Nghệ sĩ đương đại “chìa tay”, công chúng vẫn mặc cảm

01/05/2013 13:14 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Là một trong hai tác giả của cuốn sách nghiên cứu công phu Nghệ thuật đương đại Việt Nam 1990-2010, nhà nghiên cứu Phạm Trung trò chuyện với TT&VH về các trường hợp tiêu biểu và tổng quan về nền nghệ thuật đương đại (NTĐĐ) Việt Nam.

Nghệ sĩ Việt thiếu năng lượng đi xa

* NTĐĐ Việt Nam đang ở vị trí nào so với thế giới?

Nói thẳng là vẫn đang ở quá trình hòa nhập. Quá trình đó đã kéo dài cả chục năm nay rồi. Chúng ta vẫn chưa xuất hiện rõ nét trên bản đồ nghệ thuật đương đại thế giới. Chỉ có một vài nghệ sĩ Việt Nam tiêu biểu thường ra nước ngoài làm dự án, nhưng những nghệ sĩ được thế giới nhìn nhận hoặc được mời tham gia những triển lãm quan trọng (như Documenta 13) thì lại là những nghệ sĩ Việt kiều như Dinh Q.Le hay như Jun Nguyen Hatsushiba ở những Biennale nghệ thuật khác.

Chúng ta chưa có gì nhiều và không nên ảo tưởng.

* Không so với thế giới nữa mà nhìn nhận theo quá trình phát triển của một nền nghệ thuật nói chung, thì NTĐĐ Việt Nam đã đi đến đâu rồi?

- Nhiều người hay dùng chữ “nghệ thuật thử nghiệm” khi nói về NTĐĐ Việt Nam. Theo tôi, dù hiện nay vẫn là thử nghiệm nhưng chúng ta đã qua giai đoạn khai phá tìm tòi rồi. Những nghệ sĩ đương đại thế hệ thứ nhất và thứ hai đã làm xong nhiệm vụ này: Trương Tân, Nguyễn Minh Thành, Trần Lương, Đào Anh Khánh, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Bảo Toàn… Có những người đã dừng lại khi sáng tác bắt đầu cho thấy sự mệt mỏi, không có gì mới. Có những người vẫn chứng tỏ họ còn năng lượng đi tiếp, nhưng số này ít hơn, tiêu biểu là Trương Tân và Lê Quảng Hà.

Hai bản tiếng Anh và tiếng Việt của Nghệ thuật đương đại Việt Nam 1990-2010 của hai nhà nghiên cứu Bùi Như Hương và Pham Trung. Ảnh: Mi Ly.

* Khả năng sáng tạo của nghệ sĩ Việt hơi ngắn, tại sao vậy?

- Do môi trường xã hội và môi trường làm nghệ thuật ở Việt Nam, nghệ sĩ dù chín sớm hay chín muộn đều có khoảng thời gian sáng tạo sung sức khá ngắn. Khéo chỉ được 3, 4 năm, ngắn hơn cả cầu thủ bóng đá.

* Anh có thể nói cụ thể hơn về cái “môi trường” đó?

- Trông thế thôi chứ áp lực cơm áo gạo tiền với nghệ sĩ nặng nề ra phết đấy. Quan trọng hơn là không có một thị trường để nuôi dưỡng. Ngay cả khi đã sáng tác xong rồi mà muốn tìm chỗ trưng bày cũng đã khó.

Thứ ba là, ngay cả cộng đồng nghệ thuật cũng không có sự chia sẻ. Không phải ai cũng đầy nhiệt huyết, đầy năng lượng. Trong những người làm nghệ thuật, có những người có tính tiên phong nhưng cũng có những người a dua, thích nổi nhanh.

* Có lý do nào từ bản thân nghệ sĩ không?

- Trong nhà trường, nghệ sĩ Việt Nam thường được chú ý đào tạo về kỹ năng nghề nhưng ít được đào tạo về năng lực tư duy và cũng rất ít đọc sách. Thế nên, khi cạn vốn sáng tạo bản năng, đến lúc cần phải đụng đến những vấn đề triết học, mỹ học hoặc thái độ sống, mối liên hệ con người với thế giới… thì chúng ta “hết bài” do thiếu một cái “phông” văn hóa dày dặn.

Đó là thiếu sót của môi trường giáo dục và xã hội ở ta, không chỉ riêng ngành văn hóa nghệ thuật. Nghệ sĩ chỉ thông minh và tìm hiểu những kỹ năng nghề thuần túy thôi thì chưa đủ năng lượng đi xa.

Trình diễn chợ quê của Đào Anh Khánh bị người dân phản đối, phải ngừng giữa chừng hồi đầu tháng 3. Ảnh: Phạm Mỹ.

NTĐĐ không hề muốn “kén khán giả”

* Sự việc màn trình diễn Chợ quê của Đào Anh Khánh bị người dân ở bãi sông Hồng phản đối gần đây, anh đánh giá thế nào?

- Thực ra thì giới nghệ thuật không đánh giá cao màn trình diễn đó. Về góc độ báo chí thì có vẻ đó là một sự việc gây chú ý nhưng nếu là người trong nghề, chỉ cần nghe tên các nghệ sĩ trình diễn hôm đó thì sẽ đoán ra ngay một kịch bản như thế.

Chợ quê có thể coi như một tai nạn nghề nghiệp, nhưng xét từ góc độ đó là một tiết mục trình diễn ngẫu hứng, ta sẽ hiểu rằng đã ngẫu hứng thì đừng đòi hỏi gì nhiều. Trong làng nghệ thuật thế giới có những màn trình diễn cũng ngẫu hứng nhưng dựa trên một thông điệp rõ ràng hơn, tạo cảm giác là có ý thức hơn.

Nhiều khi báo chí cũng đòi hỏi quá nhiều ở mỗi lần xuất hiện của nghệ sĩ, cứ như mỗi lần xuất hiện là phải để lại một dấu ấn gì đó. Nghệ sĩ sáng tác làm sao mà như con gà, mỗi lần đẻ đều phải ra một quả trứng được. Điều đó rất khó.

Cuốn Nghệ thuật đương đại Việt Nam 1990-2010 của hai nhà nghiên cứu thuộc Viện Mỹ thuật là Bùi Như Hương và Phạm Trung – được NXB Tri Thức xuất bản bản tiếng Anh vào năm 2012. Bản tiếng Việt công bố tháng 3/2013.

* Cách người dân phản ứng trước tác phẩm này có vẻ như chỉ là một biểu hiện cấp độ mạnh của cách họ nghĩ về NTĐĐ lâu nay: quá khó hiểu, không dành cho khán giả đại chúng?

- Thực ra, đó chỉ là một góc nhìn. Còn từ góc nhìn các nghệ sĩ thì NTĐĐ mới là  loại hình nỗ lực tìm kiếm khán giả nhất, cởi mở nhất. Một trong những nhu cầu của NTĐĐ là đưa nghệ thuật ra ngoài không gian bảo tàng, phòng triển lãm và đi tìm công chúng. Và thể loại performance cũng đòi hỏi tương tác của người xem. Cái khó hiện nay là chính công chúng Việt Nam đang mặc cảm và xa rời mỹ thuật nói chung, không riêng gì NTĐĐ. Cũng như nhạc cổ điển ở Việt Nam có rất ít khán giả.

Văn hóa của chúng ta đang phát triển thiên lệch về thời trang và các chương trình giải trí truyền hình. Trong khi đó chính NTĐĐ đang cố vượt ra khỏi tường rào, không hề có ý định “kén”. Nghệ sĩ đương đại đang “chìa tay ra mời khán giả”, không khép kín như hội họa giá vẽ trong các bảo tàng. Còn công chúng vẫn mặc cảm vì coi NTĐĐ như một thứ quá bí hiểm, không chịu tiếp cận để hiểu nhau, “chơi” với nhau. Vấn đề ở chỗ việc giáo dục thưởng thức nghệ thuật cho các thế hệ học sinh nhiều thập niên qua đã thất bại, không đáp ứng được yêu cầu của xã hội đặt ra, dẫn đến sự ngơ ngác, mất phương hướng về mặt thẩm mỹ của đại bộ phận công chúng như hiện nay.

Vài nghệ sĩ trẻ đang đi lạc đường

* Ngoài ấn tượng khó hiểu, NTĐĐ còn tạo cho người ta một ấn tượng khác, hoàn toàn trái ngược: có những tác phẩm có phần đề dẫn đao to búa lớn, mang những thông điệp “lấp lánh” nhưng khi công bố thì có vẻ như không đạt tầm, rất sáo rỗng, kiểu “thùng rỗng kêu to”. Anh nghĩ sao?

- Cũng phải thừa nhận rằng NTĐĐ cũng là sản phẩm của thời đại truyền thông, tốc độ, đẹp theo kiểu đèn “nhấp nháy” quảng cáo. Tuy nhiên, không nên nhìn nhận sự ầm ĩ, “thùng rỗng kêu to” đó là nét chính của NTĐĐ. Ngay cả hội họa giá vẽ hay âm nhạc bác học cũng có người thích, có người không, không nên từ một vài triển lãm cụ thể lãng xẹt mà coi đó là đặc điểm chính của toàn bộ nền NTĐĐ.

* Thế còn các nghệ sĩ trẻ, lứa nghệ sĩ tuổi 30 hoặc trẻ hơn, gần đây có triển lãm Nghệ sĩ trẻ đang nghĩ gì, anh có xem không?

- Tôi thấy các bạn ấy đang nhầm lẫn, đang vẽ theo hơi hướng của dư luận chứ không vẽ theo lòng mình. Vẽ về tiền và sex cũng không sao, vấn đề là vẽ như thế nào. Tôi thấy nhiều bạn cách thể hiện chưa chín chắn, ngay cả kỹ năng nghề nghiệp cũng còn hạn chế và như thế thì hiệu quả nghệ thuật không cao.

Các họa sĩ trẻ sẽ khó mà tiến bộ được nếu sáng tạo kiểu “đẽo cày giữa đường”. Họ nên suy nghĩ đào sâu về một ý tưởng nghệ thuật rồi vẽ chứ đừng vẽ những gì thời thượng, người khác đã gặt hái rồi họ nghĩ là làm theo sẽ bán được. Có lẽ nghệ sĩ trẻ hãy là chính mình với một khát vọng tự do cá nhân mạnh mẽ, không bầy đàn.

* Cảm ơn anh!

Mi Ly (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm