Nhà thơ Giáng Vân: Tự do trên “Đường gió”

27/01/2013 13:06 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Gần 20 năm không in thơ nhưng dường như vẫn chưa dứt mối duyên nợ với thơ, nhà thơ Giáng Vân vừa cho ra mắt tập thơ mới có cái tên phóng khoáng Đường gió (NXB Hội nhà văn) sẽ ra mắt chiều nay tại Thư viện - Cà phê Đông Tây (nhà N11A, Trần Quý Kiên, Hà Nội).

Tập thơ như được chiếu rọi bằng “một thứ ánh sáng khác”, khi người đàn bà làm thơ đã ở vào tuổi “tri thiên mệnh” này vẫn đắm mình trong một không gian thơ biệt lập mà chị đã tạo dựng được, nhưng lại dẫn dắt người đọc vào một không gian “trong suốt và tĩnh lặng” “tựa chiếc lồng ánh sáng”.

Không gian ấy được nhà thơ Mai Văn Phấn cho rằng mang hơi hướng của “thiền” khi nó đưa ta lạc vào một “trạng thái định tuệ trong mọi hoạt dụng của nhân sinh, trong chuyển động của vạn hữu, nhưng luôn tỉnh giác, sáng suốt, thanh bình”.

“Chúng ta chỉ có thể bay trong mơ/ Để tuyệt giao với nhơ bẩn” (viết tặng họa sĩ Trần Trọng Vũ). Câu thơ ấy có thể coi là tuyên ngôn thẩm mỹ, lý tuởng thi ca của Giáng Vân. Đọc Đường gió, để cùng “bay trong mơ”, và lạc bước vào những khoảnh khắc tĩnh lặng, tinh tế đầy tự do.

Nhà thơ Giáng Vân trò chuyện với TT&VH:



* Gần 20 năm mới thấy chị in thơ, dường như chị đã “ẩn mình” quá lâu?

- Sau khi in xong tập thơ thứ hai Trên những ngày buồn vào năm 1995, tôi hầu như không làm thơ nữa vì cảm thấy mình không có gì mới, e rằng sẽ lặp lại những điều đã viết. Đột nhiên đến năm 2006, tôi lại viết trở lại, đều đặn trong ba tháng, ngày nào tôi cũng viết, liền một mạch được khoảng 100 bài.

Và phát hiện thấy mình trong một mạch suy nghĩ hoàn toàn mới, không còn những cảm xúc của ngày xưa nữa. Những bài thơ xưa được mọi người rất thích, giờ đây mình không còn cảm hứng. Tôi xếp chúng lại như một việc đã xong rồi, không còn liên quan đến mình. Sau rồi mình nghĩ, cuộc đời của mỗi con người là một hành trình. Mỗi người đều sẽ tự trải nghiệm, và tự mình ngộ ra được điều gì đó. Và những gì người ta gặp trong đời, đều là tùy duyên.

* Hẳn sự trở lại này cũng đánh dấu một mốc nào đó trong tâm thức của chị?

- Có những thứ ngày xưa mình phải sống chết với nó giờ không còn quan trọng nữa. Xưa, mình khăng khăng với những gì mình cho là đúng. Nhưng thực ra, điều đúng với người này lại có thể không đúng với người kia, đúng lúc này, nhưng lúc khác, nó không còn đúng. Cuộc đời trôi chảy, vĩnh hằng, bất biến. Chúng ta trôi trong sự vĩnh hằng đó, chúng ta là những chi tiết, điểm xuyết, những cơn gió…

Ngộ ra điều ấy, thấy mình tự do, gỡ bỏ hết những định kiến trong lòng, thấy  mình trở nên bao dung hơn

* Vậy độc giả có cần phải đạt đến một “độ” trải nghiệm nào đó trong đời mới có thể đồng cảm với chị?

- Đừng đòi hỏi người khác phải cảm thấy những gì mình cảm thấy. Người ta thường đọc những gì mình có. Hoặc, khi đọc, gọi lên những thứ có sẵn ở mỗi người. Người trẻ cũng có thể đồng cảm với tôi, ngược lại, người già chưa chắc đã có cảm xúc này. Điều đó còn tùy tạng mỗi người, tùy hành trình họ đã đi qua.

* Có thời gian, chị nói rằng, chị chẳng liên quan gì đến thơ nữa. Và bây giờ chị lại làm thơ, và in thơ. Có điều gì đã xảy ra vậy?

- Thơ là thứ trời cho. Trời không cho thì không có thơ. Nói cho vui vậy thôi. Tôi không viết lảm nhảm khi không có gì để nói, tôi cũng không thích nhai lại những gì đã cũ rích ngay cả chính mình. Nhưng quả thực, thơ là một cái “nghiệp”. Tưởng rằng đã hết, nhưng hóa ra vẫn còn.

Khi “nó” đến, mà không viết ra được, thì có gì đó không yên ổn, vậy nên phải viết. Viết ra thì lại phải in. Tôi đổi giấy phép lần này là lần thứ 3. In để khỏi phải băn khoăn.



* Từng làm chủ khảo hai cuộc thi thơ đình đám, chị nghĩ gì về việc đọc, cảm nhận thơ hôm nay?

- Tôi thường suy nghĩ và quan sát về việc đọc. Cách đây 30 năm, khi tôi còn rất trẻ, có một lần, với tất cả sự hào hứng tôi từ công trường xây dựng nhà máy Thủy điện Hòa Bình mang một tập thơ về Hà nội, ký thác cho một nhà thơ, trưởng ban biên tập thơ của một tạp chí văn nghệ quan trọng, một tuần sau quay lại để biết ý kiến của nhà thơ kia. Vị đó nói rằng: Thơ bạn không dùng được. Bởi vì thơ thì phải làm ra lúa ra khoai, thơ bạn chẳng làm ra cái gì cả.(!!!). Tôi hỏi lại: “Vậy thưa chú, thơ như thế nào thì làm ra lúa ra khoai?”, “Như thơ đăng ở tạp chí này đấy” - vị biên tập đó trả lời tôi như đinh đóng cột. Tôi rất choáng váng, và cũng rất thành thật nói rằng: “Thưa chú, cháu nghĩ, thơ như vậy chỉ làm ra nhuận bút thôi ạ(!)”.

Cách đây khoảng mươi năm, tôi chọn thơ cho một tờ báo điện tử, nên đọc rất nhiều, nguồn từ các nhà xuất bản. Nhưng việc chọn rất khó khăn, vì thơ dở tràn ngập. Tôi phàn nàn với một vị biên tập là một nhà văn hàng đầu, rằng tại sao các vị cho ra quá nhiều thơ dở như vậy, thì được trả lời: Bạn không nên thắc mắc như vậy. Những người đã làm thơ thì đều hiền lành, lương thiện. Chỉ riêng điều đó là họ đã có quyền in thơ rồi (!!!)

Vâng, tôi chỉ xin kể 2 ví dụ thôi.

* Đọc, và hành xử với thơ như vậy, bạn nghĩ thế nào? Thơ đích thực liệu có tồn tại được để đến với người yêu thơ không?

Còn để cảm nhận được thơ hôm nay, cũng như cảm nhận được thơ mọi thời, tôi nghĩ, mọi người cần sử dụng tối đa trực giác của mình. Mỗi nhà thơ đích thực, đều có một “trường” riêng, năng lượng, cảm xúc, màu sắc, cá tính… của họ đều tỏa ra trong cái “trường” đó. Dù họ viết bằng thi pháp nào. Nếu anh không thích, cũng chớ băn khoăn gì. Cái tạng anh không thích lối thơ đó. Đơn giản thế thôi.

* Có cách gì để làm cho độc giả lại yêu thơ như ngày xưa không, thưa chị?

- Không, tôi nghĩ rất khó. Tuy vậy, người nào cần thơ, thì họ sẽ đến với thơ.

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Diên Vỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm