Nhạc sĩ Anh Quân: Định kiến ở ta rất ghê gớm

17/08/2009 07:18 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Không phải “chiếu dời đô” mà là “chiếu rời đô”: chuyển nhà từ trung tâm thành phố ra ngoại thành Hà Nội (Sóc Sơn), gia đình Anh Quân - Mỹ Linh vừa lập một kỷ lục: sở hữu một phòng thu tại gia lớn nhất và… xa nhất Hà Nội. Mơ ước của người cả đời đắm đuối với phòng thu, hay nói như Anh Quân là “chết vì … âm thanh” đã đạt được, nhưng cũng là lúc người “cầm quân” của ban nhạc Anh Em chép miệng: “Thời “máu lửa” nhất của tôi đã qua rồi!”

Cái tội của phòng thu là gây ra nhiều … “nghi án”

* Một phòng thu lớn hơn - đó có phải là động lực chính khiến anh “nhổ neo” khỏi nội thành?

- Chính xác là như vậy! Tôi làm gì cũng vì... âm thanh mà! Làm phòng thu không gì sướng bằng tách ra hẳn khỏi mọi thứ nhốn nháo. Vả lại, từ lâu, vợ chồng tôi cũng luôn muốn thoát ra khỏi những ngột ngạt phố phường, để dễ thở hơn trên đường về nhà và giúp bọn trẻ có điều kiện gần gũi hơn với thiên nhiên... Vui là các “anh chị” ấy từ chỗ không biết con bọ ngựa màu xanh hay đỏ mà giờ đã biết ra vườn bắt châu chấu và đuổi bướm...

* Và ông bố - người bị nghi là “Trương Phi” hẳn cũng nhờ thế mà “mềm tính” hơn chút cho “cả nhà được nhờ” chăng?

- Ô, tôi không nghĩ mình nóng tính tới mức cần cho đi “trại tập trung cải tạo” đến thế đâu nhé!


“Ông bố khó tính” cuối cùng cũng đã mỉm cười Ảnh: Nguyễn Đình Toán
* Có họa là “siêu Trương Phi” thì mới không chịu mát tính trước một “phòng thu trong mơ”! So với cũ, phòng thu mới của anh có những điểm nào “hơn người”, đủ để dân tình không quản đường xa?

- Nó có quy mô lớn hơn hẳn, không dừng ở một home studio nữa mà đã ra dáng một studio chuyên nghiệp hơn. Nếu như phòng thu cũ là một ô bé, nằm lọt trong nhà thì phòng thu hiện nay tách ra thành một khu riêng, rộng khoảng 100m2. Trước, muốn thu cả dàn nhạc, phòng thu nhỏ buộc chúng tôi phải cho “đánh quả lẻ” từng nhạc cụ rồi sau mới “cấy ghép”, nên rất ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh lẫn cảm hứng sáng tạo. Còn giờ, phòng thu mới cho phép thu âm cùng lúc cả dàn nhạc dây lớn, đảm bảo chất lượng thu thanh acoustic đạt chuẩn.

* Dễ phải trút cả núi tiền vào đó đấy nhỉ?

- Ôi gì chứ khoản “đi chợ phòng thu” tôi chịu khó “cân đong đo đếm” lắm! Không đùa được với phòng thu đâu, siêu đắt đỏ, nếu như tính chuyên nghiệp nó hết sức. May cho tôi là túm được một cậu học ở Đức về, chuyên gia phòng thu luôn. Thế là sau một hồi tính nát nước, hai anh em cũng nghĩ ra được đủ chiêu giúp tiết giảm chi phí đến mức có thể, mà vẫn cho ra được những âm thanh đạt chuẩn. Thay vì cái gì cũng phải ăn sẵn, chúng tôi tự mày mò design rồi thuê thợ nhà mình làm. Thợ Việt Nam khéo tay lắm, nên có những món tôi cá là chả thua kém gì những thứ mua “ở bển” cả, nếu không muốn nói là còn có phần tinh tế tỉ mẩn hơn...

* Những khách hàng dự tính xông đất cho phòng thu?

-  Nếu không tính chủ nhà với album Mỹ Linh Acoustic đang làm thì những khách hàng đầu tiên đều là khách ở Nam ra: Đức Tuấn, Nguyên Thảo.

* Nguyên Thảo có đợt bị phán là giống Mỹ Linh do cùng một “bà mụ nặn ra” mà vẫn chưa ngán phòng thu Anh Quân sao?

- Ăn thua gì! Một khi cái tội của phòng thu là luôn gây ra những “nghi án” kiểu đấy, dưới cái nhìn định kiến và chủ quan của công chúng nhà mình, và kể cả giới làm nghề, thì có mà “chạy giời không khỏi nắng”. Những định kiến rất “trời ơi” nhưng phải nói là rất ghê gớm và có lẽ chỉ có ở nhà mình, ở một thị trường âm nhạc còn lâu mới chuyên nghiệp được, ít ra trong cách nhìn nhận, thẩm định các giá trị. Chả phải trước khi thu đĩa ở phòng thu Anh Em, Nguyên Thảo cũng từng bị bảo là “nhả chữ” giống Hồng Nhung đấy sao? Hay như Phương Anh, trước khi bị bảo giống Mỹ Linh thì lại bị bảo là bắt chước Thanh Lam... Phàm cứ ở phòng thu Anh Em ra thì ngay lập tức bị bảo là giống Mỹ Linh hết - đấy rõ ràng là một định kiến chủ quan hết sức!

* Vô lý như định kiến! Nhưng biết đâu, định kiến cũng có lúc có lý? Đâu loại trừ cái tạng, cái gu của nhà sản xuất cũng có thể làm nên những “khuôn đúc” ngoài chủ ý?

- Khuôn đúc bị tạo ra hay không trước hết và trên hết nằm trong cá tính và bản lĩnh sáng tạo của từng ca sĩ chứ không phải ở nhà sản xuất. Một nhà sản xuất chuyên nghiệp và tỉnh táo là phải biết giúp khách hàng của mình “phanh lại” kịp thời khi nhận ra họ bị ảnh hưởng một ai đó đi trước (dù điều này ít nhiều là khó tránh ở những ca sĩ trẻ giai đoạn đầu). Cứ đi hỏi Nguyên Thảo hay Phương Anh thì biết, bài nào, câu nào mà hai cô vô tình hát giống Mỹ Linh là tôi lập tức bảo ngay, thậm chí chỉ ra từng câu, từng chữ. Chả bảo thì ai cũng biết, trong nghệ thuật, ky nhất là chữ “giống”, chữ “lặp lại”. Nhưng cố nhiên, không loại trừ, có những ảnh hưởng là vô thức và đôi khi nằm ngoài tầm kiểm soát của “thân chủ”. Tuy nhiên, nói “ảnh hưởng” thì cũng rộng lắm, và vô cùng lắm. Là chuyện của cả một nền âm nhạc, lẫn hội họa, điện ảnh..., chứ đâu chỉ ở từng cá nhân. Cứ xem giáo trình nhạc viện thì biết, dễ chừng không phải đến 2/3 là nhạc nước ngoài đấy sao, nhất là nhạc cổ điển - chẳng nhẽ như thế cũng bảo là ảnh hưởng, và sợ bị ảnh hưởng? Ảnh hưởng theo tôi tự nó không xấu, thậm chí là cần thiết để góp phần làm chắc nền tảng, và là động lực cho sự tìm kiếm cái riêng, để thoát ra chính sự ảnh hưởng.

* Điều gì, theo anh, trường nhạc không dạy được nhưng lại có thể học được ở phòng thu?

- Kỹ thuật học ở trường. Phòng thu cho kinh nghiệm.

Thị trường âm nhạc Việt: Bé mới lắm chuyện!

* Đức Tuấn, Nguyên Thảo... hay trước kia là Hồ Ngọc Hà - vẻ như luôn có một làn sóng ngầm các ca sĩ đánh đường ra Bắc tìm phòng thu thì phải? Anh nghĩ nguyên nhân có phải vì một thị trường sôi động như TP.HCM thì cũng đồng thời là một thị trường bát nháo?

- Tôi nghĩ nếu như có một ca sĩ người Nhật hay Singapore đánh đường về Việt Nam tìm phòng thu thì lúc đó hãy gọi đấy là “làn sóng”, hãy lấy làm mừng và hy vọng. Chứ từ Nam dội ra Bắc thì hơi đâu mà so sánh cho mệt! Thị trường âm nhạc Việt Nam bé lắm, và bé thì mới là lắm chuyện, mới dễ hóa khó, chứ không phải là chuyện Nam hay Bắc.

* “Bé thì mới là lắm chuyện” - ý anh là sao?


Anh Quân và Mỹ Linh trên sân khấu
- Thì một chiếc bánh, càng bé thì càng khó chia chứ sao? Chuyện thật giả lẫn lộn, đùn đẩy, vây cánh, chuyện “con gà tức nhau tiếng gáy” là từ đấy mà ra. Chuyện “tự kỷ ám thị”, thiếu tự tin khi gõ cửa và mở cửa cũng từ đấy mà ra. Những định kiến cũng từ đấy mà ra. Trong khi ở các nước phát triển, những nghệ sĩ lớn của họ luôn thoải mái và tự tin mở mọi cánh cửa và mở rộng hết sức. Họ luôn tự tin vào ngôn ngữ quốc tế của họ... Nỗi khổ đĩa lậu cũng vì thế mà khổ hơn nơi khác. Ở nước ngoài, người ta có gan làm nghề thong thả, hai năm, năm năm, thậm chí mười năm mới ra một đĩa vẫn sống tốt, nhờ tiền tác quyền, nhờ lấy chỗ này đập chỗ kia được, đây làm đĩa ở mình thị trường đã bé thì chớ, lại bị nạn đĩa lậu bóp chết từ trong trứng nước, muốn lấy chỗ này đập chỗ kia nhiều khi cũng không biết lấy ở đâu... Và đây rõ ràng không chỉ là chuyện tiền, mà còn là cảm giác người nghệ sĩ cùng lao động nghệ thuật của họ không được tôn trọng.

* Chuyện “tôn trọng nghệ sĩ” thì đâu phải là vấn đề ở mỗi Việt Nam! Ngay cả với trường hợp vừa được tôn vinh bằng một tang lễ ngang tầm nguyên thủ quốc gia như Michael Jackson, chẳng phải đường đến vinh quang và tụt đỉnh của vua nhạc pop cũng vấp phải đầy rẫy những cái “ổ gà” của sự thiếu tôn trọng đấy sao! Không cứ gì chuyện thật giả lẫn lộn, hay đĩa lậu bị thả nổi...

- Vinh quang nào mà chẳng phải trả giá - đã dấn thân vào nghệ thuật một cách nghiêm túc, có ai là không biết trước và sẵn sàng chấp nhận điều đó! Thế nhưng, đúng vậy, hãy nhìn vào tang lễ  được dành riêng cho Michael Jackson, đây rõ ràng là  cả một sự vinh danh đầy trân trọng và là niềm an ủi cho không chỉ người đã khuất, thân nhân của họ, mà còn là lời động viên cho toàn bộ giới nghệ sĩ trên khắp thế giới, rằng những cống hiến nghệ thuật của họ được nhớ và được trân trọng đến thế nào, trong lòng bạn nghề cũng như công chúng. Hay như cảnh tượng những buổi lễ trao giải Grammy, Oscar, hãy xem cái cách cả khán phòng cùng đứng dậy, trong đó có cả những nghệ sĩ gạo cội, để cùng vỗ tay vinh danh một tên tuổi mới, nhiều khi còn rất trẻ. Đấy là cả một thái độ trân trọng, là cái tình đồng nghiệp giữa những người cùng làm nghề. Đây, điều đó có không, trong những buổi lễ trao giải ở mình? Sự đố ky trong nghề ở ta, đáng tiếc, tôi e là có!

* Và tất cả những điều đó có làm anh nản lòng?

- Làm sao tránh khỏi những phút nản lòng, khi trái tim nghệ sĩ - như người ta vẫn nói - luôn nhạy cảm và dễ tổn thương hơn người khác. So với năm - bảy năm về trước, đúng là thời “máu lửa” nhất của tôi đã qua rồi! Vì những cọ xát ấy. Không đến nỗi làm rách da chảy máu. Nhưng lại gây thương tổn bên trong.

* Vậy còn “phòng thu trong mơ”, lẽ nào nó lại có thể tỷ lệ nghịch với bầu nhiệt huyết?

- Phòng thu với tôi là âm nhạc, không phải là một công đoạn. Và âm nhạc chỉ có thể bay lên từ bệ đỡ âm thanh. Làm nhạc có hay đến mấy mà âm thanh dở thì cũng vứt! Tương tự, lời có hay đến mấy mà nhạc dở thì cũng vứt, vì giai điệu hay làm người ta nhớ lời chứ không phải lời hay làm người ta nhớ giai điệu. Tôi càng nghiệm ra điều đấy khi cùng Anh Em thực hiện Mỹ Linh Tour’06: lúc cái gọi là âm thanh đạt chuẩn nổi lên, mọi người từ ban nhạc đến ca sĩ và khán giả đều hào hứng nhập cuộc ngay từ đầu và điều đó làm nên một sự cộng hưởng trên cả mong đợi. Không phủ nhận là mình có những lúc nản lòng, mệt mỏi, nhưng hoang mang thì tôi chưa bao giờ. Cái nghiệp này, một khi đã ngấm vào người thì đừng mong bỏ được! Nữa là tôi đời nào mong! Nên tôi luôn biết mình cần làm cái gì và cần đi đến đâu. Cái đích của tôi, trước sau chỉ đơn giản là làm sao sống được bằng nghề và góp phần cùng Anh Em tạo ra sự lan tỏa của âm nhạc. Và tôi nghĩ mình đang cố gắng làm được điều đấy!

* 10 năm gắn bó cùng Anh Em và Mỹ Linh, liệu đã bao giờ anh lo mình cũ?

- Thế nào là mới, thế nào là cũ? Mới, phải đâu là cứ đáo qua cái này một tí, đáo qua cái kia một tí, rồi bảo đấy là cái mới? Và kiên định một con đường, trước sau như nhất - lẽ nào là cũ? Hãy xem lại một lượt Michael Jackson đi, suốt từ thuở The Jackson Five đến mãi về sau này, vẫn luôn là một phong cách đấy, nhưng thách ai dám bảo Michael Jackson cũ! Với tôi, âm nhạc không có cũ hay mới mà chỉ có hay hay dở, và muốn hay, phải được phát triển trên một nền tảng vững.

Tôi và Huy Tuấn chưa bao giờ sứt mẻ

* Nhưng 10 năm, theo anh, đã đủ dài để có thể khép lại một chặng đường? Giữa anh và... Huy Tuấn chẳng hạn! Khi mà gần đây Huy Tuấn vẻ như đang “nhãng” Anh Em ra và nghiêng nhiều hơn về nhạc thị trường. Anh biết chuyện Tuấn nhận lời làm album cho “chân dài” Maya chứ, và nghe đâu, cả Thủy Top?

- Để phán xét một người tôi e rất khó và để cắt nghĩa vì sao họ lại làm thế là cả một vấn đề, không thể nghĩ theo cách của mình được. Chuyện Thủy Top thì tôi không nghe, nhưng chuyện Tuấn làm album cho Maya thì tôi được biết từ đầu vì cô ấy từng đến phòng thu của Anh Em và “nhận định sơ bộ” của tôi: cô này không đến mức độ là không biết hát. Chuyện này tôi thấy bình thường. Cách đây bảy năm, Tuấn cũng đã từng làm album đầu tay cho Hồ Ngọc Hà đấy thôi và giờ Hồ Ngọc Hà là thế! Ai cũng thế cả thôi, ngoài chuyện làm nghề tâm huyết ra, thì chuyện kinh tế cũng phải tính đến. Chính vậy mà trong mười năm chia ngọt sẻ bùi, tôi và Anh Em đã có lúc phải chấp nhận đánh những bản nhạc sến trong những chương trình mình đi “đánh thuê” (vì nếu tôi không nhận, thì anh em lấy đâu tiền để sống). Mỗi người đều có quyền lựa chọn riêng của mình. Có chăng là người nào nghiêng về cái nào nhiều hơn hay không mà thôi. Tôi thấy tôi chẳng có quyền gì và cũng không có nhu cầu can thiệp vào công việc của Tuấn, trừ phi Tuấn đi làm những điều tôi không thuận với tư cách là một thành viên của Anh Em. Bởi vì một khi đã đứng vào đội hình ban nhóm, là buộc lòng mỗi thành viên phải cùng nhìn về một hướng, phải biết dìm bớt tính sĩ diện của mình đi một chút, đừng bao giờ tính chuyện ai cần phải trội hơn ai. Vì nếu muốn chơi trội thì tốt nhất nên đứng riêng!

* Đã đành là việc riêng của Tuấn! Nhưng anh không nghĩ: sau khi “đi chơi” với nhạc thị trường về, không chừng cộng sự của anh sẽ khó về lại với “bà mẹ chồng khó tính” Anh Em sao?

- Chuyện này tôi nghĩ nó không nằm ở sự ổn định về chuyên môn mà là ở nhân tố con người, rằng liệu anh có đủ tâm huyết, sinh khí để quay về lại và đi tiếp con đường chính đã chọn hay không. Đấy mới là vấn đề!

* Trong trường hợp “chân ngoài (mải) dài hơn chân trong” mãi thế, liệu Anh Em có tính đến chuyện chấp nhận “mất” Huy Tuấn?

- Đấy là điều mà Anh Em chưa bao giờ đặt ra, vì theo tôi, chuyện không nghiêm trọng đến mức đấy!

* Vẫn có thể nhận ra sự khác nhau giữa Anh Quân - Huy Tuấn ngay cả khi cùng “đóng mác” Anh Em. Hẳn từng có những tranh luận?

- Đương nhiên, thậm chí trong hầu hết các bản thu, các album. Thường thì Tuấn muốn làm ca khúc theo hướng dễ nghe hơn, còn tôi thì nghĩ: Quan trọng không phải là dễ hay khó nghe. Khó đến mấy mà hay thì người ta cũng vẫn có lúc nghe được!

* Cái khác nhất giữa anh và Huy Tuấn có phải là: Con đường riêng của Anh Em chính là con đường riêng của anh, còn với Huy Tuấn thì không hẳn?

- Chính xác con đường riêng của Anh Em chính là con đường riêng của tôi hơn là của bất kỳ ai vì Anh Em là đứa con mang họ tôi, tôi không dưỡng nó thì để ai?

* Vậy cách nào để vừa làm rõ hình hài đứa con mang họ mình vừa tránh được việc áp đặt quá mức cá tính của mình lên cộng sự?

- Rất đơn giản thôi! Một gia đình thì phải có bố có mẹ, có ông có bà. Trong một cái mâm có những cái bát, trong đó có một cái bát là của riêng mình, còn đòi gì nữa?

* Dư luận đang đoán mò: Sở dĩ có chuyện Huy Tuấn “nhãng” Anh Em là vì có cơ sự “hỏng cơm hỏng cháo” gì đó với anh?

- Vậy tôi có thể khẳng định rằng mặc dù từng có những tranh luận quyết liệt khi làm nghề nhưng giữa tôi và Huy Tuấn chưa bao giờ có sự sứt mẻ quan hệ. Thậm chí, sau mười năm đi cùng nhau, tôi vẫn rất hết lòng yêu quý ê-kíp của mình - một ê-kíp mà tôi có thể tự hào nói rằng, đã làm ra khái niệm “ê-kíp” một cách đúng nghĩa đầu tiên trong showbiz Việt!

* Cảm ơn anh.

Thư Quỳnh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm