Người ta cần tới cả 'chứng chỉ đạo văn'?

06/05/2013 09:28 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Mấy năm trước, thấy tôi hăng hái “chỉ tận dòng, day tận chữ” một số tác giả “đạo văn”, nên bạn bè nói vui gọi là “dũng sĩ diệt đạo văn” - danh hiệu chẳng lấy gì làm kiêu hãnh cho lắm!

Thế rồi, phần vì càng đọc càng thấy cái sự “đạo văn” ngày càng trầm trọng, phần vì không trả lời được câu hỏi: “Người ta đạo văn nhiều hơn để chứng minh phê phán cũng không có ý nghĩa gì?”, nên dần dà tôi cũng không viết nữa. Thế nhưng, khi đọc bài viết Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Mông Lào Cai của Trần Thị Phương Thúy(TTPT) trên Tạp chí Văn hóa nghệ thuật (cơ quan của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) số 4.2013 thì tôi không thể im lặng, vì ở bài này, tác giả đã tỏ ra trắng trợn khi sao chép văn của người khác. Bởi:

- Mở đầu bài Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Mông Lào Cai, TTPT chép từ cuốn Văn hóa HMông của Trần Hữu Sơn (THS) do NXB Văn hóa dân tộc phát hành năm 1996. Ví dụ:

Bài viết của tác giả Trần Thị Phương Thúy và cuốn sách Văn hóa Hmông của TS Trần Hữu Sơn

+ TTPT viết: “Người Mông ở Lào Cai có bốn ngành chính, Mông Hoa (Mông Lềnh) là ngành có dân số đông nhất, chiếm tới 70%, cư trú ở 8 huyện nhưng chủ yếu tập trung ở huyện Bắc Hà, Mường Khương, Sa Pa, Bảo Thắng, Bảo Yên, Mông Đen (Mông Đú) cư trú rải rác tại Bát Xát, Sa Pa. Mông Xanh (Mông Chúa) cư trú tập trung tại xã Nậm Xé huyện Văn Bàn. Mông Trắng (Mông Đư) ở Bắc Hà, Bát Xát, Văn Bàn, Sa Pa, Xi Ma Cai. Tuy phân biệt thành bốn ngành khác nhau nhưng trừ ngành Mông Xanh, ở Văn Bàn có ba ngành Mông Hoa, Mông Trắng, Mông Đen, về ngôn ngữ văn hóa cơ bản giống nhau, sự khác nhau giữa các nhóm chủ yếu là dựa trên trang phục phụ nữ. Trong ngôn ngữ, hơn 90% từ vị, cách phát âm của các nhóm Mông là giống nhau”.

+ THS viết: “Người Mông ở Lào Cai có bốn ngành chính, phân bố ở các địa bàn cụ thể: Mông Hoa (HMông Lềnh) là ngành có dân số đông nhất, chiếm tới 70% số người HMông ở Lào Cai. Họ cư trú ở 8 huyện nhưng chủ yếu tập trung ở huyện Bắc Hà, Mường Khương, Sa Pa, Bảo Thắng, Bảo Yên. Mông Đen (HMông Đú) cư trú rải rác tại Bát Xát, Sa Pa. Mông Xanh (HMông Chúa) cư trú tập trung tại xã Nậm Xé huyện Văn Bàn. Mông Trắng (HMông Đư) ở Bắc Hà, Bát Xát, Văn Bàn, Sa Pa, Xi Ma Cai. Tuy phân biệt thành bốn ngành HMông khác nhau nhưng trừ ngành Mông Xanh (HMông Chúa) ở Văn Bàn, còn ba ngành Mông Hoa, Mông Trắng, Mông Đen, về ngôn ngữ về ngôn ngữ văn hóa cơ bản giống nhau, sự khác nhau giữa các nhóm chủ yếu là dựa trên trang phục phụ nữ. Trong ngôn ngữ, hơn 90% từ vị cách phát âm của các nhóm Mông là giống nhau” (THS, Sđd, tr.9-10).

- Phần tiếp theo, TTPT chép từ cuốn Văn hóa tâm linh của người Hmông ở Việt Nam truyền thống và hiện tại của Vương Duy Quang (VDQ) do NXB Văn hóa thông tin và Viện Văn hóa phát hành năm 2005. Ví dụ:

+ TTPT viết: “Họ luôn ghi nhớ ông Chơ Nghĩa là người dạy đàn, nhị, kèn, sáo, ca múa và giúp họ xây dựng đường lý đường lẽ trong ứng xử, ông Lias Lư định ra luật cưới xin, bà Niav Ngâul Chơ dạy cách thêu thùa, ông Xyz Zi cứu họ khỏi bệnh tật và cái chết, ông Sâuz là người chỉ bảo cho họ giải quyết những điều vào thời điểm khó khăn nhất... Những vị thần đó được người Mông coi là những ông tổ đã có công xây dựng nền móng cho hệ thống văn hóa mưu sinh và ứng xử của tộc người này, đồng thời giúp họ có đủ sức mạng chống lại áp bức, chống lại sự đe dọa của thiên nhiên, bảo vệ sự sống còn của cộng đồng”.

+ VDQ viết: “Họ luôn ghi nhớ ông Chơ Nghĩa là người dạy đàn, nhị, khèn, sáo, ca múa và giúp họ xây dựng “đường lý đường lẽ” trong ứng xử, ông Lias Lư là người định ra luật cưới xin, bà Niav Ngâul Chơ là người dạy cách thêu thùa, ông Xyz Zi là người cứu họ khỏi bệnh tật và cái chết, ông Sâuz là người chỉ bảo cho họ giải quyết những điều vào thời điểm khó khăn nhất v.v... Tất cả những vị thần đó được người Hmông coi là những ông tổ đã có công xây dựng nền móng cho hệ thống văn hóa mưu sinh và ứng xử của dân tộc này, đồng thời có đủ sức mạng chống lại áp bức, chống lại sự đe dọa của thiên nhiên, bảo vệ sự sống còn của cộng đồng” (VDQ, Sđd, tr.94).

- Phần còn lại của bài Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Mông Lào Cai, TTPT chủ yếu chép từ cuốn sách của THS như đã dẫn ở trên. Ví dụ:

+ TTPT viết: “Người Thái quan niệm, tổ tiên (ma nhà) chỉ là thế hệ cha của chủ nhà. Người Tày quan niệm tổ tiên gồm 4 đời (cha, ông, cụ, kỵ). Người Mông quan niệm tổ tiên là những người đã chết trong ba đời trở lại (cha, ông, cụ). Quan niệm này thể hiện trong các bài khấn mời tổ tiên (cúng năm mới, cúng ma trâu...), chủ nhà hoặc thày cúng đều gọi tên tuổi những người thuộc ba thế hệ đã khuất trở về ăn tết với con cháu, phù hộ cho con cháu làm ăn. Trong một bản người Mông thường có vài dòng họ, mỗi dòng họ có một ông tổ đã chết mà người già ở thế hệ cao nhất trong phả hệ còn nhớ được”.

+ THS viết: “Người Thái quan niệm, tổ tiên (ma nhà) chỉ là thế hệ cha của chủ nhà. Người Tày quan niệm tổ tiên gồm 4 đời (cha, ông, cụ, kỵ). Nhưng người HMông quan niệm tổ tiên là những người đã chết trong ba đời trở lại (cha, ông, cụ). Quan niệm này thể hiện trong các bài khấn mời tổ tiên (cúng năm mới, cúng ma trâu...), chủ nhà hoặc thầy cúng đều gọi tên tuổi những người thuộc ba thế hệ đã khuất trở về ăn tết với con cháu, phù hộ cho con cháu làm ăn. Trong một bản người Mông thường có vài dòng họ, mỗi dòng họ có một ông tổ đã chết mà người già ở thế hệ cao nhất trong phả hệ còn nhớ được” (THS, Sđd, tr.42-43).

Tóm lại, trong bối cảnh các chuyên ngành văn hóa học, dân tộc học, tôn giáo học đang vắng bóng các tác giả như Từ Chi, Nguyễn Duy Hinh,... thì tác giả TTPT chỉ cần “điền dã” từ hai cuốn sách của Trần Hữu Sơn và Vương Duy Quang là có thể hoàn thành một tiểu luận. Với người mà tên tuổi còn xa lạ với giới nghiên cứu, các tiểu luận như của Trần Thị Phương Thúy thường để hoàn thiện hồ sơ trước khi trở thành thạc sĩ hoặc tiến sĩ. Vậy phải chăng, TTPT không thấy xấu hổ khi "ăn cắp" sản phẩm của người khác? Hay phải chăng, ngày nay trong hồ sơ trở thành thạc sĩ hoặc tiến sĩ, người ta lại cần tới cả “chứng chỉ đạo văn”!?

Tác giả Trần Thị Phương Thúy nhận lỗi “sơ suất”

Sau khi được TT&VH liên lạc, tác giả Trần Thị Phương Thúy (hiện đang công tác tại một trường ĐH) đã thừa nhận sự việc được nhà phê bình Nguyễn Hòa nêu ra là có thật. Tác giả này cho biết mình đã có thời gian khá lâu làm việc tại Sở VH, TT&DL Lào Cai và thường xuyên được TS Trần Hữu Sơn (hiện đang là Giám đốc Sở) giúp đỡ cung cấp tư liệu để phục vụ nghiên cứu. Theo lời bà Thúy, bài viết Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Mông Lào Cai (đăng trên tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 4/2013) có sử dụng lại một số tư liệu này. Tuy nhiên, vì “không viết bài nhiều lắm”, tác giả này đã... sơ suất không dẫn nguồn gốc các tư liệu trên.

“Tôi đã trực tiếp điện thoại tới TS Trần Hữu Sơn, tuy nhiên anh Sơn đang bận tổ chức các lễ hội tại Lào Cai trong dịp nghỉ 30/4 nên hẹn nói chuyện sau. Qua TT&VH, tôi mong một lần nữa được gửi lời xin lỗi tới TS Sơn và các độc giả về câu chuyện đáng tiếc này”- tác giả Trần Thị Phương Thúy nói.

Trước đó, trao đổi cùng TT&VH qua điện thoại, TS Trần Hữu Sơn cũng tỏ ra rất bức xúc với sự việc trên. Theo lời tác giả, cuốn sách Văn hóa Hmông được ông viết dựa trên kinh nghiệm của rất nhiều năm nghiên cứu thực địa và không dưới 3 lần bị vài tác giả khác “đạo văn” một cách ngang nhiên. Chưa kể, ở trường hợp bài viết trên Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, việc “ghép” những nội dung nghiên cứu của ông với phần lấy từ cuốn Văn hóa tâm linh của người Hmông ở Việt Nam truyền thống và hiện tại (Vương Duy Quang) là hoàn toàn không hợp lý, bởi 2 công trình nghiên cứu này hướng về 2 tộc người Hmông khác nhau.

“Khi biết tin, tôi đã lập tức gọi tới Tổng biên tập tờ Văn hóa Nghệ thuật và yêu cầu nhắn tác giả bài báo chủ động liên lạc với tôi để làm rõ sự việc. Nếu yêu cầu đó không được thực hiện, tôi sẽ không chấp nhận bất cứ lời xin lỗi nào và chính thức khiếu kiện theo luật bản quyền” - ông Sơn nói.

Chiêu Minh


Nguyễn Hòa
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm