Nhà văn Ngô Phan Lưu: Buồn, lo vì mẹ đánh không đau...

02/03/2013 14:01 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Sau một thời gian dài giữ mục Cà phê nông dân trên TT&VH, bước sang năm Quý Tỵ, nhà văn Ngô Phan Lưu xin phép rút lui vì lý do sức khỏe. Ngô Phan Lưu đến với văn chương khá muộn, nhưng có thể nói những gì ông làm được trong khoảng 10 năm bằng nhiều người cầm bút khác cố gắng trọn đời.

Ngô Phan Lưu sinh năm 1943 tại Phú Yên, ông được biết đến nhiều từ khi đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn do báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2007. Nhưng trước khi nổi danh trên văn đàn như một “nhà văn nông dân”, Ngô Phan Lưu đã từng bán một con bò lấy tiền in tập thơ đầu tay.

Bán bò in thơ

Ngoài nghề làm... ruộng, Ngô Phan Lưu kiếm sống bằng rất nhiều nghề để nuôi cùng lúc 5 người con mà hiện nay ai cũng đề huề gia thất. Ông từng làm nghề chụp hình dạo, chụp đám tiệc trong những ngày nông nhàn. Bây giờ về già, hai vợ chồng ông tận dụng khoảng sân nhà tại TP Tuy Hòa mở quán cà phê cóc đón khách văn nghệ vào mỗi sáng. Dù làm nhiều nghề để kiếm sống thì cuối cùng ông vẫn mê nghề văn chương nhất, dù văn chương không mang đến bạc tiền cho ông, thậm chí mê văn chương còn... lỗ nặng.

Năm 1997, Ngô Phan Lưu in tập thơ đầu tay Bếp lửa chiều Đông, có lẽ đây cũng là tập thơ cuối cùng của ông. Để có tiền in tập thơ này chỉ vài trăm cuốn, Ngô Phan Lưu đã năn nỉ vợ bán một con bò. Bán bò in thơ xong, ông suốt ngày đi đọc thơ với bạn bè, trong khi không thu được về đồng nào. Đến nay, tập Bếp lửa chiều Đông đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ “biếu trọn” cho mọi người, đến độ trong nhà ông không còn cuốn nào. Điều đó đồng nghĩa con bò của vợ chồng ông cũng đã theo “ông bà ông vải”.

Nhắc lại chuyện này, Ngô Phan Lưu cười như mếu: “Bà nhà tui la quá trời. In thơ làm chi vừa mất con bò, vừa tốn tiền đãi bạn uống rượu rửa... thơ, lại suốt ngày say xỉn. Có bà vợ nào chịu nổi mà không cằn nhằn?”.

“Nhà văn nông dân” Ngô Phan Lưu hút thuốc lá điện tử tại quán cà phê của nhà ông

Nông dân bậc cao

Khoảng hai năm trước, TT&VH có mục Blog 365, tòa soạn giao cho tôi mời người cộng tác mục này. Tôi mời Ngô Phan Lưu và ông viết rất đều, bài gửi đúng ngày như giao ước. Từ mục Blog 365, tòa soạn đã lập ra mục Cà phê nông dân (mỗi tuần 1 số) giao luôn cho Ngô Phan Lưu phụ trách.

Nhiều người gọi Ngô Phan Lưu là “nhà văn nông dân”, điều này tất nhiên đúng vì ông gắn bó cả đời với ruộng đồng. Nhưng tôi muốn gọi ông là “nông dân bậc cao”, bởi ngoài cày ruộng ông còn cày trên giấy cũng rất chuyên nghiệp, bằng chứng là đã viết cho mục Cà phê nông dân không sót kỳ báo nào.

Thời trẻ, Ngô Phan Lưu được ăn học rất đàng hoàng cả văn lẫn võ. Ông từng là sinh viên ngành triết ở ĐH Văn khoa Sài Gòn, nhưng đang học nửa chừng thì bị bắt đi lính như nhiều thanh niên miền Nam trước 1975. Ông cũng được gia đình cho học võ để nâng cao thể chất. Trong môn Taekwondo mà đồng hương Trần Hiếu Ngân của ông mang về Huy chương Bạc Olympic đầu tiên cho Việt Nam, Ngô Phan Lưu đeo “nhất đẳng huyền đai”.

Nói về “võ công cao cường” của mình, Ngô Phan Lưu cười hề hề: “Chuyện đó lâu lắm rồi. Giờ tui sắp chống gậy, nên có võ cũng như… không. Ra đường thấy đám choai choai đánh lộn chỉ dám đứng từ xa khuyên can tụi nó. Vì lại gần lỡ tên bay đạn lạc thì khổ vợ khổ con”.

Bị mẹ đánh đòn

Cũng như nhiều nghệ sĩ khác, Ngô Phan Lưu rất ham chơi, ông từng là một “tay nhậu” nổi tiếng với tửu lượng “một chấp mười” trong giới văn nghệ Phú Yên. Dù tuổi đã khá cao, Ngô Phan Lưu vẫn bị mẹ đánh đòn vì… bia rượu. Mỗi khi mẹ Ngô Phan Lưu phát hiện “cụ con” của bà bay mùi cồn, thể nào bà cũng bắt ông nằm sấp rồi dùng cán chổi lông gà đánh vào mông vì cái tội... lưu linh. Như chuyện “Nhị thập tứ hiếu”, hôm nào bị mẹ đánh không đau, Ngô Phan Lưu buồn rầu vì lo mẹ của mình đã yếu hơn xưa.

Khi mẹ còn sống, Ngô Phan Lưu làm tất cả mọi việc để cho bà vui. Cả đời ông chỉ quanh quẩn ở Phú Yên để khi mẹ đau ốm là có mặt liền. Sau ngày mẹ qua đời, ông mới dám mở quán cà phê cóc trước sân, vì khi mẹ còn sống ông sợ tiếng ồn làm phiền đến bà.

Bây giờ ở tuổi xưa nay hiếm, Ngô Phan Lưu đã gần như từ giã bia rượu, thuốc lá. Thăm ông vào dịp Tết Quý Tỵ vừa qua, Ngô Phan Lưu cho biết ông đang lên kế hoạch đi một vài nơi thật xa để mở rộng tầm mắt lúc cuối đời, bởi giờ đây ông không còn mẹ già để chăm sóc nữa. Biết đâu chuyến đi này của Ngô Phan Lưu sẽ cho ra đời một tác phẩm vượt thoát khỏi hai ngọn đèo Cả và Cù Mông quê ông. Ngô Phan Lưu tạm biệt bạn đọc Cà phê nông dân - TT&VH nhưng mong muốn luôn gặp gỡ mọi người bằng chính các trang sách của mình.

Trần Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm