Người giải mã chữ Việt thời tiền sử: Tôi sẵn sàng chịu... ném đá

31/01/2013 07:34 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - “Chúng ta đã tìm lại bộ chữ Khoa đẩu, bộ chữ Tổ tiên sáng tạo ra từ thời tiền sử mà suốt 2.000 năm qua tưởng như không còn nữa” - nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền khẳng định. Tác phẩm giới thiệu việc dịch và đọc chữ Việt cổ của ông được công bố tại Hà Nội vào chiều 29/1.

Trước đó, hàng chục năm trời, cuộc tranh luận về vấn đề chữ viết của người Việt cổ vẫn diễn ra đều đặn trong giới khoa học. Đa phần, các ý kiến này gặp nhau ở quan điểm: người Việt cổ từng có một loại chữ viết riêng, trước khi rơi vào thời kỳ Bắc thuộc gần 1.000 năm. Tuy nhiên, chưa một công trình nghiên cứu nào khẳng định đã nhận dạng và xác định được cấu trúc của khái niệm “chữ cổ” này.

50 năm tìm “chữ nòng nọc”

Nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền

Có tên Cuộc hành trình đi tìm chữ Việt cổ (NXB Hồng Đức), tác phẩm của Đỗ Văn Xuyền dày hơn 100 trang, trong đó khá nhiều nội dung mang tính dẫn giải về tư liệu. Và thực tế, có thể coi đây là cuốn sách giới thiệu khái niệm “chữ cổ” do người viết đưa ra - thay vì kết cấu của một công trình khoa học, có luận cứ chặt chẽ để sẵn sàng bảo vệ trước những lời phản biện.

Bản thân ông Xuyền cũng khẳng định: “Còn rất nhiều, rất nhiều chi tiết cần chứng minh, hoặc chưa thể chứng minh trong thời điểm hiện tại. Trước mắt, tôi chỉ xin chia sẻ với độc giả về giả thiết mà mình đưa ra”.

75 tuổi, nhiều năm làm nhà giáo, ông Xuyền cũng từng được biết tới qua một số tác phẩm viết cho thiếu nhi với bút danh Khánh Hoài. Như lời ông, là người đi sau so với hàng loạt nhà sử học, phương pháp nghiên cứu hợp lý nhất là sưu tầm, hệ thống toàn bộ các tư liệu, văn bản từng nhắc tới chữ Việt cổ để tìm “manh mối”.

Trong những tài liệu nghiên cứu của học giả nước ngoài, chữ Việt cổ vẫn “thấp thoáng” được nhắc tới - cho dù từ năm 187, thái thú Sĩ Nhiếp đã ra lệnh triệt hạ loại ký tự này để bắt người Việt dùng chữ Hán.

Theo giả định của các nhà sử học, đây là bộ chữ Khoa đầu, với những ký tự khá giống... con nòng nọc. Ngoài ra, dựa trên một số ghi chép của giáo sĩ Alexandre de Rhodes về việc xây dựng bộ chữ quốc ngữ, ông Xuyền cho rằng bộ chữ cổ của người Việt phải là loại chữ tượng thanh, chứ không phải tượng hình như nhiều người nghĩ.

Không tìm được nhiều tài liệu có giá trị, ông Xuyền chuyển hướng tìm kiếm lên Tây Bắc. Theo lập luận của ông, do cảnh “ngăn sông cách núi” với đồng bằng trong giai đoạn bị Hán hóa, vùng đất này nhất định còn lưu lại nhiều dấu vết của chữ Việt cổ. Và sau vài chục năm khảo sát, nhà nghiên cứu này tin rằng tài liệu mà tri châu Điện Biên Phạm Thận Duật sưu tầm được năm 1855 chính là thứ mình đang kiếm tìm (tư liệu hiện do con cháu vị tri châu này lưu giữ).

Chữ Việt cổ hay... chữ Thái cổ?

Có tên gọi “Chữ Thái thổ tự”, tài liệu này là bản phiên âm sang tiếng Hán của một bộ ký tự vốn được coi là chữ Thái cổ. Các lập luận chứng minh đây chính là bộ ký tự “Việt cổ” được ông Xuyền đưa ra theo một số phân tích về ngữ âm học. Đồng thời, ông và cộng sự cũng thử nghiệm xây dựng một bản phiên âm từ hệ ký tự này sang tiếng Việt hiện đại.

Sẽ rất đơn giản để chứng minh lập luận của ông Xuyền, nếu nhóm nghiên cứu cung cấp một văn bản chữ “Việt cổ” được khai quật cách đây vài ngàn năm, và sau đó dịch trôi chảy ra tiếng Việt. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là...  giới khảo cổ không hề tìm được một văn bản nào như vậy. Bởi, các dấu vết được cho là ký tự trên trống đồng, di chỉ khảo cổ... từng ở dạng  rất tản mát, sơ khai. Và như lời của nhiều chuyên gia, cùng lắm, đó chỉ có thể là những ký tự hiếm hoi mang tính chất tiền thân cho chữ viết sau này.

Bìa cuốn Cuộc hành trình đi tìm chữ Việt cổ

Bởi thế, cách chứng minh của ông Xuyền bắt buộc phải đi theo hướng ngược lại: sử dụng bộ ký tự cổ này để chép lại một số văn bản tiếng Việt, theo cách giải mã của mình. Theo lời ông, bộ ký tự này có thể chép đầy đủ thơ Trần Nhân Tông, thơ Nguyễn Du, thậm chí là... thơ Nguyễn Bính. Theo ông Xuyền, hiện tại khu vực Tây Bắc còn hàng ngàn văn bản sử dụng bộ ký tự này và được lưu trữ trong dân gian. “ Để khai thác được kho dữ liệu này cần tới công sức của hàng trăm nhà nghiên cứu trong thời gian tới”.

Tất nhiên, vì hàng loạt hạn chế khách quan, nhiều nhà nghiên cứu chưa thể thực sự đồng tình với ông Xuyền rằng đây chính là hệ chữ Việt cổ - thay vì chữ Thái cổ hoặc chữ của một dân tộc anh em nào khác. Đặc biệt, trong buổi ra mắt sách, nhóm nghiên cứu cũng chưa cung cấp các tư liệu sưu tầm về thứ văn bản có sử dụng hệ ký tự này. Thay vào đó, một số bài thơ... hiện đại, viết bằng hệ ký tự cổ, được cung cấp tới tay người đọc.

“Dư luận có thể tranh cãi, phê bình thoải mái. Giữa việc im lặng vì sợ người khác... ném đá và đưa ra một quan điểm mà mình dám đặt lòng tin và chịu trách nhiệm, tôi chọn vế thứ hai” - ông Xuyền thẳng thắn nói. Và, một câu nói của nhà toán học Pháp Poincare được ông dẫn lại khi nói về cách làm việc của mình: “Phỏng đoán trước rồi hãy chứng mình. Chính vì vậy mà đã có những phát minh quan trọng”.

Công sức bỏ ra trong nhiều năm, cùng sự sòng phẳng chờ thẩm định của ông Xuyền, là một tín hiệu tích cực trong giấc mơ tìm lại chữ Việt cổ của rất nhiều người VN hiện tại?

Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm