Nhà thơ Bùi Chí Vinh: Kể về thời mỗi tập truyện là một lượng vàng

23/10/2013 14:35 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Như TT&VH đưa tin, nhà thơ Bùi Chí Vinh vừa tái bản Ngũ quái Sài Gòn - bộ truyện này từng giúp nhà thơ “vượt qua khốn khó” có tiền xây nhà.

TT&VH có cuộc trò chuyện với Bùi Chí Vinh về văn học tuổi teen một thời và những kỷ niệm về bộ truyện vừa được Nhà sách Đức Trí và NXB Thanh Niên tái bản.

* Bộ truyện Ngũ quái Sài Gòn ra đời cách nay đã gần 20 năm, được làm phim truyền hình dài tập. Theo anh, lý do gì bộ truyện này đến nay vẫn được nhà đầu tư tái bản?

- Chính xác thì bộ truyện Ngũ quái Sài Gòn còn gọi là 5 Sài Gòn ra đời năm 1996, lúc tôi vừa kết thúc phóng tác 70 tập Tứ quái TKKG cho NXB Kim Đồng. Ngũ quái Sài Gòn ra đời cũng có lý do, số là bộ Tứ quái TKKG quá “ăn khách” đem đến doanh thu kỷ lục về văn xuôi thiếu nhi cho NXB, nên ông Nguyễn Thắng Vu - Giám đốc NXB thời kỳ đó - đặt hàng tôi viết về một bộ truyện của các thiếu niên hiệp sĩ trừ gian diệt bạo “ăn theo” Tứ quái TKKG. 


Chân dung tự họa của Bùi Chí Vinh.

Đến tập thứ 6, lượng phát hành Ngũ quái Sài Gòn vượt xa sự mong đợi của NXB, từ 10.000 lên đến gần 20.000 bản. Đó là con số làm nức lòng những người đầu tư cho bộ sách thiếu niên giang hồ “made in Vietnam”. Đó cũng là lý do Hãng phim TFS mua bản quyền sách Ngũ quái Sài Gòn để làm phim chiếu cho tuổi mới lớn. Bộ phim Ngũ quái Sài Gòn của đạo diễn Xuân Cường càng thu hút độc giả tuổi teen đến với bộ sách cho dù kinh phí làm phim giới hạn.

* Đấy là lý do để bộ truyện này hôm nay tái bản?

- Theo tôi dù đã trải qua 17 năm nhưng rõ ràng sức lôi cuốn của Ngũ quái Sài Gòn vẫn còn bởi đam mê khát vọng phiêu lưu hành hiệp của tuổi trẻ vẫn còn. Lôi cuốn bởi văn phong truyện không hề lạc hậu, từ cách thức tác giả xâm nhập vào thế giới bụi đời của “sấp nhỏ”, từ sự am tường sinh hoạt lẫn ngôn ngữ tiếng lóng của giới trẻ cho đến phương pháp định hướng lối sống “Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn/ Lấy chí nhân thay cường bạo” muôn đời vẫn không bị trở ngại trước thời gian. Có lẽ từ những thông điệp trên, nhà đầu tư cho bộ sách cảm thấy cần phải đưa 40 tập Ngũ quái Sài Gòn “tái xuất giang hồ” để độc giả trẻ tuổi không bị mất đi một bộ sách… lành mạnh. (Cười).

* Được biết, nhờ viết bộ Ngũ quái Sài Gòn với số lượng in không lồ anh có nhuận bút để xây nhà. Nếu bộ Ngũ quái Sài Gòn in lần đầu vào thời điểm này liệu có tạo nên kỳ tích đó hay không?

- Năm 1996 khi viết Ngũ quái Sài Gòn thì NXB Kim Đồng trả tôi 2 lần nhuận bút, nhuận bút thỏa thuận và nhuận bút đột xuất vì lúc ấn bản tăng lên gấp đôi, trung bình 1 tập trả 1 lượng vàng SJC. 40 tập là 40 lượng vàng. Còn hiện nay giá vàng cao ngất ngưởng, kinh tế suy thoái, thị trường sách đóng băng không thua gì địa ốc thì làm sao có chuyện thu nhập được như xưa. Tuy nhiên, tôi vẫn hy vọng nếu bộ sách được độc giả trẻ tuổi đón nhận nồng nhiệt và tiêu thụ hết 5.000 bản/tập thì nhà đầu tư sẽ có chế độ nhuận bút đột xuất như ông Nguyễn Thắng Vu - cố Giám đốc NXB Kim Đồng từng trả cho tôi.

Bìa tập Ngũ quái Sài Gòn.

* Bùi Chí Vinh hiện rất say mê vẽ tranh và dường như “lãng quên” viết cho tuổi mới lớn, phải chăng anh đã hết cảm hứng về lứa tuổi này trong khi đồng nghiệp của anh như Nguyễn Nhật Ánh vẫn… “cày rất khỏe”?

- Còn lâu tôi mới lãng quên tuổi mới lớn, đó là đề tài khai thác bất tận và kinh doanh văn hóa cũng vô tận. Chỉ đáng tiếc là tác quyền dành cho sách truyện loại này quá thấp, thấp hơn xa so với điện ảnh. Cũng đề tài tuổi mới lớn tôi đã thực hiện thành kịch bản phim hành động, viết kịch bản chưa tới 1 tuần lễ có thể kiếm được tác quyền hơn 6.000 USD. Điều này rõ ràng là một câu hỏi cho những người giàu tiền lắm bạc quan tâm đến văn học thiếu niên và thúc đẩy họ phải có trách nhiệm đầu tư cho thế hệ sau hơn. Là một người cầm bút tôi chuyển sang cầm cọ cũng vì lý do ấy. Viết truyện thì bị thị trường…  rẻ rúng. Viết kịch bản phim thì họa hoằn rất lâu có Việt kiều đầu tư mới “trúng mánh” một lần. Thôi thì vẽ tranh để bán cho những người yêu thơ, yêu truyện, yêu phim, yêu cuộc đời của mình vậy.

HOÀNG NHÂN (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm