12/11/2012 13:21 GMT+7 | Đọc - Xem
Tác giả của những tiểu thuyết nổi tiếng như American Pastoral - vốn mang về cho ông giải Pulitzer, đã quyết định giải nghệ.
Cạn cảm hứng sáng tác
Philip Roth tuyên bố về quyết định đặc biệt này trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Pháp Les Inrocks vào tháng trước. Nhà xuất bản Houghton Mifflin hôm 9/11 cũng xác nhận quyết định của Roth.
Roth, 79 tuổi, là một trong những tiểu thuyết gia được thế giới kính nể nhất và thường được đưa vào danh sách đề cử trao giải Nobel Văn chương. Tuy nhiên ông nói rằng trong 3 năm qua mình đã chẳng viết gì cả. "Nói thực với các bạn thế này, tôi xong phim rồi" - ông thổ lộ với Les Inrocks - Nemesis sẽ là cuốn sách cuối của tôi".
Roth, người đã có trong tay khoảng 25 cuốn tiểu thuyết, cho Les Inrocks biết rằng ông luôn cảm thấy viết lách là điều khó khăn và ông muốn dành thời gian nhiều hơn cho việc đọc, viết bình luận hoặc bàn thảo về sách. Ông cũng cho biết khi 74 tuổi, ông đã đọc lại các tiểu thuyết ưa thích do Ernest Hemingway, Ivan Turgenev, Fyodor Dostoyevsky và những người khác viết, trước khi đọc lại tiểu thuyết của ông.
"Tôi muốn kiểm nghiệm xem có phải mình đã phí thời gian viết lách hay không. Sau đó, tôi quyết định rằng viết như thế là đủ rồi. Tôi không còn muốn đọc hay viết nữa. Tôi thậm chí không còn muốn nói về văn chương nữa" - ông nói - "Tôi đã dành cả đời mình cho tiểu thuyết: tôi nghiên cứu, dạy, viết, đọc và chẳng quan tâm tới bất kỳ điều gì khác ngoài nó. Thế là đủ lắm rồi. Tôi không còn thấy lại cảm giác như cuồng tín trong việc viết lách mà tôi vẫn cảm nhận được trước đây. Ý tưởng cố viết trở lại là điều không thể"
Sự giải nghệ của Roth đã được đánh giá là sáng suốt |
Bậc thầy tự làm mới mình
Quyết định của Roth đã khiến người hâm mộ ông không khỏi bị sốc. Nhà báo Robert McCrum của tờ Daily Beast nói rằng Roth đã luôn giống như một nhân vật bất khả chiến bại trong giới văn chương. Ông thường thổi sinh khí mới vào hoạt động nghệ thuật của mình, luôn làm mới mình.
Trong sự nghiệp trải dài của mình, Roth đã có nhiều phong cách văn chương khác nhau. Trước tiên phải kể tới việc ông đã thể hiện các đặc điểm của một thần đồng trong tác phẩm Goodbye, Columbus - một tuyển tập truyện ngắn về cuộc sống của những người Do Thái ở Mỹ.
Tiếp đó là phong cách gây sốc trong Portnoy’s Complaint, tập tiểu thuyết đã biến Roth thành một nhà văn nổi tiếng. Cuốn truyện đã gây nhiều tranh cãi vì những cảnh tình dục trần trụi.
Tiếp đó là phong cách trào phúng thử nghiệm trong Our Gang and The Breast. Khi bước vào giai đoạn đầu của tuổi trung niên, Roth tiếp tục khám phá cuộc sống đầy sóng gió của ông trong My Life as a Man and The Professor of Desire. Phần sau của tuổi trung niên, ông nuôi dưỡng một phong cách văn chương trưởng thành hơn. Nhưng đó vẫn chưa phải là những gì tuyệt nhất của Roth.
Năm 1997, khi Roth đang trong độ tuổi giữa 60, ông đã tung ra một loạt tiểu thuyết và được độc giả ở cả hai bờ Đại Tây Dương ca ngợi. Với các tác phẩm như American Pastoral, The Human Stain, The Dying Anima và The Plot Against America, Roth đã tỏa sáng rực rỡ ở phần cuối cuộc đời ông. McCrum nói rằng không một nhà văn Mỹ nào thời hiện đại có giai đoạn bùng nổ thứ hai trong sự nghiệp, dù muộn nhưng gây ấn tượng đặc biệt khác thường như Roth.
Giải nghệ là sáng suốt
Sau đợt bùng nổ này, Roth bắt đầu thể hiện tâm trạng muốn chia tay với văn chương. 4 tác phẩm gần đây của ông là Everyman, Indignation, The Humbling và Nemesis đều là các cuốn truyện dung lượng ngắn, hướng sự quan tâm vào tuổi già, sự suy giảm thể lực, trầm cảm và cái chết. Và giờ, ông quyết định giải nghệ.
McCrum nói rằng đó là hành động sáng suốt, bởi cuộc sống cuối đời của các nhà văn từng nổi tiếng thường kết thúc một cách tệ hại. Sức khỏe yếu, không còn được độc giả ủng hộ, chẳng ai chú ý, thậm chí bị điên là một trong các cái kết thường gặp. Tác phẩm của các nhà văn ở giai đoạn cuối sự nghiệp thường tồi hơn trước và những cuốn sách cuối cùng mang tới những trải nghiệm đáng xấu hổ.
Trước đây, cái chết thường được xem là kết cục "sáng sủa" nhất với các nhà văn đã có danh tiếng. Dickens chết vì đột quỵ ở tuổi 57, khi đang viết dở cuốn Edwin Drood. Người cùng thời ông, nhà văn Herman Melville, sống trong cảnh nợ nần và không tên tuổi cho tới tận khi qua đời vào năm 1891, 40 năm sau khi nổi tiếng nhờ tác phẩm Moby Dick.
Những cái kết như thế không phải là sự lựa chọn ưa thích của giới nhà văn hiện đại. W.G. Sebald đã qua đời vì tai nạn đụng xe hồi năm 2001. Ted Hughes chết sớm hồi năm 1998.
Đó chỉ là các trường hợp cá biệt. Phần lớn các nhà văn khác vẫn bám trụ lại với nghề, dù phong độ họ đã giảm sút, nhờ vào vòng xoay liên tục của các liên hoan sách, nhờ tham gia hoạt động phê bình văn chương, nhờ sự tái sinh của các thói quen đọc cũ. Ngoài ra, sự tự tin, chủ nghĩa lạc quan, sự thách thức số phận và cả nhu cầu cơm áo gạo tiền thuần túy đã giữ chân các nhà văn già ở lại cuộc chơi, rất lâu sau thời điểm họ lẽ ra nên rút lui.
Vì thế, tuyên bố của Roth, dù khiến nhiều người hâm mộ buồn, nhưng cũng rất đáng nhận được sự tán thưởng. Ông đã gia nhập một đội ngũ nhỏ các văn nghệ sĩ quyết định ra đi trong tư thế ngẩng cao đầu, gồm cả William Shakespeare, người đã giải nghệ vào năm 1611 và sống lặng lẽ ở Stratford cho tới khi qua đời vào năm 1616. Hậu duệ đã đánh giá rất cao Shakespeare vì hành động đó. Rất có thể Roth, sau khi đã xem xét tới vị trí của mình trong làng văn chương, cũng đã quyết định rút lui để nhận được sự ca ngợi tương tự.
Tường Linh (theo AP)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất