Nhà thơ Phương Tấn: Hơn 40 năm bắc nhịp cầu văn hóa võ Việt

21/09/2012 07:00 GMT+7 | Đọc - Xem


(TT&VH Cuối tuần) - Nhà thơ Phương Tấn sinh ra tại Đà Nẵng, từ trước 1975 đã là chủ bút của một số tạp chí văn chương. Thế nhưng từ năm 1975 đến nay, vì cơ duyên đưa đẩy, anh lại dành nhiều tâm huyết cho việc nghiên cứu võ học Việt Nam, trở thành người bắc nhịp cầu hiệp thông văn hóa võ Việt, với nhiều liên hoan võ thuật cấp quốc gia và quốc tế. Mới đây, khi quyển Những người mở đường đưa võ Việt ra thế giới (NXB Văn hóa - Văn nghệ) của Phương Tấn được phát hành, thì cái cơ duyên này càng được nể trọng hơn, khi nhiều người coi sách này như một “từ điển võ Việt”.

“Hơn 40 năm trước tôi làm thơ, viết văn, viết báo, dạy học… không biết gì về võ. Năm 1969, bạn tôi là nhà báo Vũ Trường xuất bản bán nguyệt san Võ thuật và cấp thẻ nhà báo cho tôi với chức danh “đặc phái viên miền Trung”. Từ đó tôi bắt đầu tìm hiểu võ học, nghiên cứu kỹ thuật của nhiều môn võ, và đặc biệt đọc lại nhiều lần Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim với lòng tự hào về lịch sử võ học Việt Nam. Rồi một ngày thấy mình yêu võ, thích viết về võ và dần dần trở thành “nhà báo chuyên võ”. Sau năm 1975, tôi gắn liền với các tạp chí Nghiên cứu võ thuật, Tìm hiểu võ thuật, Ngôi sao võ thuật và hiện nay là Sổ tay võ thuật. Các tạp chí này là mối dây kết chặt tình thân không những với anh chị em võ thuật trong nước, mà cả 5 châu. Nhờ đó, tôi đã có cuộc hành trình “nghiệm võ” đến nhiều nước, dừng chân ở nhiều tỉnh thành trên thế giới suốt hơn 20 năm qua. Không kể các võ đường, môn phái, võ sư các bộ môn khác, tôi gần như tiếp xúc trên 90% các võ đường, võ phái, võ sư võ cổ truyền và vovinam có tầm vóc trong, ngoài nước. Ngoài Việt Nam, hiện ở châu Âu, đặc biệt là Pháp có trên 20 ngàn người theo học võ Việt”, nhà thơ Phương Tấn bắt đầu câu chuyện.

Di sản bị lãng quên?

* Với kinh nghiệm nghiên cứu của mình, anh thấy võ Việt có những điều gì nổi bật về kỹ thuật cũng như về triết lý và văn hóa?

- Tôi xin mượn lời của nữ võ sư Xuân Liễu thổ lộ trong cuốn Những người mở đường đưa võ Việt ra thế giới để trả lời cho câu hỏi của anh: “Tinh hoa của võ Việt nhu cương hài hòa, thực tiễn trong chiến đấu. Mọi thứ quanh mình đều có thể sử dụng làm vũ khí từ cây viết đến thỏi son, từ chiếc khăn đến xâu chìa khóa, từ cây gậy đến chiếc đòn gánh, từ những binh khí thô sơ đến đường kiếm tuyệt đẹp nhưng dũng mãnh. Đặc trưng và kỹ thuật điêu luyện của võ Việt thật khó có thể diễn tả hết trong một vài trang giấy, điển hình như đòn chỏ lật (hổ giáng), phinh thân (rờ-ve), gối sóc, gối tạt, đòn triệt phá chân như Liên tam chiến, đòn đá Song mi diện tiền cước. Cơ thể con người chẳng khác một bàn cờ gồm: tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã. Vào chiến đấu là phải giữ tướng (tướng là mặt). Để đối phương đánh trúng mặt là ta mất ngay phương hướng (không còn điều khiển được cơ thể), chẳng khác gì mất tướng. Rồi tùy tình huống mà ta ra xe hay phóng pháo… để giành thắng lợi trong trận chiến. Học võ Việt có căn cơ, đến một lúc tự dưng ta biết xử lý và sử dụng thuần thục đòn thế trong từng tình huống trước đối thủ. Đấu pháp của võ Việt vô cùng tinh diệu và hiệu quả. Những vận động viên võ cổ truyền Việt Nam khi được tuyển chọn thi đấu các môn võ thuật đỉnh cao khác, nếu được bồi dưỡng và đào tạo đúng cách thì chỉ trong một thời gian ngắn đều dễ dàng đạt thành tích xuất sắc ngay trong nước hoặc trên các đấu trường quốc tế. Ban tổ chức nhiều nước đã đánh giá cao và tâm phục võ Việt là điều dễ hiểu”.

* Nhìn ở góc độ lịch sử và văn hóa Việt Nam, theo ông võ thuật có vai trò như thế nào?

- Lịch sử và văn hóa Việt đã nói lên diện mạo võ Việt trong đời sống nhân dân và xã hội Việt Nam, nhất là với chiều dài lịch sử đấu tranh của dân tộc. Tuy nhiên, theo tôi đến nay Nhà nước và các cơ quan chức năng vẫn chưa nhìn nhận và đánh giá đúng mức để khôi phục, phát huy, quảng bá tinh hoa võ Việt đúng tầm ngay trong nước, nói chi nước ngoài. Trong khi các môn taekwondo, karatedo, judo, wushu… ngay cả vovinam (chỉ là một võ phái trong hàng trăm võ phái Việt Nam) đã đưa vào các giải thi đấu quốc tế và thành lập liên đoàn thế giới từ lâu. Võ Việt của chúng ta, trong nước bao gồm hàng trăm môn phái thuần Việt và không thuần Việt, rầm rộ, đôi lúc cũng có, nhưng lãng quên di sản thì thường trực hơn.

Bìa sách Những người mở đường đưa võ Việt ra thế giới. Tác phẩm gồm 5 phần, 4 chương, đề cập bao quát nhiều vấn đề, trong đó nổi bật nhất là 11 tổ chức truyền bá võ Việt ở nước ngoài, 26 môn phái xây dựng võ Việt ở xứ người,16 môn võ Việt từ trong nước lan tỏa khắp năm châu và 14 nhân vật mở đường đưa võ Việt ra thế giới

Nhiều diện mạo, thiếu hợp nhất

* Trong bản đồ võ học thế giới hiện nay, vị trí và diện mạo của võ Việt hiện nay theo ông đang được đánh giá như thế nào?

- Nếu nhìn bề nổi, võ Việt trong đó gồm võ cổ truyền và vovinam đang giữ một vị trí khá cao trong bản đồ võ học thế giới, điển hình như trong các liên hoan, đại hội võ thuật khắp các châu lục. Nhưng nhìn sâu, võ Việt vẫn chưa có cái gì chung nhất, để truyền bá đồng nhất tinh hoa võ Việt ra thế giới. Ước gì chúng ta có một Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam đủ mạnh và một Liên đoàn thế giới võ cổ truyền Việt Nam ngay lúc này.

Phương Tấn (áo trắng) tại Giải vô địch thế giới Qwankido lần 4 ở Romania. Ảnh: TL

* Nói như vậy, diện mạo của võ Việt ở quốc tế hiện nay ra sao? Có những môn phái, võ đường hay cá nhân nào cần đề cập?

- Sau nhiều năm chú tâm tìm hiểu sự hình thành và phát triển võ Việt ở nước ngoài, tôi thấy bên cạnh một số môn phái còn lai tạp Tây - Tàu, nhiều môn phái đã đi vào quy củ, lớn mạnh về tổ chức, chặt chẽ về chuyên môn, sâu sắc về lý luận võ học. Điển hình như môn phái Qwankido do võ sư Phạm Xuân Tòng sáng lập tại Toulon nước Pháp năm 1981, nay đã trở thành Tổng đoàn Thế giới Qwankido, lan rộng trên 30 nước. Môn phái Sơn Long quyền thuật do võ sư Nguyễn Đức Mộc sáng lập tại Paris nước Pháp năm 1947, nay đã trở thành Liên đoàn quốc tế võ Việt Nam, trải rộng trên 20 nước. Môn phái Việt vũ đạo do võ sư Nguyễn Công Tốt xây dựng tại Marseille nước Pháp năm 1975, nay đã trở thành Liên đoàn quốc tế Việt vũ đạo, lan rộng trên 15 nước. Môn phái Lam Sơn võ đạo do võ sư Jacques Trần Văn Ba (học trò của võ sư Quách Phước) xây dựng tại Montpellier năm 1971, nay đã trải dài khắp nước Pháp và phát triển mạnh tại Úc. Môn phái Thủy pháp do võ sư Huỳnh Chiêu Dương sáng lập tại Bỉ năm 2002, nay đã được giảng dạy ở nhiều trường tại Brussels và miền Bắc nước Pháp. Môn phái Võ đạo Việt Nam do võ sư Chu Tấn Cường sáng lập năm 1986 tại Đức, nay đã lan rộng ở nhiều nước, và võ sư này là người Việt đầu tiên trên thế giới lập gần 30 kỷ lục Guinness thế giới về võ thuật. Sau 20 năm nhìn lại, một điều vui mừng là sự phát triển mạnh mẽ của võ Việt ở nước ngoài, còn một điều lo ngại là võ Việt vẫn chưa hợp nhất được mọi môn phái. Nó đang tự phát và phân tán khắp nơi, khó chuẩn về bản sắc.

* Theo chủ kiến của anh, vướng mắc và trở lực lớn nhất trong việc liên thông võ Việt trên toàn thế giới là gì?

- Văn hóa, lịch sử kể cả triết học phương Đông ngày càng thu hút phương Tây. Võ học Việt Nam thể hiện đậm nét 3 yếu tố này, nên vướng mắc và trở lực lớn nhất trong việc liên thông và hợp thông võ Việt trên thế giới không phải ở đó mà chính ở chỗ Nhà nước và các cơ quan chức năng chưa đánh giá và quan tâm đúng mức về võ dân tộc. Võ Việt Nam, đặc biệt là võ cổ truyền đã lan rộng không dưới 40 nước và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, phần lớn bài bản còn lai tạp, tên võ phái nửa Tàu nửa ta, đai đẳng lộn xộn, võ phục đủ màu đủ kiểu. Một số người Việt, kể cả người nước ngoài, về Việt Nam học qua quýt vài bài võ Việt, sau đó nhận bằng, nhận đẳng rồi ra nước ngoài dựng bảng chiêu sinh, lập môn phái, hoặc lấy tên võ phái mà mình đã học trong nước xem như truyền nhân nhưng bài bản chắp vá, vay mượn. Đến nay trong nước, ngoài Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam, vẫn chưa có Liên đoàn thế giới võ cổ truyền Việt Nam làm cơ sở pháp lý đầu tiên trong việc giao tiếp với các cơ quan chức năng nước ngoài, thu nhận thành viên quốc tế, truyền bá võ có bài bản. Chưa tổ chức có quy mô các giải quốc tế và thế giới, nhắm tiến tới thành lập các liên đoàn châu lục, tham gia Đại hội thể thao châu Á trong nhà (Asian Indoor Games), SEA Games, ASIAD và các giải quốc tế khác.

Võ sư Huỳnh Chiêu Dươngnay

“Tận cùng của võ là văn”

* Trong cuốn sách Những người mở đường đưa võ Việt ra thế giới, anh nghĩ mình đã phác họa được bao nhiêu phần trăm diện mạo ấy?

- Sự mơ ước và tâm nguyện của tôi về võ Việt, gần như tôi đã trút hết vào cuốn sách này. Tôi nói “gần như” vì mới thực hiện được khoảng 70%, 30% còn lại do tiền in không đủ, tôi đành gác lại một chương viết về các bậc đại thụ của làng võ Việt trong nước. Đồng thời, tôi cũng chưa điểm qua các võ sư người Việt thành công ở những môn võ khác, ở bên ngoài Việt Nam.

* Nhiều người hay nói anh là người “gỡ rối tơ lòng” võ học. Chuyện này là thế nào?

- Tôi làm báo và viết báo võ trên 40 năm. Chỗ tôi ở lúc nào cũng là nơi gặp gỡ “vô tình” giữa các “anh hùng hảo hán” đủ mọi môn võ. Ngoài một số đến để trao đổi bài vở, số còn lại thường đến để thổ lộ chuyện buồn bực, chuyện đố kỵ, chuyện thách đấu, đến cả chuyện lục đục trong gia đình. Tôi trở thành kẻ “gỡ rối tơ lòng” bất đắc dĩ, không trường lớp. Không biết tổ võ có độ không mà các vị “anh hùng hảo hán” cũng chịu lắng nghe, tin tưởng và thương mến. Trong suốt hơn 40 năm làm báo và viết báo võ, tôi cũng có nỗi lòng nhưng không biết tỏ bày cùng ai, nhiều hôm có một vị “cao thủ” nổi-hứng-đáng-yêu dùng ngay phòng làm việc nhỏ xíu của tôi tay ra đòn chân đá, miệng liên tục “thuyết giảng”. Nếu có hai hoặc ba vị thì chỗ tôi làm việc biến ngay thành “đỉnh Hoa Sơn” cho các vị “luận kiếm” từ giờ này sang giờ khác. Các vị có vẻ bằng lòng khi thấy tôi há miệng, mắt mở to, đầu gật gù như tâm đắc, nhiều lúc mệt quá nhưng thương các vị, mắt vẫn nhìn nhưng hồn tôi thì bay đâu mất.

* Câu hỏi này nghe hơi trái khoáy, nhưng với riêng anh, có sự liên đới hay “tri âm” nào đó giữa võ và thơ không?

- Giang hồ từng có câu nói đùa “văn võ bất phân”. Chính điều này, làng võ biết tôi là nhà báo võ, làng văn biết tôi là nhà thơ, nhà văn. Hai làng này gần như không có “họ hàng” nên không làng nào tìm hiểu sâu về sự “trái khoáy” của tôi hàng mấy chục năm qua. Không họ hàng nhưng “văn tải võ”, nên khi viết võ, chính sự mềm mại và sâu lắng trong thơ văn đã giúp tôi làm nên “võ nghiệp”, nói đúng hơn là “võ viết”. Lắm khi, tôi cứ ngỡ mình là con - thuyền - văn chở đầy ước vọng của người học võ đến được bờ võ đạo. Tôi chợt nhớ có một câu được ghi trong tôn chỉ của một môn phái: “Tận cùng của võ là văn”.

Văn Bảy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm