02/02/2013 06:40 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Mang tên gọi giản dị Đèn cổ Việt Nam, triển lãm sẽ kéo dài trong 4 tháng kể từ ngày khai mạc hôm qua 1/2.
Như lời TS Nguyễn Văn Cường (giám đốc Bảo tàng), từ việc chiếc đèn đồng Đông Sơn hình người quỳ được công nhận là Bảo vật quốc gia, các chuyên gia tại đây đã quyết định “mở cửa” kho sưu tập, để chọn ra hơn 50 đèn cổ cho cuộc trưng bày.
Có “tuổi đời” từ hơn 2.000 năm đổ lại, hơn 50 cây đèn cổ được trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam là những ẩn số thú vị về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật... đang chờ giới nghiên cứu giải mã.
Đây là lần đầu tiên, một cuộc triển lãm chuyên về đèn cổ được tổ chức và phân thành 3 bộ sưu tập cơ bản: đèn cổ thời sơ sử (khoảng thế kỉ V TCN tới thế kỉ IV SCN), đèn cổ thời ảnh hưởng văn hóa phương Bắc (thế kỉ I - thế kỉ X), đèn cổ thời phong kiến độc lập tự chủ (thế kỉ XI - cuối thế kỉ XIX)
Từ bảo vật đèn đồng Đông Sơn...
Không phải ngẫu nhiên, trong nhóm đèn cổ thời Đông Sơn được trưng bày, chiếc đèn đồng hình người quỳ được người xem chú ý đặc biệt so với những đèn đồng hình hươu, hình voi, đèn 3 chân... còn lại.
Cây đèn đồng hình người quỳ thời văn hóa Đông Sơn |
Được tìm thấy trong một cuộc khai quật của Viện Viễn Đông Bác Cổ năm 1935 tại Thanh Hóa, cây đèn đồng này được xác định có niên đại cách đây từ 2.000 đến 2.500 năm với kết cấu vô cùng tinh xảo. 2 vai và trên lưng hình người quỳ này tỏa ra 3 nhánh hình chữ S đỡ lấy 3 đĩa đèn dầu. Tóc bức tượng hình xoắn ốc, có đội khăn, phía trên đùi tượng lại có... 4 hình người nhỏ xíu cũng ở tư thế quỳ với các động tác được cho là đang sử dụng nhạc cụ.
Theo phân tích của Viện Viễn Đông Bác Cổ, “nhân vật” trong cây đèn có phần tóc mang dáng dấp của nghệ thuật Ấn Độ, vành khăn như biểu trưng của sự vương giả nếu xét theo góc độ văn hóa Địa Trung Hải, còn phần con mắt mở rộng, viền môi, ria mép mỏng lại giống với chi tiết miêu tả thường thấy trong các bộ tộc vùng... Pakistan
“Sức hút của cây đèn nằm ở những tranh luận trái ngược quanh nguồn gốc và ý nghĩa tâm linh của nó” - TS Phạm Quốc Quân (nguyên GĐ Bảo tàng) cho biết. Cộng cùng các đồ trang sức tinh xảo mà người đàn ông này mang trên mình, nhiều chuyên gia cho rằng cây đèn thể hiện một người có địa vị cao quý và sẽ được sử dụng trong những nghi thức quan trọng.
Ngược lại, dựa trên tư thế quỳ, nhiều chuyên gia có quan điểm trái ngược: cây đèn mang tính tiếp biến văn hóa Việt - Hán đậm đặc, với thiết kế cách điệu theo hình ảnh một tù binh Hung Nô bị bắt và trở thành người hầu bê đèn...
Riêng với TS Phạm Quốc Quân, quan điểm khá mạnh dạn của ông được đưa ra từ việc khảo sát hàng chục cây đèn cổ Đông Sơn khác: “Bảo vật này mang những đặc thù của văn hóa Đông Sơn giai đoạn cuối, chứ không hề chịu ảnh hưởng từ bất kì yếu tố ngoại sinh nào.
Đó là giai đoạn rất đặc biệt trong văn hóa Đông Sơn, khi những quan niệm về ánh sáng, vũ trụ, mặt trăng mặt trời... được gắn liền với sự bất tử. Và đặt trong mộ cổ, những cây đèn có vai trò như vật chỉ đường dẫn lối cho người chết trong cuộc du ngoạn ở thế giới bên kia”.
... tới tác giả những cây đèn gốm thời Lê
Bên cạnh những cây đèn kim loại, một lượng lớn đèn cổ tại triển lãm có cấu tạo bằng gốm, trải dài suốt 1.000 năm kể từ thế kỷ 10. “Một phần những hiện vật này được Viện Viễn Đông Bác Cổ sưu tầm, một phần khác do chúng ta thu được từ những cuộc khảo cổ” - TS Nguyễn Đình Chiến, Phó GĐ Bảo tàng cho biết.
Chân đèn gốm làm năm 1587, do nghệ nhân Đỗ Phủ thực hiện |
Theo lời ông, rất nhiều cây đèn gốm trong số này thể hiện sự sáng tạo đậm chất văn hóa Việt, với những kiểu dáng gần như không thể gặp ở bất cứ quốc gia nào. Chẳng hạn, cặp chân đèn gốm nâu trang trí hoa cúc thời Mạc cao tới 70 phân, được những người thợ Việt cổ đúc thành 2 phần riêng biệt để lắp khít vào nhau. Trong đó, phần phía dưới mang kiểu dáng hơi giống mai bình (bình cổ đựng hoa mai) thời Tống của Trung Hoa, nhưng lại có rất nhiều nét độc đáo riêng với hình rồng màu lam được đắp nổi.
Đáng thú vị, rất nhiều cây đèn gốm cổ VN đều có minh văn (chữ viết được cách điệu) khắc kèm. Đã có vài chục năm nghiên cứu về minh văn trên gốm Việt, ông Chiến cho biết: “Rất nhiều nghệ nhân khi xưa không chỉ in niên đại làm gốm mà còn mạnh dạn... đưa hẳn tên mình lên phần minh văn. Thậm chí một số minh văn còn ghi cả tên những người phụ nữ, điều vốn chưa bao giờ gặp ở nền văn hóa Trung Quốc, Nhật Bản thời phong kiến”.
Theo lời ông Chiến, qua những minh văn còn lưu lại, các chuyên gia của Bảo tàng đã thống kê được họ tên của hơn 30 nghệ nhân làm gồm hoặc của người “đặt hàng”. Chẳng hạn, cặp chân đèn làm năm Diên Thành 1579 có ghi tên người đặt hàng là Lê Thị Lộc, hoặc một cặp chân đèn làm năm Đoan Thái 1587 có ghi người đặt hàng là Đoan Quận công Mạc Ngọc Liễn và Phúc Thành công chúa. Đặc biệt, rất nhiều bộ đèn được ghi lại cái tên của nghệ nhân chế tạo là ông Đỗ Phủ, cùng vợ, con trai và con gái.
“Chúng tôi muốn cung cấp cho du khách một cái nhìn hệ thống về đặc điểm cấu tạo, kĩ thuật chế tác, chức năng sử dụng... của đèn cổ VN qua các thời kì lịch sử, từ đó hiểu thêm nhiều khía cạnh trong đời sống văn hóa, xã hội, tâm linh Việt” - ông Chiến nói.
Trao tặng 23 bản đồ khẳng định chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất