Nhạc sĩ Dương Thụ: Âm nhạc đang là 'kép phụ' của nghệ thuật

29/08/2013 21:19 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Bước sang năm thứ năm, chương trình Hòa nhạc VietnamNet Điều Còn Mãi như thường lệ sẽ diễn ra vào 14h ngày Quốc khánh 2/9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Với đúng tinh thần giới thiệu âm nhạc Việt Nam qua khí nhạc và thanh nhạc, chương trình được xây dựng theo hình thức concert, không dùng “chiêu trò".

Thethaovanhoa.vn đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Dương Thụ - Giám đốc nghệ thuật của chương trình.

Mơ có tiền để làm tốt hơn

* Gắn bó với Hòa nhạc Điều Còn Mãi đến mùa thứ năm, ông cảm thấy mình đã làm được những gì và còn những mong muốn mà vẫn chưa thành hiện thực?

- Về ý tưởng và tinh thần làm việc thì tôi và cả ê-kíp luôn sẵn sàng, nhưng đôi khi “lực bất tòng tâm” vì thiếu tiền. Kinh tế khó khăn nên chúng tôi phải làm việc với một khoản kinh phí có hạn. Điều tôi mong muốn nhất là nâng cấp âm thanh cho chương trình, vì nếu chất lượng xem tại chỗ là 10 thì nghe trực tiếp qua TV chỉ còn một. Tôi mong không chỉ 500 khán giả tại sân khấu Nhà hát lớn, mà hàng triệu khán giả xem truyền hình cả nước cũng được nghe với chất lượng âm thanh tốt.


Từ trái qua: Ca sĩ Nguyên Thảo, nhạc sĩ Dương Thụ, ca sĩ Hồng Nhung và ca sĩ Mỹ Linh trong chương trình Điều Còn Mãi 2012

Chương trình không thể bán vé nên tôi chờ đợi những doanh nhân, những “đại gia” nhìn nhận ra được giá trị của văn hóa cùng chung tay thực hiện những chương trình như vậy.

* Có thâm niên tới 5 năm, vì sao cho đến nay Điều Còn Mãi không chịu thay đổi?

Về khí nhạc, bên cạnh những gương mặt gạo cội như Văn Ký, Hoàng Dương, Đàm Linh, Ca Lê Thuần, sẽ có ba gương mặt "mới" được “lăng xê”, với các tác phẩm:

Tác phẩm khí nhạc ngũ tấu Ngẫu hứng phố được Trọng Đài viết cho bộ hơi, bộ gõ trong dàn nhạc giao hưởng kết hợp với kèn trong Tuồng truyền thống với đàn đáy, sênh phách của ca trù.

Tác phẩm nhạc phim Cánh đồng bất tận của nhạc sĩ Quốc Trung được viết cho dàn dây.

Bài dân ca Se chỉ luồn kim được nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng chuyển thể cho dàn nhạc giao hưởng.
- Điều còn mãi kể từ khi ra đời đến nay là chương trình về “lịch sử tâm hồn người Việt”, được tổ chức định kỳ nên về bố cục, sẽ không có gì thay đổi. Chúng tôi sẽ chỉ điều chỉnh liều lượng giữa cái dễ nghe và khó nghe, giữa quen thuộc hoặc mới mẻ.

Mỗi năm, chúng tôi sẽ giới thiệu đến khán giả những tác phẩm về thanh nhạc và khí nhạc, có thể quen thuộc hoặc chưa quen thuộc nhưng đều là giá trị của nền âm nhạc Việt Nam.

Năm nay, chỉ có một chút thay đổi là thời gian dành cho trình diễn khí nhạc sẽ nhiều hơn thanh nhạc. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của các gương mặt nghệ sĩ mới.

Phải kể đến hai tài năng trẻ, nói một cách “chém gió” thì có thể coi họ là thần đồng. Đó là pianist Đỗ Hoàng Linh Chi và violinist Đỗ Phương Nhi. Cả hai nghệ sĩ trẻ này đều đã có những buổi hòa nhạc cùng dàn nhạc quốc gia, có những thành tích được ghi nhận tại khu vực và tôi thấy xứng đáng có mặt trong chương trình này.

* Pianist Đỗ Hoàng Linh Chi có chia sẻ lần này tham dự sẽ là một thử thách lớn vì cô ấy chưa chơi nhiều những tác phẩm khí nhạc Việt Nam. Ông có nghĩ là mình đang làm “khó” những nghệ sĩ trẻ?

- Tất nhiên, tâm hồn của người trẻ chơi nhạc Việt có thể không được như khi họ chơi nhạc cổ điển nhưng tôi muốn những tài năng trẻ có cơ hội tiếp cận và hiểu những tác phẩm âm nhạc Việt Nam. Đó là một tiếp nối tốt vì họ chính là tương lại nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam.

Việc để những nghệ sĩ còn rất trẻ, mới 16 – 17 tuổi chơi những tác phẩm đã có mặt hàng thập kỉ cũng là cách đem lại những cảm nhận mới mẻ cho khán giả. Thử thách của Linh Chi là Concertino cho piano và dàn nhạc (Ca Lê Thuần) còn Phương Nhi là tác phẩm đỉnh cao của Việt Nam: Rhapsodie Chim ưng viết cho violon và dàn nhạc (Đàm Linh).

Âm nhạc là để nghe

* Đời sống âm nhạc hiện nay đang bị nghiêng về tính giải trí quá nhiều. Theo ông, làm thế nào để những chương trình nghệ thuật thưởng thức vẫn có chỗ đứng riêng và không quá xa rời công chúng?

- Tôi nghĩ là phải xây dựng được công chúng. Người ta đang hiểu nhầm khái niệm công chúng âm nhạc. Nếu chỉ nghe thôi thì chưa phải là công chúng vì vào đến quán… thịt chó cũng có nhạc. Công chúng âm nhạc là công chúng phải hiểu nhạc. Và để xây dựng công chúng âm nhạc sẽ không phải bắt đầu từ chủ trương nào mà từ chính âm nhạc. Nếu là người hay thì phải làm nhạc tử tế. Nếu mình có tác phẩm, có ê-kíp tốt, có thể kêu gọi doanh nhân và bán vé để nuôi nghệ sĩ thì tại sao không làm? Rõ ràng là mình phải làm, chỉ có điều một mình mình làm thì không thể kham nổi.


Các tác phẩm khí nhạc có vai trò quan trọng trong 'Điều còn mãi'

Tôi nghĩ rằng, cái gì có ở trên đời cũng đúng cả vì nếu không thì không thể tồn tại được. Nhưng chúng ta phải hiểu và phân biệt được giá trị. Âm nhạc sinh ra để nghe chứ không phải để xem. Bây giờ người ta đang biến âm nhạc trở thành “kép phụ” của nghệ thuật. Thời trang, múa... cái gì cũng dùng nhạc, nhưng là để tôn những cái khác lên chứ không phải âm nhạc.

Vẫn biết nhiều lúc cần phải có giải trí, có “gia vị” vì chỉ thưởng thức không thôi thì cũng nặng đầu lắm nhưng cần cân bằng yếu tố nghe và nhìn. Với nghệ thuật thì vẫn phải nặng về yếu tố nghe. Tôi không phản đối mọi người làm giải trí, nhưng với tư cách một nhạc sĩ, tôi muốn mọi người được nghe nhạc đích thực.

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện !

Gia Khanh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm