Nhạc sĩ Quốc Trung: Hiểu giới trẻ để dẫn dắt họ

18/10/2013 13:15 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Tấm lòng của giới trẻ trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những ngày qua cho thấy, ông là một thần tượng lớn, vượt qua mọi khoảng cách thế hệ. Bên cạnh các thần tượng lớn như thế, chuyện lựa chọn và suy tôn các thần tượng của giới trẻ ngày nay đang là vấn đề đáng phải suy ngẫm.

Cuộc sống hiện nay đang thiếu nhân vật thần tượng hay do giáo dục định hướng của xã hội chưa chuẩn mà giới trẻ bị lệch lạc trong việc suy tôn những thần tượng theo thời thượng hoặc theo vẻ hào nhoáng bề ngoài?

Trong bài “Để hiểu về thần tượng một cách nhân bản nhất” ở số báo trước, TS tâm lý học - giáo dục Nguyễn Lệ Hằng đã nói về “cái mấu tâm lý” ban đầu của giới trẻ để sau đó dẫn đến việc tiếp nhận những nhân vật làm thần tượng cho họ. Tiếp theo chia sẻ của TS Lệ Hằng, TT&VH trò chuyện với nhạc sĩ Quốc Trung, một người hoạt động trong showbiz và là người từng được đánh giá khá cao về “tầm” văn hóa khi gần đây anh là một trong những người chủ chốt khởi xướng phong trào Nghe có ý thức.

Chọn thần tượng là phản ánh nhận thức

* Thời đại nào cũng cần những biểu tượng, thần tượng cho riêng mình. Ở góc độ văn hóa anh đánh giá thần tượng của giới trẻ ngày hôm nay như thế nào?

- Thật ra nhu cầu của giới trẻ cũng như con người luôn cần có những thần tượng, có thể rất đơn giản, rất gần gũi như cha mẹ, thầy giáo, lớn hơn có thể là những người nổi tiếng hay vĩ nhân của nhân loại.

Thời đại nào cũng luôn cần những thần tượng, nhưng trong thời gian qua, cuộc sống xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi, người ta mải chạy theo kinh tế mà quên mất những giá trị tinh thần. Suốt thời gian qua, tôi cảm thấy dường như lớp trẻ của chúng ta bị bỏ hoang. Đã rất lâu không thấy những định hướng rõ ràng, kể cả những chiến dịch đã diễn ra nhưng phần lớn mang tính giáo điều, không thực tế, cũ kỹ, lãng phí và không có kết nối được thanh niên. Đã từ lâu, người ta không tìm thấy và thậm chí, hầu như không có nhu cầu tìm những cái đẹp trong đời sống.

* Và vì thế, việc những người trẻ thần tượng thái quá những ngôi sao nước ngoài hay showbiz Việt cùng những hành động như gào khóc thảm thiết, hôn ghế thần tượng vừa ngồi… là do không tìm ra được những nét đẹp trong đời sống?

- Tôi thì cho rằng, ý thức hình thành từ định hướng cũng như sự giáo dục. Ta không thể nào trách các em sao lại thần tượng các ngôi sao trong khi ngay bản thân chúng ta ngày xưa cũng vậy. Bản năng của con người là luôn luôn tò mò, người ta thích xem những thứ kỳ lạ nhưng nếu chúng ta không có những sự cân đối trong xã hội, trong truyền thông, giáo dục, về định hướng cho thanh niên thì những chuyện như trên đã xảy ra cũng là lẽ thường tình.

Khi cả xã hội, gia đình còn bỏ ngỏ thì làm sao bảo lớp trẻ vốn chưa đủ kỹ năng lại có thể phân biệt cái gì nên và không nên, cái gì độc hại hay không?

Lỗi ở đây là của người lớn, ở những lực lượng có trách nhiệm với lớp trẻ như gia đình, nhà trường, những đoàn thể…

* Như vậy anh không phê phán giới trẻ bởi điều này là do xã hội chúng ta đang thiếu định hướng về thần tượng cho họ?

- Thời đại nào thì lớp trẻ cũng có riêng thần tượng của họ. Nhưng tôi nghĩ những thần tượng đó cần được đưa lên một cách đúng đắn – là những người đóng góp những điều tốt đẹp cho xã hội. Chính thần tượng của giới trẻ sẽ phản ánh cái thiếu của xã hội và sự nhận thức thật sự của họ. Nếu những thần tượng đấy là rất vớ vẩn thì chứng tỏ là cái nhận thức của lớp trẻ đang có vấn đề.

Để giới trẻ có thần tượng đẹp…

“Suốt thời gian qua, tôi cảm thấy dường như lớp trẻ của chúng ta bị bỏ hoang” (Nhạc sĩ Quốc Trung).

* Đối với anh, thời trẻ anh thần tượng ai?

- Có rất nhiều. Lúc bé tôi rất thần tượng nhà bác học Edison, lớn hơn tí nữa là những nhân vật trong tiểu thuyết hoặc là các nhà văn. Đến khi chơi nhạc thì bắt đầu thần tượng những ngôi sao nhạc rock…

* Thần tượng của anh hồi đó có trường hợp nào chưa được phổ biến ở Việt Nam?

- Rất nhiều, ví dụ như đầu những năm 1980, tôi rất thích nhóm nhạc Dire Straits và thời điểm ấy những ngôi sao ca nhạc phương Tây như thế chưa được phổ biến tại Việt Nam.

* Anh có thần tượng ai mà ngay cả bố mẹ anh cũng không đồng ý?

- Có chứ, ví dụ như nhóm Dire Straits nói trên. Ngày xưa tôi mê nhóm này lắm nhưng bố tôi thì luôn quát rằng “mày nghe ai hát cái gì mà kinh thế”. Lúc ấy tôi rất khó chịu, Mark Knopfler hát hay thế kia mà lại bảo là kinh. Bỏ ngoài tai, tôi vẫn rất đắm đuối với ban nhạc này.

* Vậy khoảng cách thế hệ có phải là nguyên nhân làm cho nhiều người lớn đánh giá sai về thần tượng của con cháu mình?

- Đúng là mình phải hiểu được lớp trẻ, chúng ta ai cũng đã từng như thế. Chúng ta phải hiểu tại sao lớp trẻ lại lựa chọn như vậy. Chứ nếu nghĩ tất cả những thần tượng của giới trẻ là vớ vẩn thì không được. Chúng ta phải đối thoại với họ. 

* Vậy thần tượng của anh ngày xưa và của giới trẻ bây giờ có gì khác nhau?

- Rất khác, bởi xã hội ngày xưa làm gì đã có sự phát triển của truyền thông, của công nghệ thông tin. Nó không thể nào được như bây giờ, không thể tạo những làn sóng một cách nhanh chóng như ngày nay được. 

* Ttheo anh, xã hội phải làm gì để giới trẻ có những nhận thức đúng đắn trong việc tiếp nhận thần tượng?

- Tôi thấy bây giờ xã hội mang tính áp đặt hơn là dẫn dắt. Mà chuyện đó không phải từ bây giờ. Nếu chúng ta không đào tạo những kỹ năng để tự phát hiện, tự đánh giá và không cho giới trẻ cái thói quen được trình bày cách nghĩ của mình thì đấy là sự thiệt thòi.

Bên cạnh đó, tính kế thừa cũng rất quan trọng vì nếu để đứt quãng thì sự phát triển sẽ theo chiều hướng không cơ bản. Trước đây tôi thần tượng âm nhạc phương Tây rất nhiều nhưng tôi vẫn kết nối được với gia đình, với những tiền bối, với thế hệ trước. Nếu chúng ta không có sự dẫn dắt đấy, không có sự kế thừa thì sẽ không thấy gốc ở đâu cả và điều đó tôi nghĩ là rất nguy hại.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Nguyên Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm