Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nora Taylor: Tâm lý làng xã không phù hợp với nghệ thuật đương đại Việt Nam

11/02/2013 07:03 GMT+7 | Văn hoá


(Thethaovanhoa.vn) - Trở lại Hà Nội những ngày cuối năm Nhâm Thìn để tiếp tục công việc số hóa lưu trữ tư liệu về Không gian nghệ thuật Salon Natasha (30 Hàng Bông) cho tổ chức Dữ liệu nghệ thuật châu Á (Asia Art Archive - AAA), Nora Taylor, nhà nghiên cứu mỹ thuật người Mỹ gắn bó với mỹ thuật Việt Nam 20 năm qua, chia sẻ những trải nghiệm nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam suốt 2 thập kỷ 1992-2012.

* Tôi muốn trở lại với khởi thủy việc nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam của bà. Bà chủ động lựa chọn nó hay có một lý do nào khác tại thời điểm năm 1992?

- Tôi xin trả lời ngay là không phải chủ động mà là tình cờ (cười). Tôi chọn nghiên cứu về văn hóa Champa cho luận án tiến sĩ của mình. Nhưng vào cuối những năm 1980, người Mỹ chúng tôi thật khó đến Campuchia. Thế nên, tôi nhận được một lời khuyên là nên đến Việt Nam vì ở đó cũng có một khu vực lớn mà người Champa từng sinh sống. Tôi đã học tiếng Việt trong vòng 3 năm trước khi có đủ giấy tờ để đến Việt Nam năm 1992. Sau khi tới Hà Nội, tôi có dịp đi Huế, Đà Nẵng, TP.HCM nhưng ở cả ba nơi đó, tôi đều cảm thấy rất khó khăn về mọi mặt, cả từ thu thập tài liệu cho đến sinh hoạt hàng ngày. Về lại Hà Nội, tôi tiếp tục đạp xe đạp đi khắp nơi, ăn cơm bụi, ăn phở, đi thư viện, bảo tàng,… Có lúc bối rối là không biết mình có thể bắt đầu luận án thế nào. Mất 6 tháng loanh quanh như vậy. Trong một lần ăn phở, tôi đã nói chuyện với một người trạc tuổi mình, anh ấy ngạc nhiên vì tôi là người nước ngoài mà có thể nói tiếng Việt. Anh ấy là giảng viên Đại học Mỹ thuật Hà Nội và sau, có dẫn tôi đến thăm trường. Qua anh ấy, tôi được làm quen, gặp gỡ và trò chuyện với rất nhiều giảng viên, họa sĩ khác. Tôi bắt đầu nghĩ đến sự thay đổi chủ đề nghiên cứu và dành toàn bộ thời gian còn lại gặp gỡ, trò chuyện với càng nhiều họa sĩ, người viết về mỹ thuật càng tốt.

Nora trong một cuộc nói chuyện về nghệ thuật Việt Nam

* Trong tháng ngày đó, những trải nghiệm nào trong công việc nghiên cứu có tác động như là yếu tố nền tảng cho nhận thức của bà về mỹ thuật Việt Nam?

- Trước tiên, phải nói về hệ thống thông tin. Ở Hà Nội khi đó, tôi đã đi bảo tàng, Thư viện Quốc gia song không thể tìm được, thậm chí là không thể nhặt nhạnh ra được một hệ thống thông tin tư liệu về mỹ thuật Việt Nam hiện đại, để biết được ai là ai, các sự kiện lịch sử, tác phẩm… Cách duy nhất để tìm hiểu là gặp gỡ từng cá nhân nghệ sĩ, người thân trong gia đình họ. Mọi người đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Qua người này, tôi lại biết đến người kia và có thể ngồi nhà bất kỳ ai trò chuyện hàng giờ đồng hồ, không phải vội vã. Đó là lý do chính để cuốn sách của tôi về các họa sĩ Hà Nội không phải là nhìn nghệ thuật Việt Nam ở góc độ lịch sử mà là góc độ dân tộc học.

Sau khi gặp gỡ rất rất nhiều họa sĩ, tôi bắt đầu nghe được những câu chuyện, thông tin trái ngược nhau từ người nọ về người kia… Tôi nhận thấy có một sự chia tách nhóm nghệ sĩ khá rõ nét. Hà Nội có nhiều nhóm như vậy và giữa các nhóm cũng có những khoảng cách hoặc rõ ràng hoặc tế nhị… Họ nói nhiều về phần con người của nhau hơn là thuần túy về nghệ thuật của nhau. Tôi thì quan tâm đến tất cả nên tôi đi giữa các cá nhân và các nhóm như một kẻ trung lập (cười).

Họa sĩ Việt Nam bận tâm nhiều về đặt vấn đề “nghệ thuật Việt Nam, họa sĩ Việt Nam”. Họa sĩ Mỹ thì không như vậy, họ chỉ quan tâm đến nghệ thuật của cá nhân họ, vị trí của một họa sĩ mà thôi - Nora Taylor

Điều nữa, tôi nhận thấy là họa sĩ Việt Nam bận tâm nhiều về đặt vấn đề “nghệ thuật Việt Nam, họa sĩ Việt Nam”. Họa sĩ Mỹ thì không như vậy, họ chỉ quan tâm đến nghệ thuật của cá nhân họ, đến vị trí của một họa sĩ mà thôi.

* Theo bà, việc chia tách các nhóm nghệ sĩ còn tồn tại như thế nào trong đời sống nghệ thuật Việt Nam hiện nay?

- Vẫn còn và như đã nói, việc đó cho thấy là có một sự lưu tâm đến con người của nhóm này hay nhóm khác hơn là đến nghệ thuật của một cá nhân nghệ sĩ. Tôi nhớ đến cuốn sách Mỹ thuật ở làng của ông Nguyễn Quân, trong đó có phản ánh tâm lý làng xã trong mỗi một con người Việt Nam và điều này, một mặt nào đó, không phù hợp với xã hội hiện đại, nhất là với những nghệ sĩ trẻ làm nghệ thuật đương đại ở Việt Nam hiện nay.

* Hiện nay không còn thường xuyên ở Việt Nam như trước nữa, bà làm sao tiếp tục nghiên cứu nghệ thuật Việt Nam?

- Đó là lý do tôi buộc phải thay đổi những chủ đề nghiên cứu của mình. Ví dụ, tôi từng muốn làm nghiên cứu về nghệ thuật trình diễn ở Việt Nam nhưng đó là một lĩnh vực nghệ thuật buộc tôi phải chứng kiến tác phẩm trong đời thực chứ không phải xem qua ảnh hay video clip. Tôi vẫn quan tâm đến lĩnh vực này, thích thú theo dõi một số nghệ sĩ, nhận ra họ không làm nghệ thuật này một cách tức thời mà có chủ đích để đi dài lâu…

Bức tranh lụa Ông già Chăm của nữ họa sĩ Mộng Bích, vẽ năm 1994, được giới thiệu trong buổi nói chuyện của Nora Taylor về mỹ thuật Việt Nam 20 năm (1992-2012) tại Manzi art Space (14 Phan Huy Ích, Hà Nội) hôm 30/12/2012

* Bà có thể nói cụ thể đó là những ai được không?

- Không, tôi sẽ không nêu tên cụ thể đâu (cười), vì tôi không muốn bị “khép tội” “chủ quan cho rằng” nghệ sĩ A, B là hay nhất, tốt nhất...

* Bà am hiểu tâm lý người Việt quá đấy! Vậy là bà không nghiên cứu sâu hơn về lĩnh vực này nữa?

- Tôi phải chọn hai lĩnh vực gần với tôi hơn. Thứ nhất, tôi tìm hiểu nhiều hơn về những nghệ sĩ từ Việt Nam được giới thiệu ở nước ngoài, thông qua các triển lãm mang từ Việt Nam tới hoặc các triển lãm quốc tế trong đó có nghệ thuật Việt Nam, như gần đây nhất là sự kiện Documenta 13 ở Kassel, Đức, mùa Hè 2012. Thứ hai, tôi quan tâm đến những nghệ sĩ có nguồn gốc Việt Nam nhưng sống ở bên ngoài Việt Nam và nghệ thuật của họ liên quan rất nhiều đến các chủ đề, câu chuyện Việt Nam. Chính những cá nhân nghệ sĩ này khiến tôi đặt ra nhiều câu hỏi: Vậy có thể gọi họ là nghệ sĩ Việt Nam được không? Hay như thế nào mới là một nghệ sĩ Việt Nam?

Tôi mong muốn mở rộng nhãn quan của mình về nghệ thuật và nghệ sĩ Việt Nam hơn và đồng thời mong chia sẻ những suy nghĩ, nhìn nhận của mình với các nghệ sĩ trẻ Việt Nam. Việc này có lẽ thú vị với tôi hơn là việc chỉ mong trả lời được một nghi vấn hay câu hỏi cá nhân nào đó.

* Xin cảm ơn bà.

Nora A. Taylor là phó giáo sư giảng dạy về nghệ thuật hiện đại và đương đại Đông Nam Á tại trường Nghệ thuật thuộc Viện nghệ thuật Chicago (the School of the Art Institute of Chicago, Hoa Kỳ). Năm 1992, bà sang Việt Nam làm nghiên cứu tiến sĩ về mỹ thuật Việt Nam hiện đại với thành quả là cuốn sách Painters in Hanoi: An ethnology of Vietnamese Art (Họa sĩ ở Hà Nội: một nghiên cứu dân tộc học về nghệ thuật Việt Nam). Năm 2004, bà nhận học bổng Fulbright dành cho học giả để trở lại Việt Nam nghiên cứu về văn hóa thị giác Việt Nam trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Bà viết nhiều tiểu luận, khảo cứu về nghệ thuật Việt Nam, trong đó đáng kể là tiểu luận về hội họa Bùi Xuân Phái và sự chiếm dụng một biểu tượng quốc gia (Pho Phai and Faux Phai: The Market for the Fakes and the Appropriation of a National Symbol); về tại sao chưa có nghệ sĩ Việt Nam nào là nghệ sĩ lớn (Why have been no Great Vietnamese Artists?)


Bài: Phong Vân. Ảnh: Bùi Văn Nam Sơn
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm