Nguyễn Ngọc Tiến mở triển lãm từ phế liệu chiến tranh

04/12/2012 09:25 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Độc đáo nhưng không hề xa lạ, Tôi kể chuyện này là cuộc triển lãm về những đồ vật được gia công từ vỏ bom, pháo sáng, mảnh dù, xác máy bay…

Triển lãm diễn ra trong thời gian từ 3 đến 8/12 tại 29 Hàng Bài (Hà Nội). Không phải ai khác, chủ nhân của hơn 50 món đồ độc đáo này là nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến (báo Hà Nội mới). Nhiều năm qua, anh vẫn được truyền thông nhắc tới như một người có thú sưu tầm, tích góp những món đồ dùng của thời bao cấp và từng mở hẳn một quán cà phê để trưng bày “kho báu” của mình.

Những hiện vật trong Tôi kể chuyện này được lựa chọn rất kỹ từ bộ sưu tập của Tiến. Chúng đều có xuất xứ từ những khí cụ chiến tranh của Pháp, Mỹ... Đó là vỏ bom được chế thành kẻng hoặc vành xe đạp, mũ sắt chế thành cối giã cua, vỏ đạn pháo 30mm, 105mm, 85mm, 37mm… chế thành lọ cắm hoa; dây dù đan thành võng, dù pháo sáng làm thành khăn choàng cắt tóc, rèm che hoặc khăn quàng… Đặc biệt, triển lãm có 16 món đồ (điếu cày, gạt tàn, vỏ phích) làm từ các loại xác máy bay Mỹ, trong đó có 5 hiện vật làm từ xác máy bay B52 bị bắn cháy trong trận Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972.

Nguyễn Ngọc Tiến nói:

- Sưu tầm nhiều năm, nhưng đây là lần đầu tiên tôi mở một triển lãm về những món đồ của mình. Cách đây 3 năm, được nhà sử học Dương Trung Quốc động viên, tôi đã tính rủ phóng viên Xuân Tùng (VTV) cùng đứng ra tổ chức. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, điều đó chưa thành hiện thực.

Còn ở triển lãm lần này, nhân kỷ niệm tròn 40 năm chiến thắng B52, tôi được sự hỗ trợ và thúc giục ngay từ cơ quan mình (báo Hà Nội mới). Ban đầu, tôi định chọn cái tên Hóa kiếp chiến tranh, nhưng nghe vậy có phần hơi… nặng nề. Cái tên Tôi kể chuyện này hợp lý hơn, bởi mỗi món đồ tại đây là một câu chuyện: chuyện về nghị lực sống, về sự thông mình và khéo tay, về cả sự vất vả, tủi cực tới mức phải bòn mót những mảnh vũ khí của chiến tranh để chế tác thành vật dụng sinh hoạt của mình…

Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến

* Cả chuyện về việc sưu tầm nữa chứ. Anh làm thế nào để có thể “nhặt nhạnh” được tới hàng chục món đồ cũ như thế này?

- Đa phần những hiện vật còn lại, tôi vốn có chủ ý tìm mua nên thường được người nọ, người kia mách bảo. Chẳng hạn, bộ bàn ghế làm bằng đuya-ra (hợp kim chế tạo máy bay - TT&VH), tôi mua của một ông lão bán hàng nước. Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, có một chiếc máy bay B52 duy nhất bị bắn rơi khi chưa kịp ném quả bom nào.

Những mảnh xác máy bay này được bộ đội mang về trưng bày trong công viên Thủ Lệ để tuyên truyền. Không hiểu, ông lão làm cách nào mà “nhón” được vài mảnh mang về. Phải nói, ông cụ rất khéo tay: bộ bàn ghế được gò lại và ghép chặt bằng đinh tán, đặc biệt 6 chiếc ghế được tính toán kỹ để có thể lắp vừa khít vào gầm bàn khi cần di chuyển.

Hoặc, chiếc điếu cày cũng đúc bằng đuya-ra, tôi mua của một nghệ nhân thuộc làng đúc đồng cũ phố Bạch Mai. Còn với chiếc vali làm từ xác máy bay, trên thân vẫn còn nguyên dòng chữ của không quân Mỹ, tôi mua của một cán bộ quân đội. Riêng “vụ” này, tôi phải mất cả một đêm ngồi uống rượu và chuyện trò để thuyết phục chủ nhân…

* Khi mua, anh thường “đặt vấn đề” với chủ nhân theo cách nào?

- Thì, em là người đi sưu tầm những đồ cũ thời chiến tranh, cũng muốn sau này lập một bảo tàng riêng. Mấy thứ này hay quá, nếu được bác bán cho em, sau này làm triển lãm, em sẽ ghi rõ nguồn gốc và tên các bác. Như vậy có lẽ hợp lý hơn là các bác để ở nhà như vậy, sau này con cháu vô tình lại mang bán mất thì phí vô cùng…

Thực ra, các món đồ này không đắt, tôi chưa gặp trường hợp nào phải trả mức giá quá 2 triệu đồng. Có lẽ, cũng bởi không có cơ sở nào để xác định khung giá cho những hiện vật ấy. Chẳng hạn, tôi tìm thấy ở một cửa hàng đồng nát tại Thanh Hóa vỏ quả tên lửa SAM 2 của Liên Xô nhưng lại sơn dòng chữ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược! Cấm lấy”. Thú vị quá, tôi hỏi thì họ bán với giá sắt vụn.

Bộ bàn ghế và chiếc điếu cày làm từ đuya-ra tại triển lãm

* Vậy, trong số này có món đồ nào được chủ nhân… tặng không?

- Cũng có. Trước tiên phải kể tới chiếc gạt tàn bằng vỏ máy bay được bộ đội phòng không tặng cho cố tác giả Tào Mạt, trên có in dòng chữ: “Kỷ niệm chiếc máy bay thứ 2.600 tại miền Bắc bị bắn rơi”. Hồi học ĐH Sân khấu & Điện ảnh, tôi tới nhà cụ chơi nhiều lần nhưng không dám xin. Tới năm 1985, khi vở Lý Nhân Tông kế nghiệp được giải vàng tại Hội diễn toàn quốc, anh em kéo tới nhà cụ ăn mừng. Tôi tranh thủ ngỏ lời, được lúc cụ cao hứng nên gật đầu (cười).

Tuy nhiên, cũng có những món đồ mặc dù thích nhưng tôi không mua được. Chẳng hạn, những năm 1970, sau chiến công của anh hùng Phạm Tuân, “mốt” phổ biến của thanh niên thời ấy là gắn một mô hình máy bay Mic lên vành chắn bùn trước xe đạp. Nếu là mô hình tự gò từ mảnh máy bay Mỹ thì càng “độc”. Tôi gặp một chiếc xe Thống Nhất như vậy, nhưng chủ nhân nhất định không muốn bán - dù tôi xin đổi lại một chiếc xe đạp mới.

* Sau triển lãm này, anh có kế hoạch gì cho các món đồ của mình chưa?

- Thực ra, tôi luôn sẵn sàng tặng lại cho các bảo tàng, nếu họ có điều kiện trưng bày. Đợt trước, phía bảo tàng Hà Nội có liên hệ xin mua những món đồ thời bao cấp của tôi, tôi đã nói rõ: Sẵn sàng tặng không, miễn là các anh có chỗ để trưng bày phục vụ người xem và bảo quản cẩn thận.

Thậm chí, không chỉ các bảo tàng, một quán cà phê nào đó có không gian và muốn trưng bày cũng có thể liên hệ với tôi để nhận về. Sự thật, những món đồ này đã từng rất phổ biến một thời, tôi chỉ là người có ý thức góp nhặt lại, nên cũng không cần thiết phải đề tên tôi vào đó làm gì.

* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Chiêu Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm