn một thập niên, họ lại hát bên nhau với những bài hát của ngày xưa

Cùng thăng hoa

Hơn 10 năm trước, cuộc thăng hoa tưng bừng và ngắn ngủi của nhạc Việt là thí dụ sinh động cho thấy khán giả không e ngại cái mới, không mất thời gian nghi ngờ, xét đoán trước khi mở lòng đón nhận.

Khán giả Sài Gòn, vốn là nơi “nhạc xưa” cắm rễ bền chắc nhất, bất chấp cả một thời gian dài chịu cấm đoán, kỳ thị, đã chào đón các ca sĩ Hà Nội bằng tất cả sự cởi mở, đón nhận hàng loạt bài hát mới mang đậm phong vị “Bắc kỳ” mà không chút thắc mắc về tính vùng miền. Ở chiều ngược lại, khán giả Hà Nội thoải mái rũ bỏ cái bề ngoài giả tạo mang tên “khó tính” để hân hoan nghe nhạc trẻ đã được chế biến sẵn theo công thức Sài Gòn. Cuộc “hội nhập” vùng miền này giúp thăng hạng cho một số lượng lớn ca sĩ cả hai miền. Các diva nhạc Việt lên ngôi cũng từ thị trường Sài Gòn, ca sĩ Sài Gòn từ triển vọng vụt thành ngôi sao hạng nhất nhờ “liều doping” từ khán giả Hà Nội.

Nhưng tại sao cuộc thăng hoa ấy lại quá ngắn ngủi? Chẳng lẽ tại nhạc xưa? Thực sự thì trong thời điểm rực rỡ nhất của giai đoạn 1997-2000, khi số lượng ca khúc mới ra đời đủ để mỗi ngày làm vài album, thì cũng là thời thịnh trị của nhạc xưa, khi mà các chương trình Tình khúc vượt thời gian bán chạy kinh khủng cả trên kệ CD lẫn vé biểu diễn; khi mà các ngôi sao hàng đầu như Cẩm Vân, Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Quang Linh, Lam Trường, Phương Thanh… bên cạnh các bài “hit” mới toanh, vẫn miệt mài thu âm nhạc xưa.

Tại sao thời ấy nhạc xưa, nhạc nay lại có thể chung sống hòa bình như vậy?

Trả lời câu hỏi này không khó khi chúng ta nhớ lại phong độ của các nhạc sĩ thời ấy và chất lượng các bài hát mới mà họ đem tới thị trường ca nhạc. Thời ấy không có khái niệm “nhạc thị trường” kể cả trước đó đã có hiện tượng Mưa bụi bị xem là điển hình cho hàng chợ trong âm nhạc, nhưng dù muốn hay không cũng phải thừa nhận chính serie Mưa bụi là một trong những mầm mống của cuộc thăng hoa nhạc Việt đang nói tới, bởi nó đã thu hút sự quan tâm trở lại của khán giả sau thời gian dài đắm đuối với nhạc hải ngoại. Nếu nói theo các loại định nghĩa thì Mưa bụi cũng là một cái mới, dù công thức làm nên nó toàn cái cũ, hoặc chỉ lạ chứ không mới. Không có những sự phân loại thị trường, nhạc sang, nhạc xưa, nhạc “nghệ thuật”… cả người làm nghề lẫn khán giả chỉ quan tâm làm sao có được nhạc hay để nghe, để khỏi nghe nhạc dở.

Quan niệm đơn giản ấy lại chính là động lực để mọi người cùng nhau làm nên một giai đoạn đáng nhớ của nhạc Việt. Nhạc sĩ không thể đổ lỗi cho ai khi trót bị… thất sủng, bởi chỉ có hay và dở thôi, hay thì hưởng, dở thì chịu bị quên. Trách móc gì. Cho dù nhiều bài hát đình đám thời ấy nay đã không còn được nghe nữa, thì cũng không thể vì thế mà bảo là nó không có giá trị. Một ca khúc không nhất thiết phải gánh lên mình trách nhiệm phải trở thành “bất hủ”. Nhưng những ca khúc đã thực sự trở thành bất hủ, đã vượt qua mọi rào cản thời gian, định kiến, để được yêu thích sau vài thế hệ thì nó có quyền có một vị trí trong đời sống âm nhạc. Khán giả có quyền nghe vì cha mẹ, ông bà họ đã từng nghe và thích, họ chẳng việc gì phải ngụy tạo cảm xúc để được cái tiếng là “cách tân”, là “văn minh”.

Trừ dòng nhạc thuần túy thử nghiệm đúng là cần rất nhiều lý trí khi nghe và tiêu hóa, còn nhạc đại chúng, việc nghe nhạc bao lâu nay cảm tính vẫn là chủ đạo. Người ta có quyền nghe cái mà người ta cảm thấy là hay, không phân biệt mới hay cũ. Nếu cái mới quá dở, quá chán thì phải tìm nghe cái cũ - là những cái đã được khẳng định và thử thách ít nhất cũng là về khả năng tương thích với đại chúng trước khi nói tới giá trị hay thủ pháp nghệ thuật, vốn cần những phân tích sâu xa hơn, điều mà đa số công chúng nghe nhạc không quan tâm. Một sự không quan tâm rất hợp lý.



Ca sĩ Tuấn Anh, Ý Lan về hát tại Sài Gòn với những ca khúc xưa và vẫn được đón nhận nhiệt thành

Nếu cái mới không đủ sức nặng?

Ở phía nghệ sĩ biểu diễn, họ cần khán giả, điều đó là đương nhiên. Tất nhiên mỗi người có một cách gây dựng khán giả cho riêng mình và bằng cách này hay cách khác, vừa chiều lòng khán giả, vừa tìm cách hướng họ đến cái riêng biệt, cái khác lạ, và có thể là cả cái mới của mình.

Tất nhiên, giới thiệu cái mới đến khán giả thì luôn dễ được hoan nghênh, bởi đó chính là thứ tạo nên sự khác biệt, tạo nên cái danh tính nghệ thuật riêng, rất cần thiết cho mọi nghệ sĩ. Và, cũng bởi mảnh đất nhạc xưa đã có quá nhiều người chen chúc, xây một cái gì quá khác lạ trên đó rất có thể là… phá vỡ quy hoạch, là mất đẹp mất hay, cho nên, nếu cái mới mà họ chọn mang đến không đủ sức nặng để làm cho công chúng tạm bỏ qua một bên cái cũ để hào hứng đón nhận, thì lỗi thuộc về ai?

Giới biểu diễn vốn vừa có vị trí thụ động (chờ có bài hát hay) vừa chủ động (được quyền chọn lựa mang cái gì đến công chúng), để được coi là một người có thái độ nghệ thuật nghiêm túc, họ buộc phải thận trọng, phải biết tùy lúc để chọn cái gì tốt hơn. Không thể để lấy tiếng đổi mới mà phải chọn cái mới còn... cũ hơn cả cái cũ, rồi lại phải làm sao không mang tiếng ăn bám nhạc xưa bằng cách làm cho nhạc xưa ấy mới mẻ hơn, cập nhật hơn với tai nghe đương thời. Việc ấy thật chẳng dễ dàng gì, thế mà họ còn bị mang tiếng làm kéo tụt nền âm nhạc, thì có bất công quá cho họ chăng.

Thanh Lam rõ ràng là diva hàng đầu Việt Nam, cách tân đổi mới có thừa, nhưng đâu phải lúc nào cũng có sẵn bài hát mới, mà lại hay nữa, cho chị hát?

Uyên Linh khiến khán giả chờ đợi hơn một năm trời cuối cùng có một đĩa nhạc “mới” vẫn phải chen vào một bài “xưa” của nước ngoài và vài bài Việt Nam không còn mới, và cũng không làm gì mới hơn, nếu công chúng có thất vọng thì cũng là quyền chính đáng.

Hồng Nhung có một đĩa nhạc điện tử không mới mẻ gì và tất nhiên không thể lấn át hào quang chị đã có với nhạc Trịnh Công Sơn.

Trần Thu Hà nỗ lực đổi mới cách tân và đem sản phẩm về nước phát hành nhưng lại được nhắc đến rất ít so với khi hát lại những bài hát đã cả chục năm qua (giờ lại được khen là mới).

Vậy trách nhiệm chính thuộc về ai, chắc giờ đã rõ.

Thử nhìn ra thế giới, nếu không có sự hoài nhớ nhạc xưa, nếu Beatles, Rolling Stone, Elvis Presley, ABBA… bị quên lãng thì chúng ta có dám chắc là âm nhạc đại chúng hiện tại của thế giới sẽ tốt đẹp, sẽ đáng nghe hơn không? Người ta không thể đoán chắc cái chưa xảy ra hoặc không chắc có xảy ra hay không, nên không thể võ đoán mà cho rằng nếu công chúng đổ dồn đi nghe nhạc mới thì chúng ta sẽ ngay lập tức có được một nền âm nhạc tiến bộ ngang tầm năm châu. Và vấn đề là tại sao công chúng phải làm thế, ai mà ép được họ.

Nhạc mới có thực sự mới?

Trong một bài viết trước (Nhạc thử nghiệm có cần được khen? ), người viết đã dẫn chương trình Cầm tay mùa Hè (mà nhạc sĩ Quốc Trung là người cầm trịch và cũng trên sân khấu này anh một lần nữa nhẹ nhàng “phê bình” khán giả về việc cứ đắm đuối mãi với nhạc xưa, dù trong chương trình cũng có vài bài nhạc xưa đã vào hàng kinh điển) như một thí dụ về việc dễ gây… hoang mang cho dư luận về khái niệm cũ - mới, cách tân và bảo thủ.

Rõ ràng, những trường hợp thế này dễ khiến người ta đặt dấu hỏi: Thế nào mới là mới? Mới mà không khác cũ thì có được coi là mới không? Một ca sĩ tuyên bố “nói không” với nhạc xưa, nhưng sản phẩm của họ chẳng khác những phiên bản mô phỏng nhạc xưa thì có đáng được ca tụng hơn là một ca sĩ chuyên hát nhạc xưa với những bản phối mới, hợp thời?

Tất cả những câu hỏi ấy dẫn tới câu trả lời chung, rằng đối tượng có trách nhiệm lớn nhất trong vụ làm sao cho mới thắng cũ, hoặc ít nhất cũng không bị lép vế, phải là người sáng tạo ban đầu các tác phẩm âm nhạc, chưa tới mức cao xa kỳ vĩ gì, chỉ cần là một bài hát nhỏ bé đã. Người ấy là nhạc sĩ sáng tác (có thể là ca sĩ kiêm nhiệm) và thời nay thêm đối tượng quan trọng nữa là nhà sản xuất âm nhạc (có thể là nhạc sĩ kiêm thêm). Nếu họ không đi đầu trong cuộc đổi mới nền âm nhạc, họ không cho ra đời các tác phẩm mới đủ sức thuyết phục công chúng và giới biểu diễn, thì họ còn trách được ai trong việc mình bị thua sút so với nhạc xưa?

Những lý do để ca sĩ đi hát nhạc xưa, khán giả đi nghe nhạc xưa đã lý giải ở trên, chỉ còn là việc của nhạc sĩ nếu không muốn thua nhạc xưa, nếu không muốn bị mang tiếng “ăn bám” nhạc xưa thì phải tự mình tìm ra lối thoát và cơ hội chiến thắng, không thể đổ lỗi được, rất không công bằng.

Cách đây mấy năm chúng ta tự hào có được dòng “dân gian đương đại” rầm rầm rộ rộ, làm mưa làm gió sân khấu ca nhạc đến các cuộc thi, những tưởng một dòng nhạc Việt mới thấm đẫm hồn dân tộc được khai sinh, nhưng hãy nhìn lại để thấy cả nửa thế kỷ trước các bậc trưởng thượng Phạm Duy, Văn Cao tới Hoàng Vân, Phó Đức Phương… đã tạo ra những đỉnh cao khó vượt thế nào cho chính cái mà nay được gọi một cách thời thượng “đương đại” như vậy.

Rồi rock Việt thời mới dù đúng là cũng copy Tây, cũng học hỏi ngũ cung, nhưng so với dòng nhạc Phượng Hoàng ngày trước thì cái nào thấm đẫm chất Việt hơn? Nhạc pop trữ tình du dương thời nào cũng có, thì thời nay có đẹp hơn thời Ngô Thụy Miên không? Nhạc suy tư trăn trở về lẽ sống trong đời đến khi nào mới đạt tới tầm ảnh hưởng như Trịnh Công Sơn? Còn nhạc điện tử, nhạc dance thì đúng là “các cụ” chịu thua thật, nhưng đó có phải là con đường duy nhất mà nhạc Việt sẽ theo?

Vậy nên trong khi cái mới vẫn đang ở đâu đó rất mơ hồ, thì cũng không nên cố bắt nó phải hiện diện, cố ép nó “chín” bằng cách gây sức ép để cái cũ phải… nhường nhịn.

Nguyễn Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần




Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm