Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn: 35 năm vác máy theo chân Đại tướng Võ Nguyên Giáp

09/10/2013 14:51 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Không phải người dân Việt Nam nào cũng có cơ hội gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nên với một người có 35 năm được theo chân Đại tướng như nhiếp ảnh gia Trần Tuấn – nguyên phóng viên TTXVN quả thực là một mối duyên hạnh ngộ trong đời.

Chúng tôi đến cũng là lúc nhiếp ảnh gia Trần Tuấn đang bận rộn thu xếp chuyến đi về Quảng Bình. Trong cuộc đời mình, ông đã có biết bao chuyến đi cùng Đại tướng nhưng lần này, sẽ là chuyến đi cuối cùng.

Những khoảnh khắc bên con người vĩ đại

Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trần Tuấn lật giở từng chồng ảnh, mỗi bức hình đều có một đời sống riêng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi mặc quân phục đẹp uy dũng và thật giản dị, gần gũi lúc mặc trang phục đời thường. Những bức ảnh tập thể có Đại tướng đặc biệt đông vui vì ai cũng muốn được chụp ảnh với ông, nhìn khuôn mặt người trong ảnh ai cũng háo hức, hạnh phúc.

"Đây là bức hình Đại tướng chụp với bà con huyện Sơn Dương bên cây đa Bố và cây đa Mẹ khi trở về Tân Trào. Bây giờ cây không còn nhưng bức hình đã ghi lại khoảnh khắc không thể nào quên", NSNA Trần Tuấn kể. 


NSNA Trần Tuấn (trái) bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Năm 1975, lần đầu NSNA Trần Tuấn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau vài lần gặp nữa ông chính thức được Đại tướng chọn là người chụp ảnh cho mình. Ông Trần Tuấn đã trở thành một thành viên ở Văn phòng của Đại tướng. Ông ra vào địa chỉ 30 Hoàng Diệu như một người con trong gia đình. "Năm nào tôi cũng đưa con gái tới báo cáo tình hình học tập với Đại tướng. Ông luôn quan tâm tới mọi người xung quanh mình. Ông sống chan hòa, giản dị lắm và là một người rất tế nhị, nhẹ nhàng, tôi chưa hề thấy ông nổi giận với ai bao giờ", NSNA Trần Tuấn kể tiếp.

Đại tướng là người rất thích chụp ảnh. Bao giờ chụp xong Đại tướng cũng yêu cầu NSNA Trần Tuấn đứng bên cạnh ông để người khác chụp. NSNA Trần Tuấn mỉm cười khi nhớ lại kỉ niệm: "Lần ấy nhờ cậu cảnh vệ chụp nhưng cậu ấy không biết chụp. Ông hướng dẫn cậu ấy nghe như quân lệnh: 'Lấy nét, nín thở, chụp. Nhớ rằng đằng sau có cột đèn, đừng để nó mọc trên đầu nhé". Nhiều lần khác, Đại tướng cũng đã cầm máy ảnh để chụp ảnh cho NSNA Trần Tuấn.

"Trong nhà, Đại tướng đặc biệt thích một góc chụp, đó là nơi treo bức tranh chim Bằng, với cây tùng bách ở bên, thể hiện chí làm trai. Đã có lần ông nhờ tôi chụp ông ngồi ghế ở góc này. Còn đây là bức ông và bà chụp bên cây bạch trà vào mùa trổ bông. Đây là loại hoa ông và bà đều thích".

Công việc thầm lặng

35 năm bền bỉ theo Đại tướng, NSNA Trần Tuấn âm thầm lưu giữ lại những khoảnh khắc về con người vĩ đại ấy. "Tôi hiểu giá trị việc mình đang làm và hiểu con người tôi đang chụp là ai. Thực sự là tôi đã phải hi sinh nhiều thứ nhưng tôi bằng lòng với tất cả những vất vả đó" (lời NSNA Trần Tuấn).

Năm 2011 NSNA Trần Tuấn mở triển lãm ảnh về Đại tướng tại Hà Nội, TP. HCM và Điện Biên. Sau triển lãm tại Điện Biên, ông đã tặng bộ ảnh này cho tỉnh; đồng thời gửi tặng sách ảnh ra Trường Sa.

Trong quá trình thực hiện, nhiều đơn vị sẵn sàng tài trợ với điều kiện có in logo thật nhỏ trong cuốn sách ảnh nhưng NSNA Trần Tuấn không chấp nhận. "Nếu làm thế không phải là tôi".

Cho đến giờ NSNA Trần Tuấn vẫn còn hàng vạn bức ảnh và khoảng 50 cuốn băng ghi hình Đại tướng chưa công bố. Ông cũng đang tập hợp các tư liệu quý này để thực hiện cuốn sách ảnh Vĩ nhân trong cuộc đời thường.

"Đại tướng vẫn thường nói với tôi 'Cây càng cao, gió càng lớn'. Tôi biết ở vị trí của ông, phải chịu rất nhiều áp lực nhưng ông vẫn an nhiên, bình thản. Những con người bình thường chúng ta vì thế cũng phải cố gắng hết sức, không nên kêu ca nhiều", NSNA Trần Tuấn nói.

Chuyên đề: Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm