Nhà văn Nguyễn Một: Viết văn bằng linh cảm

07/11/2013 07:07 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Từ một giáo viên tiểu học, trở thành nhà báo, rồi là quản lý truyền thông cho một công ty cỡ lớn, những tưởng như thế là “đời lên hương”. Nhưng điều quan trọng với chính Nguyễn Một lại là chuyện viết văn ngày càng mới mẻ và “ra tấm ra món” hơn. Chàng trai xứ Quảng mồ côi cha mẹ sống ở đất Đồng Nai tâm sự rằng đời anh nhiều biến động, nhưng ước mơ và chọn lựa anh muốn làm suốt đời vẫn là viết văn.

Nguyễn Một là tác giả của hơn 15 đầu sách, trong đó có 6 quyển viết cho thiếu nhi, năm 2006, anh trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tiểu thuyết Ngược Mặt trời của Nguyễn Một vừa in năm 2012 đã tái bản, nhận được nhiều đánh giá tích cực của độc giả. Mới đây, tác phẩm của anh vượt qua hơn 100 đối thủ, đoạt giải Nhất cuộc thi viết chân dung “Doanh nhân - Nghiệp & đời” do báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam và Phòng Công nghiệp & Thương mại Việt Nam tổ chức.

Nỗ lực kiềm chế bản năng

* Nguyễn Một ngày càng viết văn hay hơn, ấy là một thực tế mà nhiều người thấy, nhưng khó cắt nghĩa. Với anh, điều này đến từ quãng thời gian anh rời xa làng báo, chuyển qua làm truyền thông nên được thong thả đầu óc hơn?

- Xin cảm ơn những nhận xét của bạn về văn tôi và tôi xin khẳng định là sự thong thả chỉ là ước mơ trong đời sống phồn tạp, trong cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn hiện nay, cho nên không thể nói làm truyền thông thì thong thả hơn. Hơn mười năm làm báo cho tôi sự xông xáo, cho tôi bạn bè, nhưng thú thật là không thể viết văn hay cho được, vì ngôn ngữ báo chí cứ lẫn vào văn chương. Tôi khâm phục những nhà báo viết văn hay, tôi luôn thiếu tỉnh táo khi ngồi trước trang văn. Tôi đã nỗ lực thay đổi rất nhiều để có những trang văn ưng ý và được bạn đọc đón nhận.


Nhà văn Nguyễn Một. Ảnh: VB

* Quyết định nghỉ làm báo đến với anh có khó khăn không khi đang là cây bút xông xáo của Tiền phong, thu nhập tốt?

- Là người Việt còn đậm chất tiểu nông như tôi thì có sự thay đổi nào mà không phải đắn đo. Sau khi quen nhau hơn 6 năm, anh Trần Bá Dương rủ tôi về làm với Công ty Ô tô Trường Hải do anh ấy sáng lập. Anh ấy nói: “Anh có tố chất của nhà văn, khó thể trở thành nhà báo giỏi, với lại tuổi lớn rồi không chạy tin nổi như anh em trẻ đâu, anh về làm truyền thông cho tôi”. Thấy tôi đắn đo mãi, một người bạn hỏi: “Cuộc đời ông cái gì là quan trọng nhất?”. Tôi trả lời: “Gia đình, bạn bè và văn chương”. Người bạn cười: “Ông Dương là bạn ông, ông về đó đỡ áp lực báo chí để theo đuổi giấc mộng văn chương, ổn định chỗ làm, lo được cho gia đình, thế thì còn băn khoăn gì?”. Tôi bừng sáng và quyết định nhận lời.

Nhân đây cũng xin tâm sự thêm, nhiều người thấy bỏ báo về làm công ty, nghĩ rằng tôi được ưu ái lắm, sự thực môi trường doanh nghiệp khắc nghiệt lắm, không nỗ lực, không thay đổi kịp đà phát triển, không thể tồn tại. Tình bạn của tôi với anh Dương bên ngoài là một chuyện, còn công việc bên trong công ty là chuyện khác. Tôi vẫn thường nói với nhân viên phòng tôi là: “Vũ trụ này tồn tại bằng sự trật tự”. Nếu xã hội mất trật tự thì mọi thứ đảo lộn.

* Cũng lý trí đó chứ, vậy tại sao anh từng nói mình là nhà văn bản năng?

- Trước đây tôi không chỉ bản năng trong văn chương mà trong cả cuộc đời. Tôi lớn lên với hoàn cảnh cá nhân và hoàn cảnh đất nước rất tàn khốc, cuộc sống chỉ chăm chú mỗi việc kiếm cái gì đó bỏ vào miệng, ít được giáo dục. Trong hoàn cảnh sống đặc biệt đó, tôi tồn tại nhờ bản năng, nên khi trưởng thành, bản năng trong tôi rất mạnh. Đúng là tôi từng tuyên bố như vậy, vì nó đúng với con người mình. Tôi đã phải nỗ lực để kiềm chế bản năng, bởi tôi biết bản năng bao giờ cũng bị đánh giá thấp hơn trí tuệ và khi con người sống theo bản năng quá sẽ có ảnh hưởng xấu đến cộng đồng. Có thể nói tôi đã có chút tiến bộ và trong văn chương cũng thế, có lẽ vì vậy mà văn tôi hay hơn chăng?

* Anh viết hai thể loại (cho trẻ nhỏ và người lớn) với hai sinh quyển văn chương khác biệt, vậy thì phân chia làm sao trong việc thiết lập các tâm thế khác nhau này?

- Tôi bắt đầu viết cho thiếu nhi trước, ngày ấy còn đi dạy học, văn tôi trong trẻo và đầy tính giáo dục. Ngày đó nhà văn Nguyễn Quang Lập khi biên tập sách tôi đã nhận xét: “Văn mày như bông hoa đồng nội, mà lại được tỉa tót cẩn thận, cắm trong cái bình thủy tinh, văn thế chỉ có bọn con gái thích đọc”. Anh Lập nói đúng, khi viết thiếu nhi thì đối tượng đầu tiên tôi nghĩ đến là con gái đầu lòng của tôi, rồi mới đến các học sinh khác. Bút danh Dạ Thảo Linh cho truyện thiếu nhi là tên con gái. Nhưng tôi không song hành mãi được, bởi khi viết cho người lớn rồi, tôi viết lại cho thiếu nhi không được như ngày xưa. Tôi khởi thảo truyện dài Cô bé che miệng cười mãi 5 năm rồi vẫn chưa viết xong, cứ viết rồi xóa, rồi viết lại, rồi xóa.

* Thích viết về trẻ nhỏ, trong khi thế giới người lớn của anh ngày càng không phải dễ thở - trẻ con dường như khó có đất sống tươi xinh trong thế văn chương người lớn của anh?

- Đúng vậy - trẻ con không có đất sống tươi xinh trong thế văn chương người lớn của tôi. Vì vậy mỗi lần viết xong tác phẩm cho người lớn tôi lại thấy mình mắc nợ các em. Với tôi, viết văn phải dùng linh cảm, khi linh cảm về các em không rõ ràng, sinh động, viết sẽ không bao giờ tự nhiên.

Bìa tiểu thuyếtĐất trời vần vũ. Năm 2009, tác phẩm này bị Cục Xuất bản tạm ngưng phát hành, sau đó lại được trao giải Cuộc thi tiểu thuyết giai đoạn 2006 - 2010 của Hội Nhà văn Việt Nam


Về hưu tôi sẽ viết nhiều về doanh nhân

* Anh vừa đoạt giải viết về doanh nhân, nhiều người nghĩ giản đơn rằng viết về người quen, lại là sếp của mình khá dễ, nhưng tôi thì không nghĩ như vậy, và có lẽ Ban giám khảo càng không nghĩ vậy. Thuận lợi và thách thức khi viết về người quen  là gì?

- Khái niệm “quen” và “lạ” trong câu hỏi của anh là về không gian và thời gian hiện tại, còn tôi có khái niệm khác, như bản dịch câu kệ của Đạo Hạnh thiền sư: “Có thì có tự mảy may/Không thì cả thế gian này cũng không”. Có những người tôi mới gặp đã tưởng như quen từ tiền kiếp, có những người gặp hàng ngày vẫn thấy lạ. Vì vậy, không thể nói quen hay lạ mà viết dễ hay khó, mà vấn đề ở chỗ linh cảm của người viết. Tôi viết với linh cảm của nhà văn, nên khi gặp họ tôi không ghi chép, không ghi âm, chỉ lân la trò chuyện với họ, với người thân, với bạn bè, với công nhân của họ, sau đó là quá trình cảm nhận và sàng lọc những chi tiết gì đọng lại, tôi sẽ viết ra. Nghiệm lại, những linh cảm của tôi thường hay đúng. Ví dụ khi viết bài Anh Trần Bá Dương, kỹ sư vét mỡ bò, ngày trước tôi có viết: “anh sẽ còn đi xa hơn nữa”, và hôm nay anh đi rất xa trong hành trình của mình. Khi viết bài Chị Ba Sương, hoa sâm đất miền châu thổ, tôi ví chị ấy như: “hoa sâm đất đồng bằng khi cần dùng làm thuốc uống cho mát gan thì con người nâng niu trên tay, còn không cần, nó vẫn nép mình khiêm tốn dưới chân con người”, và đời chị đúng như vậy.

* Công việc viết lách của anh hiện nay thế nào?

- Tôi đã hoàn tất phác thảo kịch bản phim Mỹ Sơn và phim Chuyện tình trong rừng cấm - viết về người Châu Ro ở Đồng Nai và cái sườn tiểu thuyết Nếu chiến tranh xảy ra. Nhưng đang vào “chiến dịch truyền thông - marketing” của công ty dịp cuối năm, nên tạm dừng tất cả, sẽ tái khởi động viết vào thời điểm không phải dùng tâm sức cho công việc khác.
VĂN BẢY (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm