08/01/2013 13:08 GMT+7 | Văn hoá
Trường Đại học Xã hội và Nhân văn Dallas mời ông sang Mỹ sáng tác tại chỗ 4 tháng (từ 1/2013) cùng các nghệ sĩ nổi tiếng châu Á.
Dân gian và hiện đại
Nguyễn Trọng Đoan |
Nhìn vào gốm của Nguyễn Trọng Đoan khó có thể nói gốm của ông có phong cách thuần Việt, nhưng lại càng khó áp đặt nó mang hơi hướm phương Tây.
Người Latvia xem gốm của ông thì bảo gốm của ông có dáng dấp gốm Latvia. Người Indonesia xem gốm ông lại nói gốm của ông huyền bí như gốm của vùng miền Nam quốc đảo này.
Gốm của Nguyễn Trọng Đoan đã khiến cho người yêu nghệ thuật đến từ bất kỳ đâu cũng cảm thấy tác phẩm của ông gần gũi với quê hương của họ. Chứng tỏ, nghệ thuật luôn có một điểm chung cho dù nghệ sĩ đến từ quốc gia nào. Chính vì điều này, mà chúng ta hiểu tại sao tượng gốm của Nguyễn Trọng Đoan lại dễ dàng đi vào thế giới nghệ thuật đến như vậy và tại sao trường Đại học Xã hội và Nhân văn Dallas lại trân trọng mời ông sang Mỹ 4 tháng trong thời gian tới để tham gia chương trình sáng tác quốc tế nhằm tăng cường hiểu biết giữa các nghệ sĩ đặc biệt của châu Á.
Đó là kết quả của gần 24 năm tìm tòi nghiên cứu một cách công phu để tìm ra cách pha trộn màu sắc mang phong cách rất riêng, mỗi tác phẩm đều gợi về sự mộc mạc dân gian nhưng lại rất khéo léo đan xen tính hiện đại. Trước khi bắt tay thực hiện mỗi một tác phẩm, ông đều có những bản phác thảo đường nét, hình khối rất chỉn chu, tỉ mỉ. Hiện nay, ông lưu giữ tới 15 tập phác thảo như thế.
Có thể cách xử lý kỹ thuật nung và lên màu men của Nguyễn Trọng Đoan không hoàn hảo bằng công nghệ làm gốm tiên tiến khác trên thế giới nhưng ở tác phẩm gốm của ông luôn đầy ắp chất liệu dân gian và người ta thấy từ sự thô sơ ấy toát lên vẻ đẹp khó miêu tả hết bằng lời.
Nghệ sĩ - người thợ gốm
Không có ranh giới giữa nghệ nhân gốm và nhà điêu khắc trong ông, bởi vì trong gốm của ông có điêu khắc và ngược lại, điêu khắc của ông là điêu khắc gốm. Cũng không thể tách bạch ông - một nghệ sĩ tạo hình chính quy, với ông - người thợ gốm.
Trong xưởng gốm, người ta thấy ông lẫn vào những người thợ, ông lẫn vào đất. Đối với ông, chẳng có bí quyết nào và cũng không có “tuyệt kỹ “nào trong nghề. Sự “thô vụng” nhiều khi mang lại những giá trị không ngờ cũng như sự thiếu thốn về công nghệ đôi lúc lại là một lợi thế. Gốm của Nguyễn Trọng Đoan là như vậy. Cũng đừng hỏi ông khi nào thì ông để gốm mộc, khi nào thì ông xử lý (patin) màu, khi sản phẩm ra lò, bước tiếp theo, ông làm theo gốm. Đối với gốm, đừng áp đặt, vì gốm có tính cách riêng, rất lành và cũng rất ngang bướng. Phải hiểu gốm thì mới “ăn đời ở kiếp” với gốm được.
Đến với gốm như một duyên phận, cùng với gốm trải qua những năm tháng bĩ cực nhất của cuộc đời, ông đã đưa gốm, từ thân phận là kẻ mua vui, là vật trang trí thêm thắt trong các cuộc chơi, bước lên bậc cao nhất của danh dự: Giải thưởng Nhà nước về tác phẩm gốm.
Một tác phẩm gốm của Nguyễn Trọng Đoan |
Gần mười năm ông theo họa sĩ Đỗ Cung nghiên cứu đình chùa, lang thang khắp các làng quê Việt Nam quả đã không uổng phí. Hồn vía những hũ, chum, vại... những con gà, con công... trong các loại hình trang trí cổ đã gợi cho ông nhiều ý tưởng sáng tác sau này.
Điều đó lý giải tại sao nhà phê bình nghệ thuật Phạm Trần Lê đã từng nói: Đa phần những mảng màu trơ ra trên tượng gốm của Nguyễn Trọng Đoan đều là màu nâu đất. Còn tôi cho rằng, Nguyễn Trọng Đoan như một nhà ảo thuật, giỏi biến báo màu nâu đất mộc mạc thành hồn quê hương, thành những thông điệp cuộc sống rất đỗi giản dị mà ý nghĩa vô cùng. Hình tượng gốm và màu sắc gốm của ông quyến rũ trong hình thức, đa sắc miền cảm thụ, bền vững trong tâm khảm người yêu nghệ thuật.
Xem tượng gốm của ông, người ta thường liên tưởng đến một điều gì đó rất “quê và dân dã”. Có phải vì ông đã biết cách phù phép (phát huy) cái màu nâu đất quý giá mà cha ông ta bao đời nay đã sử dụng?
Rất ít người biết rằng, để dấn thân vào con đường nghệ thuật gốm, Nguyễn Trọng Đoan đã chấp nhận một sự thật rằng gốm không phải là loại nghệ thuật dễ bán, dễ mua, nhưng nghệ thuật gốm luôn được đánh giá cao chứ không hề hèn kém! Đó là cảm giác của ông khi lần đầu tiên triển lãm chung với họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, chỉ với số tiền bán được của hai bức tượng gốm ông đã đủ trang trải nợ nần cho một năm vay mượn mua lò, mua đất, mua than... để sáng tác.
Vâng, rất khó để miêu tả cho hết vẻ đẹp gốm của Nguyễn Trọng Đoan bằng ngôn từ một cách xác đáng và đầy đủ. Vì vậy, tôi xin mượn lời tác giả của những tình khúc bất hủ trong lòng người Việt Nam - nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - trong một lần đến thăm nhà điêu khắc Nguyễn Trọng Đoan đã nói trong lúc ông nhắm mắt lại và đặt tay lên một bức tượng, rằng: “Tượng gốm của Đoan, tôi không thể nhìn bằng mắt, tôi chỉ có thể nhìn bằng xúc cảm”.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất