Người 'tài tử' mê nhạc tài tử...

17/01/2014 14:24 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Ở cái tuổi bách niên giai lão rồi, nhưng hằng ngày, trong căn phòng chật chội của mình, nhạc sư Vĩnh Bảo vẫn một tay búng thuốc lá, một tay di chuột lướt mạng, kiểm tra thư điện tử hàng tiếng đồng hồ không nghỉ để truyền dạy âm nhạc dân tộc, nhạc tài tử qua internet. Học trò của ông ở khắp năm châu và đa quốc tịch. Ông vui với việc “truyền lửa” của mình, vui khi đờn ca tài tử Nam bộ được vinh danh là di sản thế giới...

Nhưng chính ông cũng thấy bất lực trong việc bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật này trong đời sống đương đại, khi mà giới trẻ thờ ơ và đặc biệt là chưa tìm được cách ký âm phù hợp cho đờn ca tài tử...

Theo ông, nếu dùng đồ, rê, mi, fa, sol, la, si... để ký âm cho nhạc tài tử Nam bộ sẽ làm hỏng đi “điệu hồn dân tộc” của loại nhạc này...

Những “mốc son tài tử”

96 tuổi, biết 5 ngoại ngữ, được mệnh danh là “thiên hạ đệ nhất đàn tranh”, những tưởng cuộc sống của nhạc sư Vĩnh Bảo phải vương giả lắm. Nhưng lục lại “lý lịch trích ngang” của ông thì chẳng có nhiều mốc son nào đáng nhớ ngoài mấy chi tiết: 10 tuổi đã chơi thành thạo các loại đàn dân tộc như đàn tranh, gáo, kìm, cò… Bị quan lại Pháp phạt đánh 30 roi và đuổi học vì tham gia rải truyền đơn. Sau đó được cha mẹ gửi sang Campuchia để thi tú tài nhưng ông bỏ thi vì quan niệm cũng rất “tài tử”: học không phải để lấy bằng. Học nhạc ông cũng không học trong trường mà học với hai loại thầy trong thiên hạ, một là học với những nhạc sư nổi tiếng thời bấy giờ như Hai Lòng, Sáu Tý, Năm Nghĩa và hai là học với những “tài tử” biết đờn ca vốn là những người lao động nghèo đạp xích lô, chèo ghe, bán báo dạo...

Năm 20 tuổi, Vĩnh Bảo từng liên tục “chạy sô” ở Campuchia. Tiếng lành đồn xa, ông được quan Nhật mời qua Nhật sinh sống và... chơi đàn. Chính trong những năm “rày đây mai đó” qua một số nước, tiếp cận với nhiều loại nhạc cụ khác nhau, ông đã cải tiến cây đàn tranh từ 16 dây thành 17, 19, rồi 21 dây.

Năm 1955, sau khi nhận lời làm Trưởng ban Giáo sư âm nhạc miền Nam (Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn), ông dạy nhạc cho học viên cũng “tài tử” như rong chơi chốn nhân gian, không theo bất kỳ một phương pháp sư phạm nào. Cách dạy này của ông sau đó bị học viên cho là vô lối và “tẩy chay” ông.

“Chúng nó chụm lại kháo nhau rằng, không thể hiểu nổi ông này, có mỗi một bản nhạc mà lúc này ông ấy gảy kiểu này, lúc khác thì ông ấy lại chơi kiểu khác. Một bản nhạc chỉ chơi được một kiểu chứ mấy” - nhạc sư Vĩnh Bảo kể.

Đến năm 1964, do bất đồng quan điểm với Ban Giám đốc trường về phương pháp giảng dạy, ông rời Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ rồi tiếp tục phiêu bạt cùng âm nhạc dân tộc khắp Nam kỳ Lục tỉnh và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

“Tài tử” dạy nhạc và dạy nhạc tài tử

Nghịch cảnh có thể khiến cho con người trở nên thông minh, dù không thể làm cho con người trở nên giàu có.

Hiện nay, không gian sinh hoạt âm nhạc của nhạc sư Vĩnh Bảo chỉ gói gọn trong căn phòng chưa đầy 10m2. Trừ khi ngủ, còn khi đã tỉnh giấc, thì căn phòng chật hẹp của ông luôn ngập tràn âm nhạc, một thứ nhạc duy nhất - nhạc tài tử Nam bộ.

Điều đặc biệt là ông không nghe băng đĩa của các nghệ sĩ mà nghe chính tiếng đàn, tiếng ca của mình hoặc của học trò của ông ở khắp năm châu gửi về qua E-mail. Nghe có vẻ lạ, nhưng đó lại là sự thật vì ông dạy nhạc dân tộc, nhạc tài tử qua internet, một phương pháp dạy cũng rất “tài tử”.

Người muốn học nhạc tài tử qua internet với nhạc sư Vĩnh Bảo chỉ cần có những tố chất như ông yêu cầu: Nắm vững truyền thống dân tộc, biết ký âm rõ ràng, biết về âm nhạc quốc tế và phải biết tiếng Việt hoặc 1 trong 5 thứ tiếng mà ông biết (Anh, Pháp, Nhật, Hoa, Campuchia). Ai chưa biết truyền thống Việt mà vẫn muốn học nhạc truyền thống Việt, môn đầu tiên ông sẽ dạy chính là “văn hóa Việt Nam” theo vốn hiểu biết của ông.

Vô tình, phương pháp dạy chẳng giống ai này của lão nhạc sư đã nhiều năm qua và còn nhiều năm nữa đang truyền đi khắp thế giới không chỉ nhạc tài tử Nam bộ mà còn là truyền thống văn hóa Việt. Đáng quý hơn, nó được truyền đi một cách vô tư và phi vụ lợi!

Nhiều người nhìn vào công việc này của nhạc sư Vĩnh Bảo, già non cho rằng, hàng tháng chắc nhận được nhiều đô la từ nước ngoài gửi về lắm. Nhưng sự thật là không học trò nào của ông phải đóng học phí. Thế nên mới có chuyện, mỗi sáng mai thức dậy, ông đều vịn tay vào lan can cầu thang nói vọng xuống lầu dưới với người con gái của mình: “Mua ba ly cà phê, một bao thuốc lá Jet nha con”, rồi lẫm chẫm trở vào thư phòng, đánh phệt mông xuống sàn nhà dán mắt vào máy tính, bật loa lên và di chuột kiểm tra thư điện tử để “chấm bài” thu âm cho học trò. Chấm đến bài nào, nếu thấy học trò online, ông “buzz” ngay và bật webcam để trao đổi. Nếu xong sớm, ông lại quay sang làm đàn tranh, đàn kìm để bán lấy tiền... Ngoài ra, thi thoảng có người bán đất, bán nhà mà giấy tờ hoặc văn tự bằng tiếng Pháp, tiếng Anh hay tiếng Hoa đều tìm đến ông và “thuê” dịch ra tiếng Việt.

Tài tử mắc kẹt

Vừa gối một cây đàn tranh lên đùi, phẩy đôi bàn tay già nua trên những sợi dây đàn, ông bảo: “Đời tôi gối đầu lên những cái này gần hết rồi. Ôm mãi cũng không được, muốn giữ lắm nhưng kẹt nhiều chuyện lắm...”.

Cái “kẹt” trong việc gìn giữ nhạc tài tử Nam bộ theo lão nhạc sư là chúng ta chưa tìm được lối ký âm cho nó. Thông thường, bây giờ sử dụng đô, rê, mi, fa, sol... để ký âm. Đó là lối ký âm khoa học và chính xác, nhưng theo nhạc sư Vĩnh Bảo, đối với loại hình âm nhạc truyền thống (của các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng) thì lối ký âm này chưa đạt, chỉ làm nên được phần xác chứ chưa thể lột hết được phần hồn, tinh thần dân tộc, tính truyền thống của bản nhạc. Có lẽ vì thế nên khi dạy học trò qua internet, lão nhạc sư “tài tử” vẫn dùng những nốt cổ nhạc Nam bộ hò, xự, xang, xê, cống... để hy vọng không làm mất bản sắc dân tộc trong từng bản cổ nhạc.

“Ở phương Tây, một bản nhạc viết ra như thế nào thì nghệ sĩ chơi như thế ấy vì xem đó như là một thực thể bất biến. Nhưng người nghệ sĩ Việt Nam không chỉ là người diễn tấu đơn thuần mà có thể ứng tấu trong từng ngón đàn tùy theo tình cảm, tâm tư của họ. Nghệ sĩ Việt Nam có thể tô điểm, thêm thắt hoa lá cho bản nhạc thêm sức sống mới. Chính những di sản đó được chơi đi chơi lại khác nhau thì đó mới là... tài tử, tài năng thực sự”.

Phần lớn những nghệ sĩ đờn ca tài tử hiện nay theo nhạc sư Vĩnh Bảo không biết gì về đô, rê, mi, fa, sol. Vì vậy, nếu các trường nhạc mời các tài tử về dạy nhạc tài tử Nam bộ cho học sinh theo lối ký âm này thì các “thầy” chịu. Ngược lại, học sinh nếu thấy nhạc tài tử Nam bộ hay, muốn tìm đến thầy học nhưng lại không hiểu, không biết gì về hò, xự, xang, xê, cống... thì nói như nhạc sư, kể như... huề.

Được chính phủ Pháp tặng Huy chương

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, sinh năm 1918 tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp), là người có ngón đờn tranh có một không hai của Việt Nam và tài chế tác đàn tranh cải tiến vô (17 đến 21 dây). Từng giữ chức danh Trưởng ban Giáo sư Âm nhạc miền Nam của Trường Quốc gia Âm nhạc - Kịch nghệ Sài Gòn (1955 - 1964), năm 1960, ông lập ban nhạc Tinh Hoa, chuyên trình diễn nhạc tài tử Nam Bộ trên Đài Phát thanh Sài Gòn. Năm 2002, hãng dĩa Ocora của Pháp đã phát hành một CD với nhạc sư Vĩnh Bảo và ban nhạc tài tử gồm Sáu Tý và Hoàng Cơ Thụy, tạo được tiếng vang lớn ở hải ngoại và được bán khắp nơi trên thế giới.

Năm 2005, ông được Nhà nước trao Giải thưởng Đào Tấn. Năm 2008, ông được Chính phủ Pháp tặng Huy chương Nghệ thuật và Văn học (Médaille des Arts et des Lettres), cấp bậc Officier (ở Việt Nam chỉ có hai người có cấp bực này là GS Trần Văn Khê và nhạc sư Vĩnh Bảo. Một số nghệ sĩ được huy chương này nhưng ở cấp bực thấp hơn là Chevalier).

Huy Thông
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm