Nhà hát Kịch Quốc gia VN: Rắc rối “hậu” sáp nhập

03/05/2012 11:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Những lá đơn của NSND Lan Hương chỉ là phần nổi của hàng loạt thắc mắc và băn khoăn từ các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ (NHTT), sau khi đơn vị này được sáp nhập với Nhà hát kịch Việt Nam để trở thành Nhà hát kịch Quốc gia Việt Nam (NHKQGVN) từ gần một tháng trước.

“Chuyện sáp nhập 2 đơn vị là bình thường trong giai đoạn hiện nay, nhưng vấn đề là cách làm. Lẽ ra, khi có ý định sáp nhập, các cơ quan quản lý phải ngồi cùng với anh em nghệ sĩ để giải thích và bàn bạc”- NSƯT Anh Tú nói - “Nhưng chúng tôi chỉ biết nghe đọc quyết định một cách khá bất ngờ, chứ không ai được hỏi ý kiến gì. Cách làm ấy là thiếu tôn trọng nghệ sĩ”.


NHKQGVN muốn xin Nhà hát Lớn HN làm cơ sở biểu diễn.

1. Cũng như Anh Tú, nhiều nghệ sĩ của NHTT đều cho biết, họ không được hỏi ý kiến hoặc nghe một lời giải thích nào trước khi sáp nhập. Bởi thế, tới thời điểm này, việc NHKQGVN chưa  lên được chức năng, nhiệm vụ biểu diễn của  từng Nhà hát “con” bị coi là hệ quả từ cách làm vội vàng trên.

“Bây giờ mới bắt đầu xây dựng lộ trình hoạt động, tôi thấy Ban giám đốc của NHKQGVN đang lúng túng. Thực tế, do việc làm “ngược” không qua lấy ý kiến, bàn bạc nên mới nảy sinh những rắc rối và phản ứng như vậy”- NSƯT Anh Tú nói thêm. Gay gắt hơn, NSND Lan Hương khẳng định: “Lẽ ra, là giám đốc của 2 nhà hát trước khi sáp nhập, anh Hùng nên công bố thông tin một cách đàng hoàng chứ không thể “dấm dúi” như vậy”.

Trong cuộc họp sáng 2/5, trước những ý kiến trên, đạo diễn NSND Lê Hùng khá gay gắt: “Các bạn yên tâm, tôi đã chuẩn bị thủ tục để vài tháng nữa là nghỉ hưu rồi. Giữ, tôi cũng không ở thêm”. Trước đó, một số ý kiến đã nhắc tới việc quyết định bổ nhiệm ông không đề thời hạn đảm nhiệm, trong khi tháng 9 tới là thời điểm đạo diễn này đến tuổi về hưu.

Theo lời giải thích của NSND Lê Hùng, NHKQGVN sẽ gồm 3 nhà hát trực thuộc là Kịch Việt Nam, Tuổi trẻ và Nhà hát Nhi đồng. Theo cách so sánh của ông, mô hình này khá giống với mô hình của một Tổng công ty trong lĩnh vực doanh nghiệp với những công ty trực thuộc. Nghĩa là, 2 đơn vị sân khấu cũ vẫn giữ nguyên được thương hiệu của mình. Còn hiện tại, lãnh đạo các nhà hát trực thuộc phải làm đề án hoạt động cho đơn vị của mình, sau đó trình lên để Ban giám đốc NHKQGVN nghiên cứu và xét duyệt.

“Mọi chuyện phải có lộ trình. Trước mắt, điều quan trọng nhất là việc thành lập NHKQG, chúng tôi đã làm được. Vài tháng trước khi nghỉ hưu, tôi sẽ cố gắng kiện toàn bộ máy hoạt động, và cùng anh em bầu chọn thêm một vài Phó giám đốc, Giám đốc các Nhà hát trực thuộc”, Lê Hùng nói.

2. Theo giải thích của vị giám đốc này, việc đưa Nhà hát Tuổi trẻ gộp vào mô hình NHKQGVN đến từ việc... tìm cách thoát khỏi mô hình hoạt động theo phương thức “xã hội hóa” mà Bộ VH, TT&DL yêu cầu.  “Trong xu hướng hoạt động hiện nay, Bộ VH-TT&DL sẽ chỉ giữ lại một đơn vị sân khấu trực thuộc duy nhất để đầu tư kinh phí. Thật lòng, trong 3 năm tới, nếu rơi vào hoàn cảnh bị cắt kinh phí bao cấp và yêu cầu tự trang trải toàn bộ, tôi không tin là Nhà hát Tuổi trẻ sẽ tồn tại được. Bởi thế, việc nằm trong quy mô của NHKQGVN và vẫn được đầu tư kinh phí là rất may cho chúng tôi” - Lê Hùng chia sẻ.

Cũng trong cuộc lấy phiếu tín nhiệm cho chức danh Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ (thuộc NHKQGVN) sáng 2/5, NSƯT Chí Trung là người giành số phiếu cao nhất. Ở chức danh Phó giám đốc, các nghệ sĩ được tín nhiệm và có số phiếu đạt yêu cầu là Sỹ Tiến, Như Lai và NSƯT Anh Tú.

Về vấn đề cơ sở biểu diễn của NHKQGVN, GĐ Lê Hùng cho biết, hiện tại, ông đang cố gắng theo đuổi kế hoạch xin Bộ VH, TT&DL trao Nhà hát Lớn để làm cơ sở biểu diễn. Trước đó, trên diện tích 7.000m2 đất được phân tại Mỹ Đình, phía Nhà hát đã có ý tưởng tìm đối tác đầu tư theo hình thức xã hội hóa để xây dựng một khu chung cư cao cấp kết hợp với 2 sân khấu biểu diễn có sức chứa 1.200 chỗ ngồi. Tuy nhiên, trong tình trạng bất động sản đang đóng băng như hiện nay, kế hoạch này chưa thực hiện được. Tương tự, Nhà hát cũng đang có kế hoạch xin Nhà nước hỗ trợ 40 tỷ đồng/năm để làm cơ sở hoạt động. “Là NHKQG duy nhất nên quy mô của đơn vị sẽ khác và được Chính phủ quan tâm hơn, giống như Bảo tàng Quốc gia hay Đại học Quốc gia vậy”.

Trước câu hỏi về việc cần thiết gặp các diễn viên của đoàn kịch hình thể- thể nghiệm để đả thông tư tưởng và giải thích về phương hướng hoạt động, NSND Lê Hùng nói: “Việc đó không cần thiết. Tôi đã trao đổi với lãnh đạo đoàn rồi. Nếu tôi lấy quyền giám đốc mà yêu cầu giải tán đoàn, ngừng biểu diễn thì mới là điều cần bàn. Hiện tại, đoàn vẫn tồn tại trong khuôn khổ Nhà hát Tuổi trẻ, vẫn có quyền biểu diễn. Còn tương lai như thế nào thì phải chờ các kế hoạch cụ thể”.

Chiêu Minh
   

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm