Nghệ sĩ Lê Vũ Long: Đằng nào nghề múa cũng nghèo, cứ làm thôi…

06/01/2014 14:12 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - 3 năm sau khi rời Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam để tồn tại trong tư cách một biên đạo múa tự do, Lê Vũ Long nhận một tin vui cho năm 2014: "Việt Nam những năm 70" - dự án kết hợp múa, âm nhạc và nghệ thuật thị giác của  anh- đã chính thức nhận tài trợ của Quỹ Phát triển và Trao đổi văn hóa Việt Nam - Đan Mạch và sẽ ra mắt vào cuối tháng 3 tới.

TT&VH
có cuộc trò chuyện với Long về dự án, cũng như những công việc của anh trong thời gian vừa qua.


* Tại sao anh chọn chủ đề này, thay vì một Việt Nam của những năm 60 hoặc... 80 trong thế kỷ trước?


- Thập niên 1970 có tính chất bản lề trong toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam. Và, nét thú vị của nó là sự chuyển tiếp giữa 2 giai đoạn: nửa trước là những năm cuối cùng của cuộc chiến tranh, và nửa sau là những năm đầu hòa bình. Những chuyển biến trong thập niên ấy đã tạo ra những cột mốc quan trọng đến giờ, trong đó có cả những cú hích bất ngờ cho nghệ thuật.


Thật ra, 2 giai đoạn mà bạn nói cũng hay: nếu thập niên 1960 in đậm dấu ấn của những năm chiến tranh thì thập niên 1980 lại gắn liền với thời kì Đổi mới. Nhưng, hầu hết các tác giả tham gia dự án đều sinh ra trong thập niên 1970, hoặc đầu những năm 80. Mà, trong cuộc đời của mỗi con người, dấu ấn và dư âm từ bầu không khí của tuổi thơ vẫn là quan trọng nhất.


Nghệ sĩ Lê Vũ Long

* Chừng đó đã là đủ lý do để anh lựa chọn?


- Còn một điều rất quan trọng nữa. Trong nghệ thuật múa Việt Nam, hơi buồn là đến tận bây giờ, các tiết mục về giai đoạn này vẫn mang nặng cái nhìn một chiều, khô cứng và thiếu cảm xúc. Có thể, đó là sự ám ảnh bởi tư duy cũ. Và cũng có thể, điều này đến từ việc hầu hết các tiết mục múa hiện nay vẫn được dàn dựng theo "đặt hàng" của Nhà nước.


Câu hỏi ở đây: nếu không chịu sức ép của "đơn đặt hàng", các biên đạo múa của chúng ta sẽ nghĩ gì và làm gì một cách thật lòng khi nhìn lại thời điểm này? Bởi, trong nghệ thuật, việc đưa ra ý kiến cá nhân và sáng tạo cá nhân luôn là điều cần số một.


Dự án biểu diễn “Ba mặt một lời” của Lê Vũ Long, công diễn vào cuối năm 2012. Ảnh: TTXVN

* Tái hiện thời kỳ này ắt hẳn không thể thiếu chuyện bom đạn, tem phiếu?


- Cũng phải nói thêm: tôi không có tham vọng lớn để hướng về những vấn đề quá vĩ mô như đánh giá lịch sử, văn hóa vùng miền hay phân tầng giai cấp. Đúng như bạn nghĩ, khi trao đổi về thời kỳ này, điều đầu tiên các tác giả nghĩ tới là những câu chuyện về bom đạn, tem phiếu xếp hàng. Tôi nói: mình tôn trọng ý kiến của các bạn, nhưng chúng ta đừng mô phỏng lại lịch sử. Nghệ thuật múa là nghệ thuật của da thịt, của con người, và tôi mong chúng ta hãy hướng về "điểm lặng" đó, để nhìn về con người trong giai đoạn này với tất cả những cung bậc, cảm xúc đa chiều của mình...


* Hỏi thật, mức tài trợ của Quỹ Phát triển và Trao đổi văn hóa Việt Nam-Đan Mạch với dự án có... dồi dào không?


- (Cười lớn). Cùng lắm chỉ được non nửa tổng chi phí. Bởi, quan điểm tài trợ của Quỹ rất rõ ràng: các bạn muốn làm việc, và chúng tôi hỗ trợ điều ấy – chứ không thể trả công cho lao động nghệ thuật của các bạn. Chúng tôi tuyệt đối không có chi phí về địa điểm luyện tập, phí quản lý dự án, hay thậm chí cả tiền thù lao sáng tác của biên đạo. Những khoản tài trợ cho dự án chủ yếu nằm ở chi phí cho diễn viên, địa điểm tổ chức biểu diễn và trang trí, phục trang. Phần còn lại thì chúng tôi tự xoay sở, và nếu không xoay được thì tất nhiên sẽ dùng tiền túi. Lắm lúc bảo nhau: đằng nào cũng nghèo rồi, hay cứ nghiến răng làm thôi (cười).


* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện!


Chiêu Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm